Tin tức

Trở thành trung tâm sản xuất ở châu Á: Việt Nam có một số lợi thế

27/01/2021    36

Báo cáo mới của Cơ quan nghiên cứu tình báo kinh tế (EIU) cho biết, Việt Nam đã nổi lên như một cơ sở sản xuất chi phí thấp, vượt qua Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiểm soát ngoại thương, hối đoái. Trên thực tế, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc trước cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong những năm gần đây.

Theo EIU, trong khi Việt Nam đạt điểm 6 trên thang điểm 10 trong chính sách FDI, thì cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đạt 5,5 điểm. Tương tự, Ấn Độ chỉ đạt 5,5 điểm về kiểm soát ngoại thương, hối đoái, thì Việt Nam đạt 7,3 và Trung Quốc 6,4. Đối với thị trường lao động, điểm của Việt Nam là 5,6, so với 5,4 của Ấn Độ. Tuy nhiên ở đây, Trung Quốc đạt điểm hơn cả Ấn Độ và Việt Nam với 5,7.

Báo cáo của EIU nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục đưa ra các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp quốc tế với những ưu đãi đầu tư. Mức lương ngành sản xuất có kỹ năng thấp của Việt Nam sẽ vẫn cạnh tranh trong nhiều năm tới, mặc dù tình trạng khan hiếm lao động chuyên môn hóa vẫn tồn tại như một bất lợi của môi trường kinh doanh. Việc Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do thể hiện điểm mạnh của quan hệ thương mại, giảm chi phí xuất khẩu. Báo cáo của EIU cho biết, chỉ có những rủi ro khiêm tốn đối với lợi thế này, chủ yếu dưới dạng lo ngại căng thẳng thương mại với Mỹ. Ví dụ, FTA Việt Nam - EU mang lại cho các nhà sản xuất giày dép Việt Nam lợi nhuận lớn nhất. Khoảng 40% hàng xuất khẩu sang EU thuộc nhóm hàng này phải chịu mức thuế 30%, được giảm xuống 0% từ tháng 8/2020. Ngành dệt may Việt Nam - đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ trong phân khúc này cũng sẽ được hưởng lợi lớn hơn. Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 15 quốc gia và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương liên quan đến 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản.

Vậy tại sao Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất được ưa chuộng trên thế giới sau Covid-19? Các nhà phân tích cho rằng, chi phí lao động tăng cao, một cuộc chiến thương mại tốn kém với Mỹ, và đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc là các sự kiện diễn ra trong vài năm gần đây đã đe dọa, làm suy giảm vị thế của Trung Quốc như là công xưởng của thế giới. Nhưng ngay cả khi các quốc gia trong đó có Ấn Độ đua nhau trở thành điểm đến ưa thích của các công ty muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thì Việt Nam vẫn nổi lên như một đối thủ nặng ký để giành thị phần lớn trên thế giới hậu Covid-19. Chỉ số Kearney so sánh sản lượng sản xuất của Mỹ với nhập khẩu sản xuất từ 14 quốc gia châu Á, đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2019, nhờ nhập khẩu của Trung Quốc giảm 17%. Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cũng phát hiện ra, 64% công ty Mỹ ở miền nam nước này đang xem xét chuyển hoạt động sản xuất đi nơi khác.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia nhỏ hơn như Thái Lan, Bangladesh và Philippines, do chi phí lao động của các nước này thấp hơn. Nhưng Việt Nam đã nỗ lực trong thu hút công ty nước ngoài, tạo điều kiện cho nhà sản xuất tiếp cận khu vực thương mại tự do ASEAN, những hiệp định thương mại ưu đãi với các nước khắp châu Á và Liên minh châu Âu, cũng như Mỹ. Theo Nomura, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8% trong năm 2019, nhờ xuất khẩu tăng mạnh và dự kiến sẽ tăng 1,5% trong năm 2020. Ngân hàng Thế giới dự báo, trong trường hợp dịch Covid-19 xấu nhất là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ giảm xuống 1,5% và vẫn tốt hơn hầu hết các nước ở Nam Á. Điều đó không có nghĩa, Ấn Độ đã không tăng cường nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ nước này cũng đang xem xét nhiều cách khác nhau để biến Ấn Độ trở thành trung tâm xuất khẩu, đặc biệt đối với ngành dược phẩm và ôtô.

Việt Nam - thị trường quan trọng ở Đông Nam Á, thường được coi là một trong những bên hưởng lợi nhất trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung. Theo Oxford Economics, Mỹ và Trung Quốc đã áp mức thuế cao hơn đối với hàng hóa của nhau. Điều đó dẫn đến thương mại song phương giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bị thu hẹp. Do đó, cả hai quốc gia đều phải tìm nguồn hàng từ các thị trường khác. Việt Nam đã, đang là điểm đến ưa thích cho những chuyển dịch trong dòng chảy thương mại và chuỗi sản xuất. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những lý do đằng sau sự sụt giảm xuất khẩu của nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Nhưng Việt Nam đã đi ngược lại xu hướng này, đó là xuất khẩu tiếp tục tăng, dẫn đến sự gia tăng các chuyến hàng sang Mỹ.

Mặc dù không có khả năng xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc, nhưng các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sang khu vực khác của châu Á, để giảm thiểu tác động của tranh chấp thương mại. Việt Nam được nhiều người coi là một trong những địa điểm thay thế tốt nhất cho Trung Quốc, đã chứng kiến những điểm nghẽn xuất hiện trong nền kinh tế của mình, mặc dù tỷ trọng sản lượng sản xuất toàn cầu vẫn còn nhỏ. Theo các nhà phân tích của Fitch Solutions, hạn chế lớn ở Việt Nam là thiếu vốn nhân lực. Điều đó đề cập đến giá trị kinh tế của lực lượng lao động, trong đó xem xét các yếu tố như trình độ học vấn, kỹ năng, sức khỏe của người lao động.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và đang phát triển, được định nghĩa là những người từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm và những người thất nghiệp nhưng đang tìm kiếm việc làm. Nhưng quy mô lực lượng lao động của Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc. Nếu nhìn vào Việt Nam với dân số nhỏ hơn 14 lần so với Trung Quốc, điều đó cũng có nghĩa là nguy cơ thiếu hụt lao động cao hơn nhiều khi so sánh giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, sự gia tăng thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn...

Nguồn: Báo Công Thương