Tin tức

Bẫy tự do thương mại, ai chịu trách nhiệm?

10/01/2011    654

Tình hình phát triển công nghiệp của Việt Nam không thay đổi nhiều thời gian qua. Những diễn tiến trên bản đồ công nghiệp tại châu Á trong năm 2010 càng cho thấy Việt Nam đang bước gần đến cái bẫy tự do thương mại. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về nguy cơ này?


Ba năm trước, tôi nêu khái niệm "cái bẫy của trào lưu mậu dịch tư do" và phân tích nguy cơ Việt Nam có khả năng sa vào cái bẫy đó.


Ý nghĩa của khái niệm "bẫy trào lưu mậu dịch tự do" hay "bẫy tự do thương mại" có thể tóm tắt như sau: Trong khu vực tự do thương mại mà trình độ phát triển của các nước thành viên không đồng đều, những nước đi sau nếu không nỗ lực nhanh chóng tăng năng lực cạnh tranh những ngành công nghiệp có tiềm năng trước khi các hàng rào quan thuế và phi quan thuế bị bãi bỏ hoàn toàn thì hàng công nghiệp của các nước đi trước sẽ tràn vào các nước đi sau làm cho các nước này không còn cơ hội chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, cơ cấu lợi thế so sánh hiện tại vì thế sẽ bị cố định (phát triển kinh tế là quá trình chuyển dịch cơ cấu lợi thế so sánh từ những ngành dùng nhiều tài nguyên và lao động giản đơn lên những ngành có hàm lượng cao về tư bản, công nghệ hoặc lao động chất lượng cao. "Lợi thế so sánh hiện tại bị cố định" có nghĩa là sự chuyển dịch vừa nói không xảy ra).


Rất tiếc, tình hình phát triển công nghiệp của Việt Nam không thay đổi bao nhiêu trong thời gian qua. Những diễn tiến trên bản đồ công nghiệp tại châu Á trong năm 2010 càng cho thấy Việt Nam đang bước gần đến cái bẫy tự do thương mại.


Thuận lợi từ bên ngoài


Nhiều diễn biến tại châu Á trong năm 2010 tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu phân công lao động, đang làm thay đổi bản đồ công nghiệp tại khu vực này. Thứ nhất là đồng yen lên giá  tới mức cao nhất trong 15 năm nay đẩy nhiều doanh nghiệp Nhật chuyển nhà máy sản xuất ra nước ngoài hơn nữa. Thứ hai là những thay đổi tại thị trường Trung Quốc dẫn đến môi trường đầu tư không thuận lợi như trước nên nhiều doanh nghiệp hoạt động tại đây phải thay đổi chiến lược, một số chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác.


Trong những thay đổi tại môi trường Trung Quốc, nổi bật nhất là tiền lương tăng nhanh và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển lao động tại các tỉnh ven biển. Đồng nhân dân tệ lên giá cũng đưa lại hệ quả tương tự, đặc biệt đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Một thay đổi nữa, bắt đầu từ năm 2008, là Trung Quốc bãi bỏ dần các ưu đãi (về thuế) đối với doanh nghiệp có vốn nước ngoài (doanh nghiệp FDI).


Những thay đổi này là cơ hội tốt cho Việt Nam đón đầu dòng thác FDI mới và chọn lọc những ngành, những công nghệ phù hợp với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tới. Nhưng trên thực tế dòng FDI đã không chuyển động theo hướng có lợi cho Việt Nam.


Khó khăn từ bên trong


Thứ nhất, tuy môi trường bất lợi hơn trước, vị trí của Trung Quốc trong chiến lược đầu tư của nước ngoài không thay đổi nhiều. Nhiều doanh nghiệp FDI đối phó với những thay đổi nói trên bằng việc áp dụng công nghệ tiết kiệm lao động và nỗ lực hơn trong việc tăng năng suất.


Vào cuối tháng 3 năm 2010 tôi có đi khảo sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn Nhật Bản tại Quảng Châu và Trung Sơn, những thành phố có nhiều doanh nghiệp FDI của tỉnh Quảng Đông, và thấy là rất ít doanh nghiệp dự định chuyển đi nước khác.


Công ty Canon tại Trung Sơn (sản xuất máy in cao cấp) chẳng hạn cho rằng nhà máy của họ đang nằm trong một quần thể các cụm công nghiệp hoàn chỉnh, tiếp tục ở đây mới bảo đảm được cả 3 yếu tố của năng lực cạnh tranh là phí tổn (cost), chất lượng (quality) và cung cấp sản phẩm trung gian đúng hạn kỳ (delivery). Canon sẽ tự động hóa nhiều dây chuyền sản xuất để đối phó với vấn đề khó khăn về tiền lương và lao động.


Điều tra của báo Nikkei vào cuối tháng 11/2010 đối với doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Trung Quốc cũng cho thấy chỉ có 5% số doanh nghiệp trả lời có kế hoạch di chuyển nhà máy đến nước khác, và có đến phân nửa số doanh nghiệp cho rằng tiền lương và đồng nhân dân tệ lên giá hay các bất lợi khác gần đây không làm họ thay đổi chiến lược đầu tư tại Trung Quốc.


