Tin tức

Điều gì xảy ra sau khi RCEP được ký kết?

18/11/2020    162

Việc 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ký thỏa thuận vào ngày 15/11, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế, bao trùm gần một phần ba dân số và khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. RCEP sẽ giảm dần thuế quan và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thúc đẩy đầu tư và cho phép hàng hóa di chuyển tự do hơn trong khu vực.

15 nước đã ký RCEP bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN.

Ấn Độ đã tham gia vào các cuộc đàm phán ban đầu nhưng đã rút lui vào năm ngoái vì lo ngại liên quan đến hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên vẫn để ngỏ cơ hội để Ấn Độ trở lại RCEP. Bất kỳ nước nào cũng có thể tham gia RCEP sau 18 tháng kể từ khi hiệp định có hiệu lực nhưng Ấn Độ, với tư cách là một trong những đối tác đàm phán ban đầu, có thể tham gia bất kỳ lúc nào khi thỏa thuận có hiệu lực.

RCEP đã được ký kết và hiện phải được phê chuẩn trước khi có hiệu lực, một quá trình sẽ mất nhiều tháng để bắt đầu và nhiều năm để hoàn thành. Hiệp định dài 510 trang, 20 chương và phải được ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia đối tác ngoài ASEAN phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Đáng chú ý, RCEP đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc xích lại gần nhau theo một hiệp định thương mại duy nhất - một tiến trình vốn đã chịu nhiều tác động bởi các tranh chấp lịch sử và ngoại giao.

Năm ngoái, khi tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lên đến đỉnh điểm, các quan chức Hàn Quốc cho rằng, các hạn chế thương mại của Nhật Bản đã vi phạm "tinh thần" của RCEP. Nhưng các nhà phân tích của Trung tâm Thương mại châu Á cho biết, Nhật Bản có thể tìm thấy những lợi ích đáng kể với RCEP, vì nước này hiện có quyền tiếp cận ưu đãi với Hàn Quốc và Trung Quốc.

RCEP đưa ra một số linh hoạt cho các thành viên kém phát triển hơn để thực hiện các thay đổi thực tế và pháp lý. Ví dụ, Campuchia và Lào có 3-5 năm để nâng cấp thủ tục hải quan. Cụ thể những lĩnh vực nào được mở cửa để cắt giảm thuế quan theo RCEP rất phức tạp và thay đổi theo từng quốc gia. Đối với các quốc gia đã có hiệp định thương mại tự do với nhau, lợi ích bổ sung của RCEP là tạo ra một bộ quy tắc xuất xứ chung, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển hàng hóa giữa 15 thành viên.

Ý tưởng về RCEP, được hình thành vào năm 2012, được coi là cách để Trung Quốc, nhà xuất nhập khẩu lớn nhất khu vực, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, sau đó, RCEP có động lực lớn hơn khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017. TPP sau đó được sửa đổi thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và bao gồm 7 thành viên RCEP, nhưng không có Mỹ. RCEP tập trung nhiều vào việc cắt giảm thuế quan và tăng cường tiếp cận thị trường nhưng được coi là ít toàn diện hơn so với CPTPP. Hiệp định cũng đòi hỏi ít nhượng bộ hơn về chính trị hoặc kinh tế và ít chú trọng hơn đến quyền lao động, bảo vệ môi trường và sở hữu trí tuệ và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Quy mô thị trường của RCEP lớn hơn gần 5 lần so với CPTPP, với gần gấp đôi giá trị thương mại hàng năm và tổng sản phẩm quốc nội của CPTPP. Đối với một thỏa thuận được ký kết với số lượng thành viên “cực kỳ” đa dạng như vậy, chất lượng của RCEP thực sự vượt quá mong đợi và sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho nhiều doanh nghiệp trong khu vực.

Nguồn: Báo Công Thương