Tin tức

Mỹ không thay đổi chiến lược cứng rắn đối phó các hành vi thương mại từ Trung Quốc

05/03/2021    111

Chiến lược toàn diện đối phó với Trung Quốc

Theo bản báo cáo mới được Văn phòng đại diện thương mại Mỹ - cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng và đề xuất chính sách thương mại công bố, Mỹ sẽ sử dụng “mọi công cụ có sẵn” để đối phó với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc. Báo cáo viết: “Đối phó với Trung Quốc sẽ đòi hỏi một chiến lược toàn diện và một cách tiếp cận có hệ thống hơn là cách tiếp cận rời rạc trước đây”.

Chính quyền của ông Joe Biden đang trong quá trình hoạch định một chiến lược tổng thể về Trung Quốc và việc thông qua chính sách thương mại với Trung Quốc là một phần quan trọng trong nỗ lực định hình rõ quan hệ Mỹ - Trung. Điểm đáng lưu ý là trong khi đảo chiều nhiều chính sách của thời Tổng thống Donald Trump, nhất là trong lĩnh vực đối nội, thì thời Tổng thống Joe Biden hầu như không thay đổi cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm.

Tháng trước, xuất hiện lần đầu tiên trên diễn đàn quốc tế kể từ khi nhậm chức là tại Hội nghị an ninh Munich (Đức), ông Joe Biden đã công khai tuyên bố: “Chúng ta phải đẩy lùi sự lạm dụng và ép buộc của chính phủ Trung Quốc khi làm suy yếu nền tảng của hệ thống kinh tế quốc tế”. Ông Joe Biden đồng thời kêu gọi Mỹ và châu Âu hợp tác trong giải quyết các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.

Điều Mỹ lo ngại là một loạt các động thái của Bắc Kinh mà Washington cho là thiếu công bằng trong quan hệ thương mại. Đó là việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, vi phạm và thu mua bất hợp pháp các tài sản trí tuệ của Mỹ; kiểm duyệt, hạn chế đối với kinh tế số và internet; thiếu chế độ đãi ngộ với các công ty Mỹ trong nhiều lĩnh vực tương đương với đãi ngộ mà các công ty Trung Quốc nhận được trong nhiều lĩnh vực ở Mỹ.

Hệ quả tiêu cực mà Mỹ đưa ra khá nhiều. Theo báo cáo mà Bộ Thương mại Mỹ công bố đầu tháng 2-2021, mặc dù đã giảm khá nhiều so với mức thâm hụt thương mại 419,5 tỷ USD hồi năm 2018 (khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu), con số này của năm 2020 vẫn là 310,8 tỷ USD. Tuy đã ký cam kết tăng cường mua hàng hóa, năng lượng, dịch vụ nông nghiệp và sản xuất của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng 2 năm, nhưng theo tính toán của Bloomberg, cho đến nay, Trung Quốc mới thực hiện được khoảng 58,1% lời hứa.

Sự không công bằng còn thể hiện ở hành vi đánh cắp, sao chép công nghệ mà các công ty Trung Quốc thực hiện. Một nghiên cứu của châu Âu cho thấy 20% các công ty được khảo sát trong năm 2019 nói rằng họ cảm thấy bị bắt buộc phải bàn giao bí quyết của công ty để duy trì khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, tăng so với mức 10% của năm 2017. Các ngành công nghiệp có giá trị và công nghệ cao như hóa chất, xăng dầu, thiết bị y tế, dược phẩm và xe hơi thường là những đối tượng đặc biệt được phía Trung Quốc nhắm đến. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ngay cả nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19 cũng bị các tin tặc làm việc cho Chính phủ Trung Quốc tìm cách ăn cắp.

Không thay đổi chính sách cứng rắn, chú trọng hợp tác với đồng minh

Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung đã ở giai đoạn quyết định, mà như cảnh báo của ông Joe Biden: “Nếu chúng ta (Mỹ) không tiến lên, họ (Trung Quốc) sẽ ăn mất bữa trưa của chúng ta”. Bản báo cáo mới về chiến lược đối phó với thương mại “bất công” của Trung Quốc không nêu cụ thể các công cụ mà Mỹ sẽ sử dụng. Nhưng việc chính quyền của ông Joe Biden khẳng định sẽ không thay đổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm, có thể dự đoán các động thái mà Washington theo đuổi như sau.

Trước hết, chính quyền của ông Joe Biden sẽ chưa dỡ bỏ các hạn chế thương mại với Trung Quốc vốn được áp đặt dưới thời của ông Donald Trump cho tới khi Washington tiến hành “đánh giá và tham vấn kỹ lưỡng” với các đồng minh. Bà Katherine Tai, người được ông Joe Biden đề cử vào vị trí Đại diện thương mại Mỹ, khẳng định sẽ sử dụng thuế quan làm “công cụ hợp pháp” để đối phó với Trung Quốc, đồng thời hứa hẹn sẽ có một cách tiếp cận mới đối với thương mại Mỹ. Như vậy, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mức thuế cao đánh vào cả trăm tỷ USD hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trung Quốc sẽ phải tiếp tục thực hiện cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ nêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký đầu năm 2020.

Chính quyền của ông Joe Biden chắc chắn cũng khó có thể tách rời những nguyên tắc cơ bản trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc được hoạch định dưới thời của ông Donald Trump. Theo đó, Mỹ sẽ chú trọng đến việc hạn chế dòng chảy công nghệ vào Trung Quốc và đầu tư vào các công nghệ mới nổi trong thị trường nội địa Mỹ.

Trước đó, Mỹ đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào một “danh sách đen”. Các công ty này muốn mua công nghệ và linh kiện của Mỹ phải được sự chấp thuận của chính quyền Mỹ nhưng điều này không dễ dàng. Chẳng hạn, các nhà cung cấp trên khắp thế giới sẽ phải dừng bán hàng cho Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Nếu muốn tiếp tục làm ăn với Huawei, các nhà cung cấp này cần phải có giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ.

Washington cũng sẽ tìm cách tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để không phụ thuộc vào Trung Quốc. Mới đây, ông Joe Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp yêu cầu giới chức Mỹ xem xét các chuỗi cung ứng quan trọng. Theo sắc lệnh này, chính quyền Mỹ sẽ rà soát các chuỗi cung ứng của 4 sản phẩm then chốt: chip bán dẫn, pin công suất lớn dành cho ô tô, đất hiếm và vật tư y tế. Sắc lệnh cũng chỉ đạo thẩm tra 6 lĩnh vực, tập trung vào mảng quốc phòng, y tế công cộng, công nghệ viễn thông, giao thông, năng lượng và sản xuất thực phẩm.

Sắc lệnh yêu cầu các ban ngành của Mỹ xây dựng chiến lược về chuỗi cung ứng dựa trên các nguồn cung bền vững và ít bị gián đoạn do tác động của những quốc gia “không thân thiện”. Động thái này được cho là giúp bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tình trạng thiếu hụt các nguyên vật liệu nhập khẩu quan trọng trong tương lai, thông qua việc giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài, nhất là của Trung Quốc.

Có lẽ, điểm khác biệt duy nhất trong chiến lược thương mại Mỹ - Trung của chính quyền Tổng thống Joe Biden so với người tiền nhiệm là Washington sẽ chú trọng hợp tác với các đồng minh và đối tác để gây sức ép buộc Trung Quốc phải thực hiện các nghĩa vụ về thương mại của mình.

Nguồn: Báo An ninh Thủ đô