Tin tức

Hai năm thực thi CPTPP tại Việt Nam – Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp

08/04/2021    143

Ngày 07/4, tại trụ sở VCCI Hà Nội, Trung tâm WTO & Hội nhập, VCCI đã tổ chức Hội thảo “Hai năm thực thi CPTPP tại Việt Nam – Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp” với sự hỗ trợ nguồn lực từ Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Hội thảo đã công bố kết quả Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi CPTPP từ góc nhìn doanh nghiệp” trên cơ sở kết quả khảo sát doanh nghiệp về thực tiễn, đánh giá và cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp về hai năm thực hiện Hiệp định này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá CPTPP là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, việc thực thi hiệp định khá vất vả khi năm đầu tiên Hiệp định đi vào hiệu lực doanh nghiệp chịu tác động của Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, năm thứ hai lại chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

"Có thể nói ít hiệp định nào vất vả như CPTPP trong thực thi, doanh nghiệp phải đương đầu với khó khăn lớn. Vì những điều đặc biệt này mà CPTPP là tâm điểm thu hút sự quan tâm của các nước", ông Lộc nhận định. Theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam là một nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất trong các đối tác nhưng đã nỗ lực hết mình để thực thi Hiệp định.

Theo Trung tâm WTO & Hội nhập (VCCI), sau khi Hiệp định CPTPP được thực thi, kim ngạch xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP đạt kết quả khả quan. Ở năm đầu tiên thực thi CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong khối này năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%). Năm 2019, xuất khẩu sang 6 nước CPTPP đạt 34,3 tỉ USD, tăng 8,1%. Năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu sang 6 nước duy trì ở mức gần tương đương 2019, đạt 34 tỉ USD, tăng 12,02%.

Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chủ yếu tập trung vào thị trường quen thuôc, đã có các Hiệp định thương mại như một số nước trong khối ASEAN và Nhật Bản. Thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Cụ thể, Nhật Bản: Chỉ chiếm 3,1%; Australia: 1,9%; New Zealand: 1,6%; 1,3% tại Mexico: 1,3%; Canada: 1,1%; Singapore: 1%.

Có 2 thị trường nổi lên trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang khối CPTPP là Canada và Mexico. Xuất khẩu sang Canada năm 2020 đạt kim ngạch gần 4,4 tỉ USD, tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung (7%). Trong đó, xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng gồm điện thoại các loại chiếm trên 62%/năm; Các sản phẩm mây, tre, cói và thảm; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc; Sản phẩm từ sắt thép; Phương tiện vận tải và phụ tùng… xuất khẩu sang Canada trong năm 2020 chiếm 25%, còn lại 15% là các sản phẩm gỗ, đồ gỗ, hàng rau quả, dụng cụ thể thao… Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 lại Mỹ La Tinh. Trong thời gian qua, thương mại hai chiều tăng bình quân 14,6%/năm. Xuất khẩu tăng bình quân 18,8%/năm.

So sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), VCCI đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp về Hiệp định CPTPP, thì có tới 6,84 doanh nghiệp tư nhân không biết gì về CPTPP; chỉ có 27,27% doanh nghiệp Nhà nước và 22,63% doanh nghiệp tư nhân có biết về CPTPP. Tức là, trung bình khoảng 20 doanh nghiệp mới có 1 doanh nghiệp biết rõ về các cam kết CPTPP. Trong số những doanh nghiệp biết thì cứ 4 doanh nghiệp chỉ có 1 doanh nghiệp tận dụng được các lợi ích từ hiệp định này.

Dấu ấn của CPTPP sau 2 năm được VCCI nhấn mạnh là các biện pháp cải cách hành chính, chính sách, pháp luật ở Việt Nam để thực thi CPTPP như ban hành các văn bản thực thi, tháo gỡ vướng mắc cấp chứng nhận xuất xứ, thủ tục tại cảng… Đây là những cải cách nội tại để Việt Nam có thể tận dụng CPTPP cũng như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được đẩy mạnh so với thời gian trước./.