Tin tức

Thương mại Trung Quốc - EU gia tăng dù chịu ảnh hưởng dịch COVID-19

19/02/2021    49

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tỏ ra vui mừng khi thấy hoạt động trao đổi thương mại song phương gia tăng trong năm 2020 - một năm mà các nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề do chính sách đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2020.
Trong báo cáo công bố ngày 15/2, Eurostat cho hay năm vừa qua, khối lượng thương mại giữa EU và Trung Quốc đạt 586 tỷ euro (711  tỷ USD), trong khi con số này với Mỹ là 555 tỷ euros (673 tỷ USD).

Xuất khẩu của EU sang Trung Quốc đã tăng 2,2% lên 202,5 tỷ euro, trong khi nhập khẩu của EU từ Trung Quốc tăng 5,6% lên 383,5 tỷ euro.

Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Mỹ giảm 13,2% và nhập khẩu từ Mỹ cũng giảm 8,2%.

Trước sự sụt giảm chung trong thương mại toàn cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng trong thương mại Trung Quốc-EU được đánh giá là một chiến thắng hiếm có.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trao đổi thương mại toàn cầu năm 2020 đã giảm khoảng 9% so với một năm trước.

Jost Wuebbeke, Giám đốc tại Sinolytics, một công ty tư vấn có trụ sở tại Berlin (Đức), nhận định các công ty châu Âu, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô và hàng xa xỉ, đang được hưởng lợi từ đà phục hồi của thị trường Trung Quốc.

Theo ông Wuebbeke, có hai xu hướng lý giải cho đà phát triển liên tục trong trao đổi thương mại giữa EU và Trung Quốc.

Một mặt, đà phục hồi của Trung Quốc trong quý II/2020 đã tạo ra nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm châu Âu, đặc biệt là ô tô và hàng xa xỉ.

Mặt khác, chính sách đóng cửa kéo dài ở châu Âu cũng thúc đẩy nhu cầu lớn hơn đối với hàng điện tử, đồ giải trí, chăm sóc sức khỏe và nhiều hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc.

Ông Wuebbeke nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là điểm đến quan trọng của các nhà xuất khẩu máy móc, xe cộ, phụ tùng ô tô, thiết bị điện tử và hóa chất của Đức, đồng thời cho rằng tiềm năng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc "vẫn còn rất lớn."

Trong khi đó, Claudia Vernotti, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc ChinaEU, một diễn đàn thúc đẩy hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao của các công ty châu Âu và Trung Quốc, đánh giá thương mại là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhà kinh tế học người Serbia , Goran Nikolic, nhận định cùng với việc Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU trong năm 2020, việc hai bên hoàn tất đàm phán về Hiệp định

Đầu tư Toàn diện (CAI) vào cuối năm ngoái được kỳ vọng sẽ củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác vốn đã bền chặt giữa hai “gã khổng lồ” kinh tế./.

Nguồn: Bnews