Tin tức

Khai thác CPTPP và FTA: Doanh nghiệp kỳ vọng tương lai

09/04/2021    112

Kết quả khảo sát doanh nghiệp về những tác động từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau 2 năm thực thi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Aus4Reform - Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, công bố ngày 7/4/2021, cho thấy, đa số doanh nghiệp lạc quan và kỳ vọng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác có thể sẽ giúp mang lại những cơ hội kinh doanh và lợi ích trong giai đoạn “bình thường mới” và trong dài hạn.

CPTPP đã được thực thi hơn 2 năm (từ 1/4/2019). Trong 2 năm đầu CPTPP có hiệu lực, có tới hơn ½ thời gian hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị tác động khó khăn nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 gây ra. Các phân tích, dự báo nhận định, trong trung hạn, doanh nghiệp phải chuẩn bị một kịch bản kinh doanh chấp nhận “sống chung” với Covid-19 trong bối cảnh “bình thường mới”. Mặc dù vậy, đa số doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá lạc quan.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, có 60,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục hoạt động bình thường; khoảng 13,3% cho biết sẽ vẫn hoạt động kinh doanh tốt trong bối cảnh đại dịch, thậm chí có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong thời gian tới; chỉ khoảng 17,2% cho biết hoạt động cầm chừng và khoảng 1% phải tính tới ngừng kinh doanh tạm thời hoặc vĩnh viễn thời gian tới.

Nhìn nhận về tác dụng của CPTPP và các FTA trong trung hạn, khoảng 60% doanh nghiệp cho rằng, CPTPP và các FTA tương đối hoặc rất hữu ích; khoảng 10% cho rằng, CPTPP và các FTA hầu như không có ý nghĩa gì với họ; 29% không chắc chắn CPTPP hay các FTA có tác động tiêu cực hay tích cực.

Trong dài hạn xa hơn, có khoảng 91,5% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có thể tận dụng được một trong các lợi ích từ CPTPP và các FTA trong hoạt động kinh doanh, trong đó khoảng 57,7% đặt kỳ vọng cao. Sự kỳ vọng này thể hiện ở tất cả các khu vực doanh nghiệp cả FDI, dân doanh và 100% vốn Nhà nước.

Các lợi ích cụ thể được doanh nghiệp kỳ vọng vào CPTPP và các FTA trong tương lai, đó là cơ hội hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài; môi trường kinh doanh thuận lợi; có thể tiếp cận, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu có giá trị gia tăng cao hơn; mở rộng thị trường; ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu; nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu giá tốt... Theo đánh giá của VCCI, các doanh nghiệp đã có nhận thức rất rõ giữa lợi ích trực diện và các cơ hội phát triển lâu dài.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng, sự thua kém về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là trở ngại trong việc hiện thực hóa các cơ hội kỳ vọng từ CPTPP và các FTA trong tương lai. Bên cạnh đó, biến động bất định của thị trường; thiếu thông tin về các cam kết, cách hiểu và vận dụng các cam kết; sự chậm chạp, vướng mắc, thiếu linh hoạt cũng như các hạn chế khác trong tổ chức thực thi CPTPP và các FTA của các cơ quan nhà nước; các tiêu chuẩn kỹ thuật như quy tắc xuất xứ còn quá khó…, cũng sẽ là những trở ngại trong việc tận dụng, khai thác các cơ hội để kinh doanh.

Để chuẩn bị cho một tương lai xa mà ở đó CPTPP và các FTA có thể là một trợ lực hiệu quả, khoảng 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã/đang có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng cơ hội, trong đó trước tiên sẽ củng cố, cải thiện năng lực cạnh tranh để thích ứng. Các doanh nghiệp dân doanh cho biết, sẽ chú trọng hơn vấn đề kỹ năng quản lý và quảng bá sản phẩm. Trong khi các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, cho biết sẽ ưu tiên tập trung đào tạo nâng cao năng lực của cả cán bộ quản lý và người lao động, năng lực công nghệ để tăng năng suất. Các doanh nghiệp FDI thì ưu tiên chuyển đổi nguồn cung nguyên vật liệu để tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan theo CPTPP và các FTA.

Khoảng ¼ doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, không có kế hoạch điều chỉnh gì cho tương lai hội nhập CPTPP và các FTA (đa số là doanh nghiệp dân doanh nhỏ và siêu nhỏ). Lý do bởi không có đủ năng lực, nguồn lực để làm hoặc không biết phải điều chỉnh thế nào dù biết điều chỉnh là cần thiết. Đây là nhóm cần được quan tâm hơn trong các chính sách hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh.

Nguồn: Báo Công Thương