Tin tức

Hạn ngạch thuế quan mà EU cam kết cho Việt Nam trong EVFTA sẽ được phân bổ và thực hiện như thế nào?

07/09/2020    1403

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 01 tháng 08 năm 2020 hứa hẹn đem lại những lợi ích to lớn cho thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam. 

Theo cam kết EVFTA, EU sẽ xóa bỏ tới 99,2% số dòng thuế cho hàng hóa của Việt Nam sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Số dòng thuế còn lại (0,8%) bao gồm một số sản phẩm nông-lâm-thủy sản như gạo, đường, cá ngừ, cá viên, trứng, tỏi, ngô ngọt… được áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức thuế trong hạn ngạch là 0%.

Bảng dưới đây tóm tắt cam kết hạn ngạch của EU đối với một số sản phẩm của Việt Nam:

Sản phẩm

Mức hạn ngạch EU cam kết trong EVFTA

Cá ngừ đóng hộp và cá viên

  • Cá ngừ: 11.500 tấn/năm
  • Cá viên đóng hộp: 500 tấn/năm

Gạo

Tổng hạn ngạch là 80.000 tấn/năm, cụ thể:

  • Gạo chưa xay xát: lượng hạn ngạch là 20.000 tấn/năm
  • Gạo xay xát: lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm
  • Gạo thơm: lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm

Đường

Đường trắng: 10.000 tấn/năm

Sản phẩm chứa trên 80% đường: 10.000 tấn/năm

Trứng gia cầm đã qua chế biến

500 tấn/năm

Tỏi

400 tấn/năm

Ngô ngọt (trừ loại có đường kính lõi từ 8 mm trở lên nhưng không quá 12 mm)

5.000 tấn/năm

Tinh bột sắn

30.000 tấn/năm

Nấm

350 tấn/năm

Cồn etylic

1.000 tấn

Một số sản phẩm hóa chất (manitol, sorbitol, dextrins,…)

2.000 tấn

Các hàng nông sản khác

Một số sản phẩm được áp dụng cam kết về hạn ngạch thuế quan của EU dành cho Việt Nam:

  • Trứng gia cầm đã qua chế biến: 500 tấn/năm
  • Tỏi: 400 tấn/năm
  • Ngô ngọt (trừ loại có đường kính lõi từ 8 mm trở lên nhưng không quá 12 mm): 5.000 tấn/năm
  • Tinh bột sắn: 30.000 tấn/năm
  • Nấm: 350 tấn/năm
  • Cồn etylic: 1.000 tấn
  • Một số sản phẩm hóa chất (manitol, sorbitol, dextrins,…): 2.000 tấn

 

Cơ chế phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với Gạo 

Cơ chế phân bổ hạn ngạch đối với các loại gạo thuộc diện hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch (03 nhóm) được EU quy định tại Quy định 2020/991 ngày 13/5/2020.

Theo Quy định này, việc phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với gạo cơ bản có những nội dung cơ bản như sau:

- Nhà nhập khẩu muốn sử dụng hạn ngạch thuế quan đối với gạo trong EVFTA cần nộp Đơn xin cấp giấy phép nhập khẩu theo thời hạn quy định (07 ngày đầu tháng, ngoại trừ tháng 12) và phải nộp một khoản bảo đảm (30 euro/mỗi tấn gạo) vào thời điểm xin cấp phép

- Lượng hạn ngạch thuế quan đối với mỗi loại gạo hàng năm EU phân bổ cụ thể theo từng Quý (riêng Quý IV hàng năm sẽ không có hạn ngạch sẵn, chỉ sử dụng hạn ngạch của các Quý trước lũy kế chưa sử dụng hết, nếu có)

- Trường hợp khối lượng gạo đăng ký xin cấp phép cho mỗi Quý vượt quá lượng hạn ngạch phân bổ cho Quý đó thì EU sẽ phân bổ cho từng Đơn đăng ký theo trọng số tương ứng với khối lượng xin đăng ký và được công bố công khai.

- Trường hợp khối lượng gạo đăng ký xin cấp phép của mỗi Quý thấp hơn hạn ngạch phân bổ cho Quý đó thì phần dư được chuyển sang Quý tiếp theo; phần dư lũy kế của 03 Quý đầu năm, nếu có, được chuyển sang Quý IV của năm. Hạn ngạch còn dư khi hết Quý IV sẽ không được chuyển sang năm tiếp theo

Ngoài ra, đối với gạo thơm nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan quy định tại Điểm 7 Tiểu mục 1 Mục B Phụ lục 2-A EVFTA, theo quy định tại EVFTA, gạo thơm nên có chứng nhận chủng loại gạo thơm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (mà thực tế là Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp.

Chú ý: Chứng nhận chủng loại gạo thơm không phải là giấy tờ thay thế cho giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa theo EVFTA. Vì vậy, tương tự như đối với tất cả các loại hàng hóa khác, để được hưởng ưu đãi thuế quan, gạo thơm vẫn phải có Chứng nhận xuất xứ EVFTA như bình thường.

Cơ chế phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm khác ngoài Gạo

Đối với các sản phẩm khác ngoài gạo mà EU cam kết cho hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch, cơ chế phân bổ hạn ngạch được EU quy định tại Quy định 2020/1024 ngày 14/7/2020.

So với cơ chế phân bổ hạn ngạch thuế quan của gạo, cơ chế phân bổ hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm khác đơn giản hơn. Nguyên tắc cốt lõi là “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp phép hạn ngạch trước” (hiểu đơn giản là “ai đến trước được trước” – “first come first served”), theo đó:

- Nhà nhập khẩu nộp đơn xin cấp phép trước sẽ được cấp phép trước, cơ quan có thẩm quyền (Tổng cục Thuế và Hải quan EU) sẽ cấp phép cho đến khi hết hạn ngạch của năm liên quan thì dừng;

- Trường hợp số lượng của các đơn xin cấp phép cùng ngày (được coi là đến cùng thời điểm) cao hơn số lượng còn lại của hạn ngạch thì hạn ngạch còn lại sẽ được phân bổ theo trọng số tương ứng.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam