Tin tức

Hướng dẫn tra cứu thuế quan EVFTA mà EU áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam

07/09/2020    3226

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xin hướng dẫn về cách tra cứu thuế quan nhập khẩu mà EU cam kết đối với hàng hóa Việt Nam trong EVFTA như sau:

Cam kết thuế nhập khẩu ưu đãi của EU áp dụng cho hàng hóa Việt Nam nằm ở đâu trong văn kiện EVFTA?

Trong EVFTA, các cam kết về thuế quan được nêu trong Chương 2 – “Đối xử Quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa” của Văn kiện EVFTA. Trong đó, cam kết của EU trong Chương 2 bao gồm 2 phần:

-    Phần cam kết trong Lời văn Chương 2: Phần này bao gồm các quy tắc chung liên quan tới thuế quan, áp dụng chung cho cả EU và Việt Nam (tuy nhiên cũng có một số nội dung nêu cụ thể chỉ áp dụng cho Việt Nam hoặc EU) và 

-    Phần cam kết tại các Phụ lục Chương 2: Phần này bao gồm các phụ lục cắt giảm thuế quan cụ thể của cả Việt Nam và EU, trong đó Biểu thuế cam kết của EVFTA nằm trong Tiểu phụ lục 2-A-1, Phụ lục 2-A, Chương 2 EVFTA.

(Chú ý: Biểu cam kết này của EU áp dụng thống nhất cho hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào bất kỳ cảng nào, của bất kỳ nước Thành viên nào của EU)

Ý nghĩa các ký hiệu trong Biểu cam kết của EU

Biểu cam kết thuế quan nhập khẩu trong EVFTA được ký hiệu bằng các ký tự như A, B3, B5, B7, B9, B10, B10*.... tương ứng với từng hình thức, lộ trình giảm thuế cụ thể. Các ký hiệu này được sử dụng chung cho cả Biểu thuế của EU và Việt Nam.

Do đó doanh nghiệp cần hiểu ý nghĩa của từng ký hiệu này tại Phụ lục 2-A trước khi tra cứu dòng thuế sản phẩm mà mình quan tâm trong các Tiểu phụ lục 2-A-1 và 2-A-2 để biết được hình thức và lộ trình ưu đãi thuế của sản phẩm đó. 

Bảng dưới đây tổng hợp các ký hiệu được sử dụng trong Biểu cam kết về thuế nhập khẩu của EU trong EVFTA và giải thích ý nghĩa:

Bảng – Giải thích ký hiệu Biểu ưu đãi thuế quan trong EVFTA

Ký hiệu Giải thích
A Xóa bỏ thuế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực
B3 Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 04 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực
B5 Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 06 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực
B7 Xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 08 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực
A+EP Xóa bỏ thuế tính theo giá trị hàng hóa (%) ngay khi EVFTA có hiệu lực nhưng vẫn giữ thuế tuyệt đối áp dụng đối với hàng hóa đó
R75 Giảm thuế theo quy định cụ thể trong Phụ lục 2-A về 75% từ năm 2025 trở đi
TRQ Đây là các sản phẩm mà EU áp dụng hạn ngạch thuế quan, với mức thuế là 0% đối với lượng nhập khẩu trong hạn ngạch

 

Cách xác định thời điểm cắt giảm thuế quan theo lộ trình:

Ví dụ với sản phẩm áo sơ mi nữ làm từ lụa của EU được cam kết thuế trong Biểu cam kết của EU như sau:

CN2012 Mô tả hàng hóa Thuế suất cơ sở Danh mục
6206 10 00 Áo blouse, sơ mi và sơ mi cách điệu (shirt-blouses) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái từ tơ tằm hoặc phế liệu tơ tằm 12% B3

 

Cam kết này được hiểu là: Sản phẩm mã HS 6206 10 00 với miêu tả như trên sẽ được xóa bỏ thuế dần đều trong vòng 4 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 nên lộ trình cắt giảm thuế của sản phẩm này theo các năm sẽ như sau:

Mức thuế cơ sở Mức thuế năm 1 (từ 01/8/2020 đến hết 31/12/2020) Mức thuế năm 2 (bắt đầu từ 01/01/2021) Mức thuế năm 3 (bắt đầu từ 01/01/2022 Mức thuế năm 4 và các năm tiếp theo (bắt đầu từ 1/1/2023
12% 9% 6% 3% 0%

 

Ngoài văn kiện EVFTA, doanh nghiệp có thể tra cứu thuế quan EVFTA mà EU thực tế áp dụng tại đâu?

Mức cam kết ưu đãi thuế quan của EU trong Biểu cam kết tại EVFTA là mức mở cửa tối thiểu, do vậy trên thực tế, EU có thể mở cửa (giảm hoặc loại bỏ thuế quan) sớm hơn lộ trình đã cam kết. Để biết chính xác mức thuế quan ưu đãi theo EVFTA mà EU áp dụng cho Việt Nam hàng năm, doanh nghiệp có thể tra cứu tại các nguồn sau:

-    Cơ sở dữ liệu Tiếp cận Thị trường (Market Access Database) của EU: https://madb.europa.eu/

-    Bản đồ Tiếp cận Thị trường (MacMap) của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC): https://www.macmap.org/

-    Công cụ Phân tích Thuế quan Trực tuyến (TAO) của WTO: https://tao.wto.org/   

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam