Tin tức

Hậu Covid-19: Giải pháp nào cho thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN?

11/09/2020    341

Đoàn Việt Nam đã nêu 6 giải pháp thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh Covid-19 tại phiên họp của Ủy ban kinh tế trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) được tổ chức bằng hình thức trực tuyến sáng 9/9, tại Hà Nội.

Chủ đề của phiên họp là “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và Phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh Covid – 19”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tới dự và phát biểu chào mừng phiên họp. Phiên họp do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh điều hành. Tham dự Phiên họp có các đại biểu của Nghị viện thành viên AIPA.

Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hợp tác kinh tế trong AIPA là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực hợp tác của Khu vực.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN có mục tiêu tạo ra một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, từ đó nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư kinh doanh và tạo sự thịnh vượng chung cho cả khu vực.

Ông Phùng Quốc Hiển vui mừng nhận thấy, “từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 đến nay, trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và hi vọng rằng, trong thời gian tới, việc hội nhập này tiếp tục được phát huy sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu khả quan hơn”.

Ngay sau đó, dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đại diện các đoàn thành viên AIPA đã phát biểu ý kiến. Nêu ý kiến thảo luận tại phiên họp, thay mặt đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam nêu chuỗi giải pháp mang tính đột phá, khả thi đối với cộng đồng ASEAN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng, trong nhiều tháng qua, các nước ASEAN đã có những biện pháp riêng để kiểm soát đại dịch Covid-19 cũng như ứng phó với các tác động kinh tế của dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần, mà còn là một cuộc khủng hoảng đối với sự phát triển khi các chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị phá vỡ.

“Việt Nam quan ngại sâu sắc về những tổn thất to lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra ở các quốc gia ASEAN; tác động của dịch bệnh Covid-19 đã gây cản trở rất lớn đến kinh tế các nước ASEAN, hoạt động thương mại nội khối và ngoại khối”, Đại diện Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Tiến bày tỏ.

Vì vậy, ông Tiến cho rằng, liên kết kinh tế trong thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế của các nước thành viên ASEAN và việc triển khai tốt các hoạt động kinh tế số sẽ có tầm quan trọng sâu sắc, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường liên kết kinh tế ASEAN cũng như sự sẵn sàng của ASEAN để ứng phó với các thách thức từ đại dịch Covid-19.

Để thực hiện được điều đó, đoàn Việt Nam đã nêu sáu giải pháp thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh Covid-19. Trước hết, thực hiện thúc đẩy nhanh việc trao đổi thông tin liên quan đến du lịch và sức khỏe và các biện pháp cần thiết khác để kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19; củng cố sự an tâm trong di chuyển, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn và quy trình y tế hỗ trợ di chuyển xuyên biên giới của công dân ASEAN không bị gián đoạn, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và y tế quốc tế cũng như các cam kết theo các Hiệp định có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.
Thứ hai, nghiên cứu khái niệm “du lịch cầu hàng không” giữa “các nước xanh lá cây” như một sáng kiến sơ bộ trong quá trình mở cửa lại biên giới, hình thành các khu vực di chuyển an toàn trong ASEAN và đề xuất hướng dẫn tham chiếu cho tất cả các nước thành viên ASEAN mà không làm tổn hại đến những cam kết theo các thỏa thuận có liên quan giữa các nước thành viên ASEAN.

Thứ ba, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, bảo đảm lưu thông hàng hóa và các chuỗi cung ứng trong khu vực không bị gián đoạn; xây dựng chính sách đầu tư thông thoáng, bền vững, có trách nhiệm trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; tiến tới xây dựng kinh tế tuần hoàn;

Thứ tư, thúc đẩy nhanh việc phê chuẩn các hiệp định, thỏa thuận thương mại trong khu vực; ưu tiên tăng cường các nỗ lực để hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2020; tăng cường năng lực, sự tham gia và đẩy mạnh giám sát nghị viện đối với việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Thứ năm, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng số, kết nối số, an toàn dữ liệu số, kiến thức và kỹ năng số gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN để phát triển kinh tế số; chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để xử lý các thách thức mà các nền tảng thương mại điện tử đang phải đối mặt; tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong dịch bệnh Covid-19 và duy trì tính cạnh tranh trong kỷ nguyên kinh tế số.

Cuối cùng, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối khu vực, tăng cường kết nối giao thông và sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác tiểu vùng Mekong và các tiểu vùng khác của ASEAN, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp thông minh và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên biên giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng tại các tiểu vùng trong và sau đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với nhiều nhận định và đề xuất của Việt Nam, các nghị viện thành viên thống nhất về sự cần thiết phải chia sẻ với nhau cả những thành công cũng như thách thức trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Nguồn: Thế giới và Việt Nam