Tin tức

Xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc phải đáp ứng điều kiện gì?

19/09/2020    1665

Để xuất khẩu trái cây chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, yêu cầu bắt buộc là sản phẩm phải được sản xuất từ vùng trồng và được đóng gói tại cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội nghị “Triển khai giải pháp phòng chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cây ăn trái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2020-2021” diễn ra vào hôm nay, 17-9, ở tỉnh Tiền Giang cho biết, quy định nêu trên là bắt buộc, đã chính thức được phía Trung Quốc yêu cầu phải đáp ứng.

Theo ông Thiệt, do lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn, đến 3-4 triệu tấn mỗi năm, với chủng loại đa dạng, cho nên, để không làm gián đoạn việc xuất khẩu, ảnh hưởng đến người nông dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, đăng ký vùng sản xuất và cơ sở đóng gói tại địa phương khi có nhu cầu được cấp mã số theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Ông Thiệt cho biết, các quy định cụ thể về yêu cầu với vùng trồng được cấp mã số, đó là cơ bản phải đáp ứng được các yêu cầu, gồm phải nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng GPS); áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó, phải chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác (phải được lưu trữ, bảo quản tốt để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra); theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng.

Ngoài ra, để vùng trồng được cấp mã số, cũng cần thực hiện tốt các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại và thu hoạch để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp; đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu…

Ông Thiệt cho biết, Việt Nam cũng đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao hướng dẫn về việc cấp mã số vùng trồng cho xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc nói riêng và thị trường các nước có yêu cầu nói chung.

Theo ông Thiệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Bảo vệ thực vật xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về việc thiết lập, giám sát vùng trồng phục vụ xuất khẩu và dự kiến sẽ trình ban hành trong năm 2020.

Về việc cấp mã số vùng trồng, đối với các thị trường “khó tính”, đã cấp được 998 mã số, trong đó, thị trường Hoa Kỳ có 471 mã số; Úc và New Zealand có 393 mã số; Hàn Quốc 199 mã số… Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Còn đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8-2020, đã có 47 địa phương gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000 héc ta cho 9 loại quả tươi gồm thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. “Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất”, ông Thiệt cho biết.

Riêng đối với khu vực ĐBSCL, hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Liên quan việc cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái cây, theo ông Thiệt, mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.

Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng nhập khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý, trong đó, tỉnh Tiền Giang có 15 mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng, tỉnh An Giang 7 mã số, Vĩnh Long 2 mã số...

Ông Thiệt cho rằng, dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu là không lớn so với tổng mã số đã được cấp, nhưng đây là “tín hiệu” cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời.

“Nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người nông dân”, ông Thiệt cho biết và nói rằng, thậm chí nguy cơ mất thị trường là rất cao, nếu thường xuyên có các vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm quy định của nước nhập khẩu.

Xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 tiếp tục ‘gay gắt’

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mùa khô 2019-2020 vừa qua, vùng ĐBSCL có khoảng 25.120 héc ta diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn. Trong đó, cây sầu riêng có 9.640 héc ta, bưởi có 5.740 héc ta, chanh có 2.340 héc ta, chôm chôm là 4.610 héc ta, hồng xiêm 100 héc ta và cây ăn quả khác khoảng 2.650 héc ta.

Còn phân theo vùng, ông Tùng cho biết, vùng thượng nguồn, thì tỉnh Long An có khoảng 2.500 héc ta bị ảnh hưởng của hạn mặn; vùng giữa có Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích bị khoảng 8.800 héc ta; vùng giáp biển có Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng với diện tích bị hạn mặn khoảng 13.800 héc ta.

Trong khi đó, Tổng cục Thủy lợi cho biết, tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mêkông từ đầu mùa mưa đến cuối tháng 8 vừa qua bình quân đạt gần 731 mm, so với cùng thời kỳ năm 2019 thấp gần 22% và so với trung bình nhiều năm thấp hơn 24%. 

Tổng cục thủy lợi dẫn nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và trên thế giới dự báo, lượng mưa trên lưu vực sông Mêkông từ tháng 9 này đến hết năm nay có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

Với dự báo mưa như nêu trên, theo Tổng cục thủy lợi, nguồn nước thiếu hụt trên lưu vực được bù đắp bằng lượng mưa muộn, nhưng xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực, thì vẫn có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-15%.

Còn nguồn nước về ĐBSCL, thì có đến 95% là từ thượng lưu sông Mêkông (bên ngoài lãnh thổ Việt Nam) và chỉ có 5% từ nội sinh trong nước.

Tuy nhiên, kể từ đầu mùa mưa đến nay, dòng chảy trên lưu vực sông Mêkông đều ở mức rất thấp do lượng mưa bị thiếu hụt.
Cụ thể, mực nước trên dòng chính sông Mêkông vào ngày 5-9 tại trạm Chiang Sean (giáp với Trung Quốc, cách trạm Tân Châu của tỉnh An Giang khoảng 2.209 km) là 3 mét, thấp hơn gần 3 mét so với cùng kỳ trung bình nhiều năm thời kỳ 1980-2018, thấp hơn năm 2015 (năm xảy ra mùa khô 2015-2016) gần 2,0 mét, nhưng so với năm 2019 cao hơn 0,4 mét. 

Cũng ngày 5-9, mực nước đo được tại trạm Kratie (trạm đầu châu thổ sông Mêkông, cách trạm Tân Châu, tỉnh An Giang gần 300 km) so với cùng thời điểm năm 2019 (năm xảy ra khô hạn 2019-2020) thấp hơn 7,7 mét, so với năm 2015 thấp hơn 3,3 mét và thấp hơn 4,96 mét so với trung bình nhiều năm thời kỳ 1980-2018.

Còn chế độ nước trong biển hồ Tonle Sap (Campuchia) - là nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô, thì hiện đang có mức trữ thấp (khoảng gần 9 tỉ m3), thấp hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 23 tỉ m3, so với năm 2015 khoảng 8 tỉ m3 và năm 2019 khoảng 2 tỉ m3.

Với nhận định về mưa, dòng chảy trên lưu vực như nêu trên, Tổng cục thủy lợi dự báo năm 2020 tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ. Chính vì vậy, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng nhiều khả năng không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020.

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn