Tin tức

Việt Nam - Romania: Khuyến khích doanh nghiệp tận dụng cơ hội do EVFTA mang lại

05/05/2021    114

Trong buổi họp nhóm Công tác chung về Kinh tế - Thương mại giữa Việt Nam và Romania cuối tháng 4 vừa qua, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh công tác thực thi các Hiệp định EVFTA và EVIPA và khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội do Hiệp định đem lại.

Nhóm Công tác chung về Kinh tế - Thương mại giữa Việt Nam và Romania vừa tổ chức phiên họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến ngày 28/4 dưới sự chủ trì của ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Vụ Âu Mỹ), Bộ Công Thương Việt Nam và bà Diana Codau, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania.

Trong Khoá họp lần thứ 6 Uỷ ban hỗn hợp (UBHH) về kinh tế giữa Việt Nam – Romania năm 2019, Bộ trưởng hai nước đã thống nhất thành lập Nhóm Công tác chung với nhiệm vụ vụ rà soát tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, các khó khăn, vướng mắc, từ đó tham mưu cho các Bộ trưởng – đồng Chủ tịch UBHH các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ này, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động để triển khai các nội dung được nêu trong Biên bản Khóa họp lần thứ 16, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác thương mại.

Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được ký kết trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Romania và sau đó được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn để chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020. Romania cũng là một trong ba nước EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Có thể nói, các khung khổ, nền tảng mới cho quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Romania đã được thiết lập. Cộng đồng doanh nghiệp hai nước đang đứng trước những vận hội mới. Do đó, hai Bên cùng nhất trí Romania và Việt Nam cần tiếp tục đi đầu trong việc đưa các Hiệp định EVFTA và EVIPA vào thực thi, đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp hai nước.

Tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm Công tác chung về Kinh tế - Thương mại giữa hai nước, hai bên đã trao đổi thẳng thắn, đánh giá về về kết quả các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Romania thời gian qua. Theo đó, hợp tác giữa Việt Nam và Romania đã đạt được những kết quả tích cực, có sự tăng trưởng tốt nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của mỗi Bên, đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa từ các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Đánh giá chung về hợp tác thương mại, hai bên nhất trí mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động dự kiến tổ chức trong năm 2020 thậm chí đã bị hủy bỏ, nhưng thương mại hai chiều Việt Nam – Romania vẫn có sự tăng trưởng tích cực. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Romania năm 2020 đạt 288,4 triệu USD, tăng 10,4% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Romania đạt khoảng 220,2 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2019 và nhập khẩu từ Romania đạt 68,2 triệu USD, tăng 1,1% so với năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Romania đạt 79,9 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng tại cuộc họp, hai bên đã cùng rà soát lại những vướng mắc doanh nghiệp hai bên gặp phải trong thời gian vừa qua và đề ra những biện pháp tháo gỡ. Theo đó, đại diện Việt Nam và Romania đã cùng nhất trí sẽ tích cực triển khai các nội dung được nêu tại Biên bản Khoá họp lần thứ 16 của Uỷ ban hỗn hợp về Kinh tế giữa Việt Nam – Romania và chuẩn bị nội dung cho Khoá họp lần thứ 17 tại Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

Hai bên cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thực thi các Hiệp định EVFTA và EVIPA thông qua việc tăng cường cung cấp thông tin về các cơ hội kinh doanh, thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp hai nước, khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội do Hiệp định đem lại. Việt Nam khuyến khích các nhà nhà đầu tư Romania đầu tư vào các dự án công nghiệp nền tảng, hợp tác chuyển giao các công nghệ Romania có thế mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, hai bên tiếp tục duy trì kết nối giao thương trực tuyến trên nền tảng số cho doanh nghiệp hai nước, và chuẩn bị sẵn sàng cho việc tổ chức các doanh nghiệp trực tiếp sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại thị trường của nhau, ngay khi điều kiện cho phép.

Trong buổi họp, hai bên cũng đã nhất trí duy trì trao đổi số liệu thống kê về kinh tế thương mại theo quý trong khuôn khổ Nhóm công tác để có thể kịp thời có những phân tích đánh giá, tham mưu cho các cấp lãnh đạo các biện pháp phù hợp.

Nguồn: Báo Công Thương