Tin tức

Nông sản Việt được mùa... đi châu Âu

05/02/2021    133

Nhiều chuyên gia cho rằng, “mùa vàng” xuất khẩu của nông sản Việt sang châu Âu là nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Từ ngày EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), xuất khẩu nông sản tăng trưởng 17-20% so với những tháng trước đó.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng hàng hóa của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU. Bên cạnh đó, EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành nông sản Việt Nam.

Do vậy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cơ hội lớn nhất mà EVFTA mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn. Trong tương lai xa hơn, EU còn là “mảnh đất” màu mỡ của nông sản Việt khi thị trường này có nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn.

Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, trong 5 năm đầu tiên thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, liên tiếp các mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, trái cây, cà phê, tôm… được xuất sang châu Âu (EU) và bước đầu hưởng lợi theo các cam kết của Hiệp định EVFTA. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU tăng trưởng ở mức cao. Riêng đối với mặt hàng gạo, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu đi EU đạt trên 15,8 nghìn tấn (xấp xỉ 8,5 triệu USD), trong khi chỉ tính từ ngày 4/9 đến ngày 17/9 đã có 6 doanh nghiệp nộp đơn xin chứng nhận với khối lượng xấp xỉ 4,3 nghìn tấn gạo thơm và đến nay, số lượng vẫn tiếp tục tăng dù vẫn chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xuất khẩu một số sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam sang thị trường EU không chỉ là thành công bước đầu của bản thân doanh nghiệp, mà còn là dấu mốc sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức ghi danh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh gạo, rau quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ EVFTA chính thức có hiệu lực. Hiện nay, EU đang là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau quả Việt Nam.

Với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…

Mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng trị giá xuất khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. EU hiện là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng trị giá xuất khẩu cả nước (trung bình giá trị xuất khẩu cà phê sang EU đạt 1,2-1,4 tỷ USD/năm trong 5 năm qua).

Gần đây nhất, trong tháng 9/2020, một loạt mặt hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu những lô hàng đầu tiên đi EU theo Hiệp định EVFTA. Đó là xuất khẩu lô tôm đầu tiên vào ngày 11/9.

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu một số mặt hàng tôm đông lạnh của Việt Nam sang EU về 0%, tôm chế biến sẽ có lộ trình giảm thuế từ 5-7 năm. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu trên thị trường EU không được hưởng hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) như Thái Lan chịu thuế 12%; Ấn Độ 4,2%; Indonesia 4,2%.

Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Các mặt hàng chế biến sâu, đóng gói ăn liền, phục vụ tiêu thụ tại hộ gia đình vẫn được ưa chuộng. VASEP nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch bệnh Covid-19.

Tiếp đó, ngày 16/9, Việt Nam xuất khẩu lô chanh leo 100 tấn và 296 tấn cà phê sang thị trường Hà Lan vào ngày 16/9. Ngày 17/9, tại Bến Tre xuất khẩu lô trái cây với 20.000 quả dừa tươi sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi sang thị trường Đức và 3 tấn thanh long sang thị trường Hà Lan.

Đến ngày 22/9, tại tỉnh An Giang, UBND tỉnh phối hợp với Bộ NN&PTTN tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô hàng 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA…

Với việc thuận lợi trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang EU, hứa hẹn giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp sẽ tăng lên nhanh trong thời gian tới và không ngừng cải thiện về mặt chất lượng sản phẩm.

Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tập trung tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu, kể cả những khe hẹp nhất từng thời điểm. Đặc biệt, Bộ sẽ thúc đẩy tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh COVID-19 như gạo, trái cây, thủy sản, lâm nghiệp…

Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cùng các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, bà con nông dân tập trung tái cơ cấu các ngành hàng nông sản theo hướng tập trung hàng hóa, chuỗi liên kết từ khâu nguyên liệu đến khâu tổ chức chế biến và đặc biệt là khâu bao bì mẫu mã hàng hóa và tổ chức xuất khẩu.

“Không gì bằng là phải tái cơ cấu lại, hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân để hình thành chuỗi khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu cho đến khâu tổ chức chế biến đến các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi tổ chức thương mại gắn kết với nhau; đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Trong đó, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cần được nêu lên hàng đầu, có như vậy, chúng ta mới tranh thủ khai thác tốt thị trường này”, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với Hiệp định EVFTA, không chỉ khai thác về giá trị của xuất khẩu mà thông qua thị trường châu Âu làm tín chỉ để chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi được bất cứ thị trường nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng hơn dung lượng thị trường, mở rộng hơn quá trình tổ chức sản xuất để tạo sinh kế cũng như lợi nhuận cho bà con nông dân.

Để tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA, các địa phương, doanh nghiệp cần xác định nhóm ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, từ đó tập trung thúc đẩy xuất khẩu vào EU như: Thủy sản, cà phê, hạt điều, tiêu, gỗ và các sản phẩm gỗ, trái cây cả tươi và chế biến, gạo là các sản phẩm xuất khẩu chính sang EU.

Trong đó cần quan tâm đến phát triển các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản sạch vừa mang giá trị kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần tăng cường chế biến để tạo giá trị gia tăng, việc làm và tận dụng tốt nhất ưu đãi thuế quan của EVFTA đối với nông sản đã qua chế biến.

“Doanh nghiệp cần cùng Nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu để mở rộng thị trường sang EU. Đặc biệt, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp FDI, đặc biệt doanh nghiệp trong nước để từng bước lớn mạnh, đảm bảo khâu liên kết với bà con nông dân thông qua các hợp tác xã, thông qua các hình thức tổ chức sản xuất để Việt Nam hình thành được những chuỗi sản xuất khép kín, tổ chức một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần thành công vào xuất khẩu nông sản sang thị trường EU”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Thanh tra