Tin tức

Anh - Nhật ký thỏa thuận thương mại “lịch sử” đầu tiên hậu Brexit

26/10/2020    74

Ngày 22/10, Nhật Bản và Vương quốc Anh chính thức ký kết một hiệp định thương mại tự do song phương, là thỏa thuận thương mại “lịch sử” lớn đầu tiên của Vương quốc Anh với tư cách là một quốc gia thương mại độc lập hậu Brexit.

Theo Bộ Thương mại quốc tế Anh, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Anh - Nhật được kỳ vọng sẽ tăng thương mại giữa hai nước lên khoảng 19,9 tỷ USD. Thỏa thuận mới sẽ có hiệu lực khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào đầu năm 2021 và sẽ định hướng cho mối quan hệ thương mại hậu Brexit của hai nước.

Sau khi khởi động các cuộc đàm phán vào tháng 6, thỏa thuận đã được Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liz Truss và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu đồng ý về nguyên tắc trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 11/9. Các chủ đề đàm phán bao gồm nhập khẩu ô tô của Nhật Bản - với việc Anh đồng ý dỡ bỏ dần thuế quan cho đến khi bằng 0 và xuất khẩu thực phẩm của Anh sang Nhật Bản. Giáo sư kinh tế Noriko Hama tại Đại học Doshisha của Kyoto, cho biết, cả London và Tokyo đều cố gắng "tránh vấn đề khó khăn" và nhanh chóng đạt được một thỏa thuận thương mại song phương - điều có lợi cho các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia về mặt chính trị.

Thỏa thuận thương mại Anh - Nhật được xây dựng rất cẩn thận và không bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, vì vậy sẽ không có quá nhiều va chạm trên con đường thực hiện trước khi cả hai bên có thể phê chuẩn thỏa thuận. Điều đó tốt cho Tokyo và London vì nhấn mạnh lại “mối quan hệ đặc biệt” cho thấy với Vương quốc Anh rằng Brexit là một sự tích cực. Martin Schulz, nhà kinh tế chính sách của Cơ quan Tình báo thị trường toàn cầu của Fujitsu Ltd, cho biết, các cuộc đàm phán về thương mại diễn ra "suôn sẻ" vì cả hai chính phủ đã lùi lại kế hoạch ban đầu cho một thỏa thuận trên phạm vi rộng hơn để đáp ứng các hạn chế về thời gian.

Sẽ rất dễ dàng để hai bên thực hiện hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do EU - Nhật Bản, nhưng ngay từ đầu, cả Nhật Bản và Anh đều muốn có một hiệp định hướng tới tương lai nhiều hơn. Đó là những lý do mà Vương quốc Anh đã viện dẫn để rời EU, nước này muốn có các thỏa thuận thương mại được thiết kế riêng vượt ra ngoài các thỏa thuận của EU. Và trong khi phiên bản cuối cùng của thỏa thuận Anh - Nhật có thể không mang tính đột phá, nhưng có khả năng có nhiều cơ hội hơn khi các nguyên tắc cơ bản được đưa ra và cơ hội cho các cách tiếp cận đổi mới hơn trong thương mại sau khi thời hạn đã được đáp ứng.

Đối với cả Nhật Bản và Vương quốc Anh, hiệp định này có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ thương mại song phương. London coi thỏa thuận này là một sự thể hiện tiềm năng cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai với Mỹ, Australia, Ấn Độ và các đối tác thương mại tiềm năng khác ngay khi nước này rời EU. Một khi liên minh kinh tế được thành lập, Nhật Bản hy vọng cũng sẽ làm sâu sắc thêm liên minh an ninh với Anh và các đối tác. Nước này hy vọng London sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh ở Viễn Đông và cuối cùng là triển khai các đơn vị quân sự đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một chiến lược nhằm kiềm chế các chính sách ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Để củng cố mối quan hệ Anh - Nhật hơn nữa, Chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ ủng hộ nỗ lực của London để tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đang quy tụ 11 quốc gia bao gồm cả Australia, Canada, Singapore, Việt Nam, Malaysia và Chile.

Nguồn: Báo Công Thương