Tin tức

Chủ tịch EuroCham: Việt Nam là thị trường tiềm năng, an toàn và ổn định

17/02/2021    72

Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nicolas Audier nhận định việc kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả COVID-19 của Việt Nam đã tái khẳng định rằng đây là một thị trường an toàn, ổn định và giàu tiềm năng để đầu tư và kinh doanh. Cùng với EVFTA, đây sẽ là thỏi nam châm thu hút các doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam.

Báo Lao Động có cuộc trò chuyện đầu xuân với ông Nicolas Audier - Chủ tịch EuroCham về triển vọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - EU trong năm 2021.

- Thưa ông, kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8.2020 đã tác động như thế nào đến bức tranh thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam?

Chủ tịch EuroCham: Thành công của EVFTA sẽ được đo lường trong dài hạn. Hiệp định có thời gian thực hiện kéo dài hàng thập kỷ. Do đó, cho đến năm 2027, một số cắt giảm thuế quan nhạy cảm hơn mới có hiệu lực và việc mở cửa thị trường sẽ hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, kể từ khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1.8.2020, khoảng 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam hiện được miễn thuế. Ở chiều ngược lại, 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng được miễn thuế. Điều này làm cho hàng hóa tương ứng của chúng tôi rẻ hơn và cạnh tranh hơn. Làm như vậy sẽ giúp tăng cường thương mại.

Nhìn từ phía châu Âu, chúng ta có thể thấy rằng, EVFTA đã có tác động tích cực đến các công ty thành viên của chúng tôi.

Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) mới nhất của EuroCham cho thấy khoảng 70% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu cho rằng các công ty của họ đã được hưởng lợi từ hiệp định kể từ khi nó có hiệu lực. Con số này sẽ tăng lên trong thập kỷ tới khi thuế quan tiếp tục giảm và thị trường tiếp tục mở cửa.

- Ông nhận định như thế nào về triển vọng thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU trong năm 2021?

Chủ tịch EuroCham: Nó phụ thuộc rất nhiều vào cách phần còn lại của thế giới xử lý COVID-19.

Không giống như Việt Nam, châu Âu tiếp tục vật lộn để đối phó với tác động của đại dịch. Vì vậy, chúng ta có thể lường trước được một số hoạt động kinh doanh có thể bị gián đoạn ở mức độ nào đó cho đến khi có nhiều người hơn được tiêm chủng và cuộc sống trở lại bình thường.

Việc kiểm soát nhanh chóng và hiệu quả COVID-19 của Việt Nam đã tái khẳng định rằng đây là một thị trường an toàn, ổn định và thuận lợi để đầu tư và kinh doanh.

Cùng với EVFTA, yếu tố vừa được đề cập giống như một thỏi nam châm thu hút các công ty châu Âu. Vì vậy, chúng ta có thể kỳ vọng đầu tư và thương mại của EU sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2021 khi các công ty tìm cách tận dụng thành công của Việt Nam trong “môi trường bình thường mới”.

- Có ý kiến cho rằng, khi xuất khẩu hàng hóa sang EU, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) của Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi về quản trị, nâng cao công nghệ,… từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Vậy theo ông, các SMEs của Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội này, trở thành một phần không thể tách rời của chuỗi giá trị toàn cầu?

Chủ tịch EuroCham: Các SMEs Việt Nam hiện có cơ hội rất lớn để trở thành một phần không thể tách rời của chuỗi giá trị toàn cầu.

Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP và bây giờ là RCEP sẽ mở ra cánh cửa cho các quan hệ đối tác mới với các công ty ở ASEAN, Châu Á-Thái Bình Dương và EU.

Các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam gia tăng thương mại với các thị trường lớn và điều này sẽ mang lại đầu tư, chuyển giao kiến thức và công nghệ mới.

Các SMEs Việt Nam có thể sử dụng nguồn vốn và bí quyết này để mở rộng quy mô hoạt động và đạt được lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp từ các quốc gia khác trong ASEAN, những nước không có cùng mức độ tiếp cận thị trường toàn cầu và tài chính quốc tế.

Để huy động vốn, các SMEs nên tìm cách xây dựng mối quan hệ với các nhà cung cấp và đối tác ở những thị trường này, thông qua các hiệp hội kinh doanh và phòng thương mại như EuroCham.

Nói cách khác, các SMEs Việt Nam nên tìm cách tận dụng tối đa EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác trong giai đoạn quan trọng này; trước khi EU đàm phán các thỏa thuận tương tự như vậy với các nước khác trong khu vực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Lao động