Tin tức

Cần chiến lược thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc

24/02/2021    369

Đó là khẳng định của Giáo sư Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từng giảng dạy tại Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản), từng là thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật, khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên nhân dịp đầu năm mới.

Giáo sư Trần Văn Thọ cũng phân tích cụ thể về nguyên nhân, giải pháp, đặc biệt là việc tận dụng dòng thác FDI mới để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và chắc chắn trong giai đoạn tới.

FDI ít quan hệ với DN trong nước

Giáo sư đánh giá như thế nào về kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và đâu là những vấn đề lớn cần giải quyết để phát triển nhanh và vững chắc trong thời gian tới?

Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam có tỷ lệ tăng trưởng khá cao, trung bình gần 7%; các chỉ số vĩ mô như lạm phát, nợ công cũng được bảo đảm ở mức ổn định. Năm 2020 do đại dịch Covid-19 kinh tế phải chững lại, nhưng Việt Nam là một trong 3 nước ở Á châu giữ được tăng trưởng dương. Bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế Việt Nam 5 năm qua cũng được chuyển dịch, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP và trong lao động có việc làm tăng, lao động tiếp tục chuyển dịch từ nông sang công nghiệp. Chẳng hạn, tỷ trọng của các ngành chế tạo công nghiệp trong tổng lao động có việc làm tăng từ 17% năm 2016 lên 21% năm 2019. Trong thời gian đó, tỷ trọng của nông lâm ngư nghiệp giảm từ 42% xuống 35%. Thành tựu nổi bật nhất có lẽ là xuất khẩu và cải thiện cán cân mậu dịch. Xuất khẩu tăng mạnh và Việt Nam liên tục xuất siêu từ năm 2016, đặc biệt đạt mức cao từ năm 2018.

Để giải quyết cơ cấu hai tầng phân ly khu vực FDI và DN trong nước, cần tích cực và khẩn trương xúc tiến các chương trình yểm trợ DN nội địa. Trong đó, giúp họ tiếp cận được vốn và đất đầu tư, tháo gỡ các rào cản về hành chính... để họ có thể trở thành đối tác của các dự án FDI mới. Các cơ quan phụ trách DN nhỏ và vừa ở T.Ư và địa phương phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các DN nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cậncông nghệ. Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu các DN nhỏ và vừa để họ liên kết với các DN lớn, với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

GS Trần Văn Thọ

Một trong những đặc tính lớn nhất của kinh tế Việt Nam là sự tích cực hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Tổng ngoại thương (xuất và nhập khẩu) đã lớn gấp hai lần tổng sản phẩm trong nước (GDP). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 20% GDP, chiếm khoảng 50% sản xuất công nghiệp và khoảng 2/3 kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, khu vực kinh tế đối ngoại hiện nay trực diện hai vấn đề có tính cách cơ cấu. Một là cơ cấu hai tầng, phân ly giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực kinh tế trong nước. Hai là cơ cấu tam giác ngoại thương (giữa Việt Nam với Trung Quốc - Hàn Quốc và Mỹ), trong đó Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu Mỹ. Chiến lược công nghiệp hóa sắp tới phải từng bước cải thiện, xóa bỏ hai cơ cấu này để kinh tế phát triển nhanh và vững chắc.

Cụ thể “hai vấn đề có tính cơ cấu” của khu vực kinh tế đối ngoại là gì, thưa giáo sư?

Về vấn đề thứ nhất, như đã nói, kinh tế Việt Nam, nhất là công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào FDI. Nhưng khu vực FDI ít liên kết chặt chẽ với khu vực kinh tế trong nước. Cho đến nay phần lớn doanh nghiệp (DN) FDI nhập linh kiện, sản phẩm trung gian từ nước ngoài hoặc mua từ các DN FDI khác tại Việt Nam và lắp ráp, gia công thành sản phẩm tiêu dùng bán trong nước hoặc xuất khẩu.

Nghĩa là tại Việt Nam khu vực FDI buôn bán với nhau hoặc với nước ngoài chứ ít có quan hệ với DN trong nước. Tại các nước khác, như Thái Lan, Malaysia chẳng hạn, DN FDI và DN trong nước có liên kết hàng dọc mạnh mẽ. Trong đó DN FDI mua linh kiện và các sản phẩm trung gian khác từ DN bản xứ, và trong quá trình đó DN FDI chuyển giao công nghệ đến các DN trong nước. Tại Việt Nam, gần đây số DN trong nước có kết nối với DN FDI tăng nhưng nhìn chung còn hạn chế. Theo tư liệu gần đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, chỉ có độ 15% các DN tư nhân được điều tra là nhà cung ứng cho DN FDI tại Việt Nam. Nói cách khác, DN nội địa chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng sản phẩm của DN đa quốc gia.

Một trong các mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hút vốn FDI là chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Nhưng sau hơn 3 thập kỷ thu hút FDI, các DN trong nước vẫn bị phân ly với khu vực FDI, theo giáo sư nguyên nhân do đâu?

Chủ yếu vì DN trong nước quá yếu, không đủ năng lực và tiềm năng để DN FDI chọn làm đối tác. DN FDI thường tìm những DN nội địa có tiềm năng để họ chuyển giao công nghệ, mục đích để cung cấp cho họ những sản phẩm trung gian đủ chất lượng với giá thành phù hợp. Nhưng tại Việt Nam hiện nay, DN nhà nước phần lớn hoạt động trong các ngành công nghiệp nặng và dịch vụ, tài chính..., còn DN ngoài nhà nước thì hầu hết quá bé nhỏ, manh mún.

Trong khu vực ngoài nhà nước, kinh tế cá thể, phi chính thức vẫn còn chiếm tới 30% GDP và bộ phận chính thức gọi là DN tư nhân chỉ có 10% GDP nhưng phần lớn cũng nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi khi tiếp cận các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai; không có khả năng cách tân công nghệ, kết quả là không có năng lực kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Không cải cách hành chính và thị trường vốn, thị trường đất đai và hỗ trợ DN nhỏ và vừa thì cơ cấu hai tầng vẫn tiếp tục tồn tại.

Cơ cấu tam giác và bất lợi của Việt Nam

Còn vấn đề của “cơ cấu ngoại thương” là...?

Từ khoảng năm 2010, công nghiệp hóa và ngoại thương Việt Nam tiến triển mạnh, nhưng tạo ra một cơ cấu tam giác, trong đó linh kiện, hàng sơ chế, máy móc nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc, và thành phẩm gia công hàng tiêu dùng thì phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Chẳng hạn vào năm 2018, Việt Nam nhập khẩu linh kiện, bộ phận công nghiệp hỗ trợ trị giá 66 tỉ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 27,3% và Hàn Quốc 36,3%, hai nước này cộng lại lên tới 64%; trong tổng nhập khẩu hàng gia công sơ chế thì hai nước này chiếm 48%; về nhập máy móc, thiết bị thì Trung Quốc chiếm 38%, Hàn Quốc 21% (cả hai nước chiếm gần 60%). Về xuất khẩu, riêng thị trường Mỹ chiếm gần 30%, nếu chỉ kể xuất khẩu hàng tiêu dùng thì Mỹ chiếm tới gần 50%.

Cơ cấu tam giác này bất lợi cho Việt Nam nhiều mặt. Thứ nhất, việc nhập khẩu nhiều sản phẩm trung gian như hàng sơ chế, linh kiện, bộ phận sẽ làm duy trì lâu dài tính chất gia công, lắp ráp của công nghiệp hóa Việt Nam. Hơn nữa, tùy thuộc hơn 50% vào nhập khẩu từ hai nước sẽ làm tăng rủi ro khi có vấn đề cung cấp ở hai nước ấy. Thứ hai, độ tùy thuộc quá lớn vào một thị trường xuất khẩu là Mỹ cũng gây nhiều rủi ro, nhất là Việt Nam ngày càng trở thành nước mà Mỹ nhập siêu nhiều. Tháng 12.2020 Mỹ đã quyết định liệt Việt Nam vào một trong những nước thao túng tiền tệ để đẩy mạnh xuất khẩu, có khả năng dẫn tới quyết định đánh thêm thuế trên hàng nhập từ Việt Nam.

Về thị trường xuất khẩu, Việt Nam cần đa dạng hóa, đặc biệt chú trọng hơn vào thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ và EU để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Nhưng vấn đề nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan đến chiến lược công nghiệp hóa và phát triển DN tư nhân trong nước. Điểm này cũng liên quan đến vấn đề cơ cấu hai tầng phân ly giữa FDI và DN nội địa nói trên. Nói khác đi, nếu có chiến lược công nghiệp hóa hướng vào thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc trên cơ sở kết hợp FDI với DN trong nước sẽ đồng thời giải tiêu hai cơ cấu bất lợi hiện nay.

Hiện nay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển bớt cơ sở công nghiệp từ Trung Quốc sang các nước ASEAN và Ấn Độ, theo giáo sư, Việt Nam có thể lợi dụng thời cơ của dòng thác FDI mới này để thúc đẩy công nghiệp hóa theo hướng ông vừa phân tích không?

Đúng là hiện nay có làn sóng mới FDI chuyển dịch một phần cơ sở sản xuất công nghiệp từ “công xưởng thế giới” Trung Quốc sang ASEAN và Ấn Độ do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19. Việt Nam được xem là điểm đến quan trọng nhất của làn sóng này. Chẳng hạn, theo điều tra của Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) vào cuối năm 2019, trong số 110 dự án mà những DN Nhật tham gia điều tra có dự định di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, 39 dự án chọn Việt Nam là điểm đến (Việt Nam đứng đầu và bỏ xa nước thứ hai là Thái Lan).

Về việc tìm nguồn cung cấp mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều DN Nhật cũng dự định chuyển từ Trung Quốc sang ASEAN, và ở đây Việt Nam cũng chiếm vị trí thứ nhất. Ngoài ra, trước dịch bệnh Covid-19, tháng 4.2020, chính phủ Nhật lập quỹ 243,5 tỉ yen để hỗ trợ DN nước mình di chuyển một bộ phận nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác để tránh rủi ro. Trong các dự án được chính phủ Nhật chấp nhận hỗ trợ, có 21 dự án (nhiều nhất) chọn Việt Nam là điểm đến trong khi Thái Lan là 13.

Việt Nam nên chủ động đón đầu và định hướng dòng thác này để có được các dự án FDI phù hợp với nhu cầu công nghiệp hóa hiện nay. Nếu để làn sóng FDI vào Việt Nam một cách tự phát thì có thể gây ra một số bất lợi. Một là, FDI từ ngành nào cũng cho phép vào thì sẽ gây ra sự cạnh tranh không cần thiết đối với DN trong nước. Mặt khác, như đã nói, kinh tế Việt đã tùy thuộc vào FDI ở mức độ rất cao rồi, cần phải chọn lựa những dự án thật cần thiết. Hai là, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các nguồn cung cấp khác như điện lực, nước... có giới hạn, không thể tăng nhiều trong thời gian ngắn, do đó nếu để các dự án FDI kém chất lượng vào nhiều sẽ làm hạn chế FDI ở những lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên.

Theo tôi, trước mắt cần ưu tiên những dự án FDI có hiệu quả thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Chiến lược này sẽ từng bước giải quyết cơ cấu tam giác ngoại thương và làm thâm sâu cơ cấu công nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Báo Thanh Niên