Trong khuynh hướng chung đó, kế hoạch tăng đầu tư của một số công ty lớn như Toyota và JFE Steel rất đáng chú ý. Toyota dự định chọn tỉnh Giang Tô để lập thêm công ty 100% vốn của mình, từ năm 2013, ngoài sản xuất xe hơi còn tiến hành cả hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) tại đây. Công ty thép JFE Steel dự định tăng năng lực sản xuất thép bảng cao cấp dùng cho xe hơi của nhà máy đã hoạt động tại Quảng Châu.


Thứ hai, những luồng FDI chuyển từ Trung Quốc đi hoặc những luồng mới xuất phát từ Nhật và các nước khác có khuynh hướng ngày càng chọn Thái Lan và Indonesia làm nơi dừng chân. Biến động chính trị tại Thái vào giữa năm 2010 chỉ ảnh hưởng nhất thời đến môi trường FDI. Thái tiếp tục được xem là cứ điểm sản xuất hàng công nghiệp hiệu quả nhất tại ASEAN.


Riêng trong năm 2010, Toyota, Sumitomo Denko, JFE Steel, Bridgestone và Suzuki của Nhật, Ford Motors của Mỹ, công ty điện gia dụng Haier của Trung Quốc đã phát biểu kế hoạch tăng công suất của các nhà máy đã có hoặc lập thêm nhà máy sản xuất hàng công nghiệp tại Thái để cung cấp cho thị trường khối ASEAN hoặc cho toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương.


Indonesia cũng ngày càng hấp dẫn FDI vì môi trường pháp lý, xã hội và kinh tế được cải thiện trong 3 năm qua. Ngoài việc được đánh giá đã cải thiện chỉ số minh bạch và môi trường kinh doanh, với quy mô dân số lớn thứ tư trên thế giới, và với nền kinh tế đang tăng trung bình mỗi năm 6% và là thành viên của G20, triển vọng về tương lai của Indonesia đang rất sáng sủa dưới mắt các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Trong nửa đầu 2010, FDI tại nước này tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Gần đây công ty Seiko Epson (sản xuất máy in), Honda và Nissan (xe hơi) của Nhật tuyên bố sẽ tăng sản lượng các nhà máy đã lập hoặc xây dựng thêm các nhà máy mới tại ngoại ô Jakarta.


Thái Lan và Indonesia ngoài các yếu tố nói trên còn có điểm chung là dưới thể chế AFTA, hàng sản xuất trong mỗi nước có thể cung cấp cho toàn khu vực ASEAN.


Những vấn đề nội tại


Nhìn vào Việt Nam ta thấy bức tranh công nghiệp vẫn như cũ, tình trạng nhập siêu, nhất là nhập siêu với Trung Quốc vẫn là yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô và bất an về tương lai phát triển công nghiệp. Mặc dù khu vực Đông Á biến động theo hướng có lợi cho Việt Nam nhưng Việt Nam có vẻ không tạo được điều kiện để chớp thời cơ, để đón làn sóng mới FDI.


Khảo sát đầu tư của Nhật trong năm 2010 chẳng hạn, ta thấy ngoài dự án của Kobelco (sản xuất thép tại Nghệ An) và một số dự án nhỏ tại Khu công nghiệp Thăng Long là nơi hội đủ nhiều điều kiện về hạ tầng, không thấy có động hướng đáng chú ý liên quan đến những ngành chủ đạo trong bản đồ công nghiệp châu Á như điện tử, xe hơi, máy móc các loại.


Những yếu kém của môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được nói đến từ nhiều năm nay vẫn chưa được cải thiện.


Thứ nhất, đối với nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là nền kinh tế có chi phí cao (high cost economy), nhất là phí tổn kinh doanh. Nguyên nhân là do hạ tầng kém, nhất là trong giao thông và năng lực cung cấp điện, và chi phí (kể cả thời gian) cho thủ tục hành chính còn rất cao. Ngoài ra, chi phí sinh hoạt của người nước ngoài tại Việt Nam nhìn chung quá đắt so với các nước trong khu vực.


Tôi từng nghe nhiều giám đốc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhận xét rằng bữa ăn trưa hay ăn tối cùng chất lượng tại TP.HCM hay Hà Nội có chi phí tương đương với Bangkok và cao hơn nhiều thành phố tại Trung Quốc, mặc dù thu nhập đầu người của hai nước láng giềng cao gấp 3-4 lần Việt Nam. Điểm này cũng đúng với trường hợp phí tổn về cư trú của người nước ngoài. Có lẽ đây là do giá đất, giá thuê mặt bằng ở Việt Nam quá cao.


Thứ hai, vấn đề tiền lương và lao động tại Việt Nam nhìn chung không mấy thuận lợi đối với doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề không dễ giải quyết trừ trường hợp Chính phủ và chính quyền địa phương có các giải pháp đồng bộ. Chẳng hạn tiền lương công nhân ở các khu công nghiệp. Ta thấy mức lương quá thấp so với chi phí sinh hoạt của người công nhân. Điều kiện lao động nhìn chung cũng khó khăn. Nhưng doanh nghiệp nước ngoài không sẵn sàng tăng tiền lương vì khó tăng năng suất lao động tương ứng với mức lương cao hơn. Khó tăng năng suất lao động trong tình trạng thiếu điện, thiếu lao động chất lượng cao như kỹ sư, chuyên viên quản lý (theo điều tra của JETRO tiền lương của giới lao động chất lượng cao tại VN không rẻ hơn nhiều so với Thái Lan và Trung Quốc).


Ngoài ra, có tình trạng dư thừa lao động tại nông thôn nhưng thiếu lao động tại các khu công nghiệp gần các đô thị lớn. Chính quyền địa phương ở nông thôn cần tích cực hơn trong vai trò góp phần hoàn thiện thị trường lao động (thu thập và cung cấp thông tin về nhu cầu lao động, nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục để tăng chất lượng lao động cung cấp từ nông thôn, v.v..)


Thứ ba, các ngành công nghiệp hỗ trợ còn non kém, chưa phát triển nên doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian khác, làm tăng giá thành sản phẩm. Trong ngành xe hơi chẳng hạn, Việt Nam mới sản xuất được bánh xe và bình ắc quy (battery). Sản phẩm nhựa (plastics) rất quan trọng trong các ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng Việt Nam hầu như không sản xuất được.


Thứ tư, doanh nghiệp Việt Nam quá yếu, không đáp ứng được yêu cầu liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài. Công ty nước ngoài đối phó bằng cách lập các doanh nghiệp 100% vốn của mình nhưng có nhiều lãnh vực họ muốn hình thức liên doanh để dễ thâm nhập thị trường nội địa. Đối với Việt Nam, liên doanh có lợi cho việc hấp thu công nghệ và tri thức kinh doanh hơn là hình thức 100% vốn nước ngoài.


Ngoài ra, có nhiều trường hợp một doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nhiều công ty nước ngoài trong cùng lãnh vực sản xuất kinh doanh mà các công ty này lại cạnh tranh với nhau trên thị trường thế giới. Do đó, họ không thể chuyển giao hoàn toàn công nghệ và bí quyết kinh doanh cho doanh nghiệp liên doanh ở Việt Nam, kết quả là doanh nghiệp liên doanh hoạt động kém hiệu quả. Đây cũng là yếu tố làm cho môi trường đầu tư ở Việt Nam kém hấp dẫn.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?


Chỉ còn 5-6 năm nữa thì Việt Nam phải bãi bỏ các hàng rào quan thuế và phi quan thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Như đã phân tích ở trên, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia ngày càng củng cố nền công nghiệp vốn đã được xây dựng từ trước. Đối với Việt Nam, cái bẫy tự do thương mại không còn bao xa. Ai sẽ chịu trách nhiệm về nguy cơ này?


Năm 1996, Đại hội 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra mục tiêu xây dựng Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Những đại hội sau đó cũng xác nhận lại mục tiêu này. Hầu hết người dân Việt Nam cũng xem đó như một đồng thuận xã hội. Đã gần 15 năm trôi qua từ khi mục tiêu được đưa ra, công nghiệp Việt Nam hiện nay đã đạt được thành tựu gì? Nổi bật là những công trình lọc dầu, chế thép, sản xuất xi-măng đã hoặc sẽ đi vào hoạt động nhưng hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh quốc tế còn là vấn đề chưa rõ.


Còn những ngành Việt Nam có tiềm năng về lợi thế so sánh tại sao không phát triển mặc dù đã được bàn đến từ 15 năm trước? Chẳng hạn vải, tơ sợi, và các nguyên vật liệu khác dùng cho sản phẩm quần áo, giày dép tại sao phải tiếp tục nhập khẩu khối lượng lớn?


Tại sao quy hoạch (master plan) đã được soạn thảo từ 6-7 năm trước với trợ giúp kỹ thuật từ nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ mà không được cụ thể hóa thành chính sách và kế hoạch thực hiện?


Việt Nam được các công ty đa quốc gia cho là có tiềm năng trong các ngành điện tử, máy móc về công nghệ thông tin nhưng tại sao các ngành này không phát triển mạnh mẽ (năm 2009 kim ngạch sản xuất các ngành nầy ở VN chỉ có 3 tỷ USD trong khi Thái Lan là 28 tỷ, Malaysia 46 tỷ, Trung Quốc 410 tỷ)?.
Đã đến lúc phải có câu trả lời chính xác cho các câu hỏi trên và qua đó sẽ thấy được cơ quan nào, lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm về sự chậm phát triển của công nghiệp Việt Nam trong thời gian qua. Từ đó cơ quan cụ thể, lãnh đạo cụ thể phải được giao trách nhiệm để tránh cái bẫy tự do thương mại trong giai đoạn sắp tới.

GS. Trần Văn Thọ
Nguồn: TBKTSG