Tin tức

Cùng góp mặt trong 2 'siêu Hiệp định' CPTPP và RCEP, Mỹ-Trung Quốc sẽ được và mất gì?

26/04/2021    170

Mỹ nên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nên làm việc với Trung Quốc để tích hợp hiệp định này với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là nhận định của cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Long Yongtu.

Theo ông Long Yongtu, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, nhiều quốc gia tham gia cả RCEP và CPTPP và mục tiêu chính của cả hai hiệp định là tự do hóa thương mại. Nếu ý tưởng này thành hiện thực, trên thế giới sẽ xuất hiện khu vực thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử.
Kết hợp CPTPP và RCEP

Ông Long nhắc đến mối quan hệ chính trị "không mấy êm đẹp" giữa Bắc Kinh và Washington và nhận xét rằng "quả bóng" đang ở trên sân của Mỹ.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn được tạo ra bởi New Zealand, Singapore và Chile. Dần dần, các nước khác trong khu vực cũng gia nhập TPP.

Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ bắt đầu tích cực ủng hộ sáng kiến này.

Hiệp định TPP ban đầu gồm 12 nền kinh tế tham gia đàm phán, có mục đích cắt giảm hàng rào thuế quan, cũng như điều chỉnh các quy tắc nội bộ của các nước tham gia trong lĩnh vực luật lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ, sinh thái...

Trung Quốc không được mời tham gia TPP vì Mỹ, động lực chính đằng sau TPP, xem hiệp định này như một công cụ để kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của nước này trong khu vực.

Tuy nhiên, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã đơn phương rút khỏi Hiệp định này. Sau đó, 11 quốc gia còn lại, kể cả Nhật Bản, Australia, New Zealand, đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP với những nội dung cốt lõi.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đã tích cực đàm phán về một sáng kiến thương mại khu vực khác - Hiệp định RCEP.

Các cuộc đàm phán về RCEP đã diễn ra từ năm 2012, nhưng các nước tham gia không thể thống nhất tất cả điều kiện, chủ yếu là do Ấn Độ lo ngại rằng việc dỡ bỏ các rào cản sẽ khiến sản phẩm của họ không có sức cạnh tranh so với hàng hóa Trung Quốc.

Hậu quả là Ấn Độ đã rút khỏi cuộc đàm phán RCEP vào năm 2019 và RCEP đã được ký kết mà không có sự tham gia của New Delhi.

Tham gia Hiệp định có 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). RCEP quy định việc tự do hóa chế độ thương mại cho tất cả các bên tham gia. Định dạng RCEP giống Hiệp định thương mại tự do của Mexico với Mỹ và Canada (USMCA), cũng như Hiệp định thương mại tự do của EU.

Tuy nhiên, xét về tổng trọng lượng kinh tế của các quốc gia tham gia RCEP, Hiệp định này đang dẫn đầu với thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu.

Nhờ đó, xét về tổng tỷ trọng của RCEP trong nền kinh tế thế giới, Hiệp định này bắt đầu vượt xa CPTPP. Không có sự tham gia của Mỹ, Hiệp định CPTPP không có “đầu tàu kinh tế”, 11 nước tham gia CPTPP chỉ chiếm 11% GDP toàn cầu.

Nguồn: Báo Quốc Tế