Tin tức

Thị trường Nga tiềm năng nhưng cũng nhiều khó khăn

29/12/2010    46

Nga là một trong những đối tác có tốc độ tăng trưởng thương mại với Việt Nam nhanh nhất trong 3 năm gần đây với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều tăng gấp đôi đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ năm 2009. Tuy nhiên thị trường này cũng có nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Tiềm năng còn rất lớn

Trong 3 năm trở lại đây, thương mại hai chiều giữa Nga và Việt Nam đã tăng trưởng khá bền vững, như trong năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước vẫn đạt gần 2 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, theo đại diện cơ quan thương mại liên bang Nga tại Việt Nam ông Alexandr Kardo – Sysoev, nếu so với thống kê trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam chỉ đạt 1 tỉ đô la Mỹ trên tổng kim ngạch xuất khẩu 390 tỉ đô la Mỹ của Nga, và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga chỉ chiếm 1% tức tương đương 700 triệu đô la Mỹ trên tổng kim ngạch 70 tỉ đô la Mỹ của Việt Nam “thì rõ ràng tiềm năng phát triển kinh tế giữa 2 nước còn rất lớn”, ông nói

Còn ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian qua giữa hai bên chưa có quan hệ đột phá, và chính sách thương mại chưa tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng theo ông Quân, điều này có thể sẽ thay đổi khi Nga gia nhập WTO.

Nhóm nghiên cứu hỗn hợp giữa 2 nước nghiên cứu đề xuất cho Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam – Nga, dự tính sẽ đưa ra kiến nghị chính thức vào cuối năm 2011.

“Ngoài ra, tiến trình gia nhập WTO đang rất thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy FTA Việt – Nga”, ông Quân cho biết. Cả hai quá trình trên nếu thành công sẽ tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cả về mặt pháp lý lẫn cơ chế đầu tư tốt cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Bên cạnh đó, nếu ký kết FTA với Nga thì Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội tiếp cận được với Liên minh thuế quan Nga, Kazakhstan và Belarus có trị giá trao đổi hàng hóa ước tính lên đến 900 tỉ đô la Mỹ”, ông nói thêm.

...và cũng nhiều khó khăn

Rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga lại nằm trong khâu thanh toán khiến nhiều công ty phải đối mặt với các khoản nợ khó đòi từ đối tác Nga vì “truyền thống” không sử dụng phương thức thanh toán tín dụng thư (L/C). Theo những doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm ở nhiều thị trường, tín dụng thư cho các đơn hàng đầu tiên thường rất quan trọng nhưng lại không được đối tác Nga coi trọng.

Ông Nguyễn Quốc Thắng – trợ lý Tổng giám đốc công ty thương mại đầu tư xây dựng Constrexim chia sẻ tại hội thảo, công ty ông đã có hơn 20 năm quan hệ làm ăn với phía Nga mà theo ông doanh nghiệp “sợ nhất là khâu thanh toán” vì đối tác thường xuyên đòi hỏi những khoản đặt cọc có khi lên đến 100% giá trị lô hàng.

“Máy móc, thiết bị của Nga hay hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam rất thu hút doanh nghiệp hai nước, nhưng với điều kiện tài chính giới hạn của đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường phải hết sức tin tưởng đối tác thì mới có thể thực hiện giao dịch được.” ông nói.

Nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra hẳn còn nhớ vào cuối năm 2008, cục Kiểm dịch động, thực vật Liên bang Nga (VPSS) đột ngột ban hành lệnh cấm nhập cá tra Việt Nam vì cho rằng thủy sản Việt Nam không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, khiến hàng trăm container cá đang dồn ứ ở các cảng của Nga và phải thanh toán hàng loạt chi phí logistics khi hàng nằm kẹt ở cảng nhập khẩu.

Một doanh nghiệp bị thiệt hại đợt đó than thở, chính do sự không tương thích về tiêu chuẩn. Nga là một thị trường rất lớn nhưng cũng rất độc lập, họ không công nhận quy chuẩn của bất cứ thị trường nào khác, từ những thị trường khó tính như EU, Mỹ.

Đại diện doanh nghiệp Công ty Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu nói 4 trên 7 xí nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng để xuất sang châu Âu nhưng cơ quan kiểm nghiệm tiêu chuẩn của Nga chỉ cấp cho 2 giấy phép. Còn một số doanh nghiệp khác dù hàng hóa đã đạt chuẩn xuất sang châu Âu nhưng cũng không được cấp giấy phép sang Nga.

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn