Tin tức

Ngành ô tô Mỹ đình trệ và xói mòn sau thương chiến với Trung Quốc

24/02/2021    57

Chiến tranh thương mại của cựu Tổng thống Donald Trump đã nhấn chìm xuất khẩu hàng sản xuất của Mỹ và vô tình giúp chuyển công việc sản xuất ô tô sang Trung Quốc khi các nhà sản xuất ô tô, bao gồm BMW và Tesla, đối phó với sự bất ổn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách chuyển nhiều sản xuất hơn qua Thái Bình Dương.

Đó chỉ là một trong những cách mà cuộc chiến thương mại của Trump và thỏa thuận "giai đoạn một" với Trung Quốc, được ký một năm trước, dường như đã phản tác dụng, theo một báo cáo gần đây được công bố bởi Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), một tổ chức chính sách thương mại có trụ sở tại Washington, DC khi Tổng thống Joe Biden rà soát chính sách thương mại của người tiền nhiệm sẽ xem xét nên duy trì chính sách nào, cho thấy thuế quan của Trump đã gây thiệt hại đáng kể cho chính các lĩnh vực của nền kinh tế mà họ được cho là sẽ giúp đỡ.

Chad Bown, thành viên cấp cao tại PIIE cho rằng, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai đối với ô tô do Mỹ sản xuất vào năm 2017, năm cuối cùng trước khi cuộc chiến thương mại của Trump bắt đầu.

Tuy nhiên, sau một loạt các đợt tăng thuế quan ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc, thì xuất khẩu ô tô của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm hơn 1/3. Mức thuế cao hơn đối với các phụ tùng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất ô tô ở Mỹ, trong khi thuế trả đũa của Trung Quốc đối với ô tô do Mỹ sản xuất làm tăng giá và giảm nhu cầu ở Trung Quốc.

Để tránh những chi phí đó và để tránh sự gia tăng bất ổn, một số nhà sản xuất ô tô đã bắt đầu thay đổi chuỗi cung ứng - nhưng không phải theo hướng mà Nhà Trắng đang hy vọng. Ví dụ, BMW đã chuyển phần lớn việc sản xuất xe thể thao đa dụng X3 từ Spartanburg, Nam Carolina, sang Trung Quốc sau khi báo cáo rằng thuế quan đã cắt giảm lợi nhuận của công ty tại Mỹ khoảng 338 triệu USD trong năm 2018.

Chi phí cao hơn do chiến tranh thương mại gây ra cũng khiến Tesla phải thông báo rằng họ đang "tăng tốc xây dựng" một nhà máy mới ở Thượng Hải. Nhìn chung, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất ô tô của Mỹ đạt đỉnh vào tháng 9/2018, ngay sau khi cuộc chiến thương mại của Trump bắt đầu, và sau đó giảm trong năm 2019 và 2020.

Việc ký kết thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Trung Quốc hầu như không thể ngăn chặn hoặc đảo ngược những thay đổi đó. Theo báo cáo của PIIE, mặc dù Trung Quốc cam kết tăng mua phương tiện và phụ tùng xe hơi do Mỹ sản xuất trong khuôn khổ thỏa thuận, nhưng xuất khẩu vẫn tụt hậu rất nhiều so với tổng số trước chiến tranh thương mại.

Đây cũng là một mô hình thu nhỏ tốt để hiểu tại sao cuộc chiến thương mại của Trump không đạt được mục tiêu đã nêu là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Chính quyền Trump tin rằng, việc tăng thuế sẽ làm giảm nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, cho phép giảm khoảng cách giữa giá trị hàng nhập khẩu đó và giá trị hàng xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, điều mà Trump không nắm được là nhiều mặt hàng nhập khẩu - đặc biệt là đối với hàng hóa sản xuất - là nguyên liệu cần thiết để sản xuất các mặt hàng mà các công ty Mỹ cuối cùng xuất khẩu trở lại Trung Quốc: như ô tô. Chi phí cao hơn áp vào hàng nhập khẩu đã làm chậm xuất khẩu của Mỹ - và do đó thâm hụt thương mại thực sự tăng lên.

Trong khi đó, các công ty có thể tránh chi phí thuế quan của Trump bằng cách chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ, và một số đã chọn làm điều đó. Chính quyền Biden, cho đến nay, dường như không muốn loại bỏ thuế quan của Trump. Bằng cách công bố chính sách "Mua của Mỹ" đối với mua sắm chính phủ, chính quyền Biden cũng đang mở rộng một số chính sách bảo hộ sản xuất của chính quyền Trump.

Nguồn: Báo Công Thương