Tin tức

Triển vọng UKVFTA sẽ thế nào khi kinh tế Anh suy yếu?

29/03/2021    79

Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh-Việt Nam (UKVFTA) là một trong chuỗi những nỗ lực của Anh nhằm kết nối trở lại với thế giới hậu Brexit. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam hợp tác sâu, rộng với một đối tác tiềm năng.

Hiệp định Thương mại Tự do Vương quốc Anh-Việt Nam (UKVFTA), được ký kết ngày 11/12/2020 và có hiệu lực từ 11h sáng ngày 31/12/2020.

UKVFTA phần lớn kế thừa Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA), song cũng có những thay đổi nhất định trong một số các lĩnh vực như nông nghiệp, ngân hàng… để hợp lý với tương quan thương mại Anh - Việt.

Kinh tế Anh nhiều bất ổn

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 kéo theo các lệnh giãn cách xã hội trong thời gian dài tại Anh, cùng với những bất ổn hậu Brexit đã ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới này.

Vương quốc Anh là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước lên tới 6,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,8 tỷ USD, Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại. Đây là động lực thúc đẩy Việt Nam tích cực tiến hành đàm phán và đạt được thỏa thuận nhất định với Anh, tương tự như EVFTA.

Trong những năm gần đây, bất chấp những bất ổn liên quan đến Brexit, tăng trưởng quan hệ thương mại Việt Nam-Anh vẫn không bị gián đoạn, đạt trung bình 12,1%/năm trong giai đoạn 2011-2019.

Năm 2020, GDP của Anh giảm 9,9% so với năm 2019. Đây là mức suy giảm tồi tệ hơn mức sụt giảm năm 1921 sau chiến tranh thế giới thứ nhất, dịch cúm Tây Ban Nha và “tàn khốc” như sự xuống dốc của kinh tế sau trận băng giá lớn vào năm 1709, khi Vương quốc Anh là một nền kinh tế nông nghiệp.

Nhằm ứng phó với những tín hiệu xấu về kinh tế, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cắt giảm lãi suất xuống mức 0,1%. Mặc dù tháng 12/2020, GDP của Anh tăng 1,2% trong tháng 12 năm 2020 khi các hạn chế về khóa cửa tạm thời được nới lỏng, thúc đẩy hoạt động của khu vực dịch vụ.
Sau quyết định rời EU, Anh đã phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những điểm mấu chốt là làm thế nào để quản lý quan hệ thương mại với các nước trước đây đã được hưởng lợi từ các FTA của EU?

Là một khối thương mại khổng lồ bao gồm 27 quốc gia châu Âu, về mặt chính sách thương mại, EU là một nhân tố quyền lực có thể khẳng định lợi ích của mình một cách mạnh mẽ. Tất nhiên, một quốc gia đơn lẻ như Vương quốc Anh không có quyền lực này. Vì vậy, Anh sẽ phải đưa ra những nhượng bộ trong đàm phán thương mại, việc mà một gã khổng lồ như EU không nhất thiết phải thực hiện.

Tuy nhiên, quy mô lớn của EU có nghĩa là lợi ích cá nhân đôi khi mâu thuẫn với quốc gia thành viên khác và khó đạt được tiếng nói chung. Do đó, quá trình ra quyết định có nguy cơ bị kéo dài.

Theo đó, Anh có ưu điểm là rất linh hoạt. Điều này có nghĩa là các FTA có thể được đưa ra nhanh chóng hơn nhiều, đặc biệt đúng nếu đối tác ký hợp đồng không có nhượng bộ lớn. Ngoài ra, các FTA hiện có - chẳng hạn như EVFTA rất toàn diện và hiện đại - có thể được sử dụng làm hình mẫu.

Nguồn: Báo Quốc Tế