Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm: Ai được lợi?
04/01/2011 212Chính phủ Trung Quốc vừa thông báo sẽ cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong nửa đầu năm 2011, một động thái có thể làm căng thẳng hơn quan hệ Trung-Mỹ, nhưng lai la tin vui đối với các nhà khai thác và xuất khẩu đất hiếm ở "Xứ sở Kangaroo" đang được hưởng lợi trước quyết định này.
Việc Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 35% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm vào nửa đầu năm 2011 đã thổi bùng lên những dự đoán rằng giá đất hiếm - nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao - sẽ tăng đột biến.
Lý do mà Trung Quốc đưa ra cho quyết định trên là để bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn cung cho các công ty năng lượng sạch trong nước, với nhu cầu đất hiếm đang tăng. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cho rằng với việc cung cấp tới 97% nguồn đất hiếm trên toàn cầu, họ cần có quyền lớn hơn trong việc kiểm soát giá cả kim loại này.
Bắc Kinh dự định thành lập Hiệp hội công nghiệp đất hiếm vào tháng 5 tới, với nhiệm vụ phụ trách các cuộc đàm phán về giá cả với các khách hàng nước ngoài. Vào năm tới, nước này cũng sẽ đưa ra các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động khai thác đất hiếm.
Giám đốc điều hành Công ty khai mỏ Lynas, ông Nicholas Curtis nhận xét sự gia tăng nhu cầu trong nước ở Trung Quốc có thể là một nguyên nhân khiến Bắc Kinh thắt chặt những quy định xuất khẩu đất hiếm. Tuy nhiên, thế giới cũng ngày càng lo ngại về sự thống trị của Trung Quốc đối với nguồn cung đất hiếm, nhất là sau sự việc Trung Quốc gần đây ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản.
Tuy nhiên, những mỏ mới phát triển ở Australia đang ngày càng được cho là đóng vai trò mang tính quyết định trong việc phá vỡ thế độc quyền của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, những mỏ mới ở Australia, việc nối lại hoạt động khai thác ở một mỏ lớn tại Mỹ và khả năng phát triển ngành khai thác đất hiếm ở Mỹ và Canađa có thể giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Hiện Nhật Bản theo đuổi Australia như là một phần của chiến lược đa dạng hóa dễ thấy trong thỏa thuận liên quan đến đất hiếm. Sự quan tâm đối với đất hiếm của Australia nổi lên khi Ủy ban thẩm định đầu tư nước ngoài của Australia (FIRB) bác bỏ các kế hoạch của Tập đoàn khai thác kim loại màu Trung Quốc nhằm nắm quyền kiểm soát trong công ty khai mỏ Lynas Corp.
Nhà phân tích Jack Lifton thuộc Technology Metals Research ở Chicago cho rằng sản lượng của Molycorp Inc, công ty sở hữu mỏ đất hiếm ở California và Lynas Corporation Ltd của Australia có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung do sự cắt giảm sản lượng của Trung Quốc, nhưng điều này sẽ không xảy ra trước năm 2013. Tuy nhiên, ông cho rằng cho đến khi các công ty đi vào sản xuất thương mại, thị trường sẽ vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.
Việc sản xuất xe động cơ lai và tuốcbin gió, những sản phẩm vốn cần tới nhiều đất hiếm nhất, sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung kim loại này trên toàn cầu, trong lúc nhu cầu tăng. Đất hiếm cũng được sử dụng trong sản xuất các thiết bị điện tử như điện thoại iPhone của Apple, tivi màn hình phẳng, những sản phẩm cũng đang chiếm một phần trong nguồn cung 120.000 tấn đất hiếm trên toàn cầu mỗi năm.
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam