Sản phẩm xuất khẩu sang EU: Cần đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm
03/02/2021 131Theo Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một trong những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được doanh nghiệp tận dụng tương đối hiệu quả.
Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch hơn 2,35 tỷ USD ngay trong năm 2020.
Theo quy định của EVFTA, sản phẩm xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) cần đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS).
EVFTA quy định mỗi bên cần thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo mã hàng hóa xuất khẩu để gửi cho bên còn lại. Thời gian công nhận tương đương cũng được rút ngắn xuống còn 3 tháng kể từ thời điểm nhận được đề nghị so với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (6 tháng).
EVFTA cũng quy định linh hoạt đối với biện pháp SPS do EU ban hành. Việt Nam được lựa chọn 1 trong 3 giải pháp sau nếu gặp khó khăn trong việc đáp ứng một biện pháp SPS của EU: Thứ nhất, EU dành cho Việt Nam một khoảng thời gian chuyển đổi để tuân thủ biện pháp này. Thứ hai, Việt Nam đề xuất một biện pháp SPS tương đương và đề nghị EU xem xét công nhận. Cuối cùng, EU dành hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam đáp ứng được biện pháp SPS.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các hàng rào kỹ thuật (TBT) như quy định không được sử dụng hóa chất trong thực phẩm, sản phẩm dệt may; đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); cần tìm hiểu về những quy định trong Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) nhằm bảo vệ các loại động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm để tránh vi phạm khi xuất khẩu vào EU. Doanh nghiệp thủy sản còn phải lưu ý tới quy định IUU về ngăn chặn việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần lưu ý tới quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Khi xuất khẩu hàng hóa vào EU, việc nắm vững và thực hành đúng các quy tắc xuất xứ được quy định sẽ tránh được các rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.
Nguồn: Thương hiệu và Công luận
- Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tám hành vi gian lận phi thuế quan
- Bắc Kinh cảnh báo các nước không được ký thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại cho Trung Quốc
- Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: 'Trong nguy luôn có cơ'
- Làm sao để tận dụng hết dư địa từ các FTA?
- ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường mới khi chuyển hướng