Hội nghị thượng đỉnh EU: Vực dậy niềm tin
23/12/2010 50Mặc dù, đã được “uống thuốc” nhưng “căn bệnh” khủng hoảng nợ công vẫn không chịu buông tha lục địa già, mà trái lại nó đang có chiều hướng ngày càng trầm trọng.
Vì vậy, dư luận hy vọng rằng Hội thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 16-17 tại Brúcxen (Bỉ) sẽ tìm được phương thuốc hữu hiệu để điều trị “căn bệnh” này và điều chế một loại “vắcxin” có khả năng ngăn ngừa nó tái phát trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này diễn ra trong bối cảnh “căn bệnh” khủng hoảng nợ công tấn công lục địa già ngày càng dữ dội. Từ Hy Lạp cho đến Ailen lần lượt phải “ngửa tay” xin cứu trợ từ EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Danh sách những quân “Đôminô” tiếp theo được giới chuyên gia liệt ra ngày càng nhiều đã khiến cho giới đầu tư nghi ngờ khả năng EU ngăn chặn được sự lây nhiễm của “căn bệnh” này nên đã ồ ạt tháo chạy. Trong bối cảnh như vậy, sẽ khó tránh khỏi những tranh cãi gay gắt liên quan đến lợi ích của mỗi nước, song mục tiêu cuối cùng là EU phải đạt được thỏa thuận chung để lấy lại sức sống, đồng thời giành lại niềm tin của giới đầu tư và người dân. Trong trường hợp ngược lại, tương lai của đồng ơ-rô và EU, thậm chí tương lai chính trị của những nhà lãnh đạo EU sẽ rất khó khăn.
Các đại biểu tham dự hội nghị sẽ không có cách nào khác là phải tạm gác mọi bất đồng để thông qua quyết định thành lập quỹ cứu trợ lâu dài nhằm giúp các nước thành viên không may rơi vào cảnh “chúa chổm”, bởi vì Quỹ cứu trợ khẩn cấp tạm thời trị giá 750 tỉ ơ-rô, được EU và IMF thành lập tháng 5/2010, sẽ hết hạn vào năm 2013. Hơn nữa, nếu không có hiệp ước cứu trợ mới thay thế thì sau năm 2013, các nước thành viên khu vực đồng ơ-rô (Eurozon) phải “thân ai nấy lo” trong trường hợp đi theo “vết xe đổ” của Hy Lạp và Ailen, do Hiệp ước Ma-xtrích (Maastricht, hiệp ước dẫn đến việc ra đời đồng ơrô) cấm các nước trong Eurozon hỗ trợ trực tiếp tài chính cho nhau khi xảy ra khủng hoảng. Nếu không có sự giúp đỡ lẫn nhau trong “cơn hoạn nạn” thì có lẽ ý kiến cho rằng đồng ơ-rô nên “chia tay trong hòa bình” là hoàn toàn xác đáng.
Tuy nhiên, để thành lập được quỹ cứu trợ mới này thì lãnh đạo EU cũng phải đạt được sự đồng thuận về việc sửa đổi một số điều khoản trong Hiệp ước Li-xbon (Lisbon) theo đề xuất của Đức và Pháp. Một trong những điều khoản của hiệp ước, vốn được xem là Hiến pháp chung của châu Âu này, được đề xuất sửa đổi, đang “hứa hẹn” sẽ gây ra cuộc tranh cãi gay gắt là cơ chế trừng phạt những nước thành viên vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc kinh tế - tài chính đã đề ra.
Theo Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, thì những nước vi phạm sẽ bị tước bỏ quyền bỏ phiếu. Đề xuất này của Béclin ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các nước thành viên EU khác, vì cho rằng ý tưởng này có thể dẫn đến việc thay đổi mạnh mẽ Hiệp ước Li-xbon, điều mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Giô-dê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) khẳng định là điều “không thể chấp nhận được”.
Để trách gây cẳng thẳng và chia rẻ trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, các nhà lãnh đạo EU cần thông qua cơ chế trừng phạt linh hoạt hơn. Theo đó, EU sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt mang tính phòng ngừa đối với những nước vi phạm các qui định về nợ nhà nước (không vượt quá 60% GDP) và thâm hụt ngân sách (không vượt quá 3% GDP), bằng cách buộc phải nộp cho EU một khoản tiền có lãi hoặc không có lãi. Những biện pháp cứng rắn chỉ được áp dụng đối với những nước không giảm mạnh thâm hụt ngân sách trong vòng 6 tháng kể từ ngày nhận được khuyến nghị. Ngoài ra, dự kiến tại hội nghị lần này lãnh đạo EU cũng sẽ thông qua ngân sách 2011 trị giá 126,5 tỉ ơ-rô, nhiều hơn 2,9% so với ngân sách năm 2010. Việc tăng ngân sách EU được lý giải là do việc chi tiêu của khối sẽ tăng lên vì trong Hiệp ước Lixbon dự kiến sẽ mở rộng chức năng các thể chế EU và thành lập một số cơ cấu mới.
Nếu các nhà lãnh đạo EU thể hiện được sự đoàn kết và đạt được sự đồng thuận về những nội dung chính của chương trình nghị sự của hội nghị lần này, trong đó có việc thông qua quyết định thành lập Quỹ cứu trợ mới và ngân sách năm 2011 sẽ trấn an được giới đầu tư không tiếp tục thoái vốn. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với đối với các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU trong việc thực hiện nhiệm vụ “cắt giảm chi tiêu nhưng vẫn đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế” và thông qua đó họ có thể cứu vãn được một phần uy tín, vốn giảm sút nghiêm trọng trong thời gian qua.
Người dân châu Âu sẽ không phải mất “mất công tốn sức” để xuống đường tổ chức các cuộc biểu tình rậm rộ kéo dài nhiều ngày như hiện nay nếu chính phủ của họ bảo đảm được công ăn việc làm cho người dân và các khoản phúc lợi xã hội không bị cắt giảm. Tất nhiên, không một ai nghĩ rằng chỉ thông qua một hội nghị kéo dài hai ngày mà các nhà lãnh đạo EU có thể điều trị khỏi “căn bệnh” hành hạ họ trong suốt một năm qua, nhưng nhiều người tin rằng đây là cơ hội tốt nhất để vực dậy niềm tin của giới đầu tư, cũng như của người dân lục địa già./.
Nguồn: Tạp chí cộng sản
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam