Tin tức

Thực thi UKVFTA: Xuất khẩu vào Anh khởi sắc rõ rệt

14/04/2021    117

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 sau khi có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021. Nhờ UKVFTA, XK hàng hóa vào Anh ghi nhận tăng trưởng rõ rệt và được dự báo sẽ ngày càng tăng tốc mạnh mẽ nếu DN thực sự nỗ lực, vượt qua các rào cản phi thuế quan để chinh phục thị trường.

Xuất khẩu tăng ngay hơn 22%

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, riêng XK sang thị trường Anh trong 3 tháng đầu năm ghi nhận tăng 22,1%. Các FTA thế hệ mới, trong đó UKVFTA đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.

Vào thời điểm trước khi UKVFTA có hiệu lực tạm thời, trao đổi với báo chí, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh (lúc đó còn đang giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương) đã phân tích, dư địa tăng trưởng thị trường tại Anh cho sản phẩm Việt Nam còn rất lớn vì tất cả các sản phẩm XK Việt Nam chỉ chiếm được không quá 1% thị phần trong tổng kim ngạch NK hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (2019) của Anh. Mặt hàng XNK giữa hai quốc gia mang tính bổ sung thay vì cạnh tranh.

Phân tích sâu nhiều mặt hàng có trị giá XK hàng chục tỷ USD mỗi năm của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ… dễ thấy, nhận định còn nhiều dư địa tăng trưởng nêu trên ngày càng được hiện thực hóa, thậm chí đồ gỗ Việt còn được đánh giá có sức cạnh tranh khá tốt tại thị trường này.

Theo thông tin mà Bộ Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len vừa công bố, đồ gỗ Việt Nam XK sang Anh có khả năng cạnh tranh nhờ chi phí thấp, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Một số công ty lớn trong ngành gỗ của Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc đã ký hợp đồng hợp tác dài hạn với các nhà sản xuất Việt Nam. Ví dụ, IKEA- nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất có thị phần lớn nhất tại Anh đã có hệ thống cung cấp sản phẩm sâu rộng ở Việt Nam từ nhiều năm nay, giúp đồ gỗ Việt ngày càng có chỗ đứng vững chắc tại thị trường Anh.

Trên thực tế, nhóm hàng đồ gỗ có phạm vi tiêu thụ rất rộng, DN Việt Nam mới đáp ứng được một phần nhu cầu nên dư địa thị trường vẫn còn nhiều. Để đồ gỗ Việt Nam mở rộng thị phần, nhiều chuyên gia nhận định, DN Việt Nam cần tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phải giữ được các khách hàng đã có và phát triển thêm khách hàng mới với những mặt hàng mới.

Tương tự với mặt hàng dệt may, dù hàng năm XK đạt tới vài chục tỷ USD song hiện kim ngạch sản phẩm dệt may Việt Nam XK sang thị trường Anh mới chiếm 2,36% tổng kim ngạch XK. Theo UKVFTA, các mặt hàng dệt may của Việt Nam được giảm thuế NK về 0% (từ mức 12%) ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc về 0% theo lộ trình sau 4, 6, 8 năm từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Cùng với các FTA khác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), UKVFTA sẽ tạo ra cho ngành dệt may nền tảng thương mại vững chắc hơn và có sự tương hỗ lẫn nhau. Ngành dệt may Việt Nam có thể đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhờ việc NK từ Nhật Bản, Hàn Quốc để XK sang Anh, EU mà vẫn được hưởng thuế suất ưu đãi. Đây là thế mạnh mà nhiều nước trong khu vực ASEAN không có.

Cần lưu ý

UKVFTA đương nhiên không phải toàn “màu hồng”. Cơ hội mở ra luôn song hành cùng thách thức. Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu chất lượng đối với hàng hóa NK từ phía Anh rất cao. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS (biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật) linh hoạt trong Hiệp định EVFTA nhưng các ngành hàng nông sản của Việt Nam như chè, rau quả... cần cải thiện tính đồng nhất trong từng lô hàng, thu hoạch bảo quản và chất lượng sản phẩm mới có thể chinh phục được thị trường khó tính này.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đề cập tới khía cạnh, những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ trong nước, nhất là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…

Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh, để tận dụng được cơ hội mở ra tốt hơn nữa, DN cần chuyển hướng NK nguyên phụ liệu, sử dụng các nguyên liệu sản xuất trong nước, đẩy mạnh tính liên kết, hợp tác. Ngoài ra, các yếu tố về rào cản kỹ thuật, lao động, môi trường... cũng cần được tiếp cận, tuân thủ để hưởng ưu đãi khi XK. “Khối EU, Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ... sẽ là những thị trường hàng đầu và Hiệp hội sẽ có những kế hoạch cụ thể để cùng với DN đẩy mạnh thương mại, XK”, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói.

Ở góc độ tiếp cận thị trường, Bộ Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai Len lưu ý, Anh có hệ thống kênh phân phối và bán hàng phát triển bậc nhất thế giới. Thị trường có sự phân định rõ ràng và có sự tham gia của nhiều công ty trong chuỗi. Bước khởi đầu quan trọng nhất đối với các DN XK Việt Nam là quảng bá sản phẩm và cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm của mình cho khách hàng thông qua website và cataloge điện tử bằng tiếng Anh có trình độ chuyên nghiệp cao. Nếu chưa có kinh nghiệm, DN có thể tham khảo thông tin về các sản phẩm tương tự trên Alibaba.com.

Để nhanh chóng vào được thị trường, cách hiệu quả nhất đối với các DN Việt Nam là tìm kiếm các công ty thương mại hoặc nhà phân phối cho sản phẩm của mình. Nhà phân phối là các công ty đã có sẵn mạng lưới khách hàng bán lẻ như hệ thống các siêu thị. Trong các năm qua, các siêu thị và tập đoàn bán lẻ lớn của Anh chuyển dần sang đặt hàng trực tiếp của nhà sản xuất uy tín để đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm sự sáng tạo, cũng như để kiểm soát tốt hơn nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm. Các tập đoàn siêu thị lớn của Anh như Tesco, Sainsbury’s, Asda và Morrisons đã cung cấp thêm nhiều thông tin hướng dẫn và khuyến khích các công ty sản xuất trực tiếp liên hệ với mình. Đây cũng là hướng mà các DN XK Việt Nam cần lưu ý, xem xét kỹ lưỡng.

Nguồn: Báo Hải Quan