Tin tức

Australia và Canada là hai thị trường thủy sản giàu tiềm năng trong khối CPTPP

31/03/2021    92

Ngoài Trung Quốc và Nga tăng mạnh nhập khẩu thủy sản của Việt Nam, còn có hai thị trường giàu tiềm năng trong khối CPTPP đó là Australia và Canada.

Năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Australia tăng 9%, sang Canada tăng 14%. Trong hai tháng đầu năm 2021, hai thị trường này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, xuất khẩu sang Australia và Canada, hai nước thành viên của hiệp định CPTPP đạt mức tăng lần lượt 38,6% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 39,3 triệu USD và 35,4 triệu USD. 

Australia chỉ đứng sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong top 10 thị trường của thủy sản Việt Nam. Trong đó, riêng tôm chiếm 66% tổng xuất khẩu sang thị trường này. 

Năm 2021, tính đến hết tháng 2, Australia là thị trường tôm lớn thứ 4, chiếm 7% tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, với giá trị trên 26 triệu USD, tăng 59%. Trong bối cảnh COVID-19, Australia gia tăng nhập khẩu các sản phẩm tôm chân trắng hấp đông lạnh và tôm khô của Việt Nam. 

Ngoài ra, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này cũng tăng 14%, xuất khẩu cá tra tăng 4% trong 2 tháng đầu năm nay. Canada, năm 2020 là thị trường lớn thứ 6 của thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 4,1%, với giá trị nhập khẩu 263 triệu USD. 

Hai tháng đầu năm 2021, Canada vẫn duy trì vị trí thứ 6, chiếm 3,5% và tăng trưởng ổn định 11,5%. 

Trong đó, tôm cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này, chiếm 61%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Canada chỉ tăng nhẹ 1,5% đạt 21,5 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ sang Canada tăng mạnh 13,5% và 36,4%. 

Bên cạnh hai thị trường trên, xuất khẩu thủy sản sang Chile cũng ghi nhận mức tăng trong năm 2020 và 2 tháng đầu năm. Trong khi đó, đại đa số các quốc gia châu Á đều giảm nhập thủy sản của Việt Nam.

Kết quả này cũng cho thấy rõ tác động tích cực của hiệp định CPTPP với xuất khẩu sang các nước lần đầu tiên tham gia FTA với Việt Nam như Canada và Chile. 

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế các nước đều khó khăn thì ưu đãi thuế quan càng được các nhà nhập khẩu tận dụng triệt để như là một ưu thế cạnh tranh. 

Nguồn: Báo Thương Trường