Tin tức

Hiệp định EVFTA: Vượt áp lực cạnh tranh trên “sân nhà” bằng cách nào?

31/08/2020    260

EVFTA được thực thi, nhiều người tiêu dùng sẽ được mua các sản phẩm nhập với giá thấp. Điều này đồng nghĩa với việc tạo áp lực cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Áp lực cạnh tranh trên sân nhà

Với các FTA thông thường, thời gian thực thi các cam kết thường kéo dài tới 10 năm. Nhưng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đôi bên sẽ phải thực hiện các cam kết chỉ trong 3 - 7 năm, trong đó có nhiều điều khoản sẽ phải thực hiện ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Như vậy, làn sóng hàng hoá châu Âu có chất lượng cao sẽ sớm đến tay người tiêu dùng Việt Nam nhờ hàng rào thuế quan và phi thuế quan được cắt giảm nhanh. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần cho làn sóng này sớm hơn.

Hiệp định EVFTA đang tạo ra một sân chơi mở và công bằng cho cả hàng hoá châu Âu và Việt Nam. Có thể nói sân chơi chung sẽ thay thế cho khái niệm "sân nhà" lâu nay các doanh nghiệp trong nước vẫn quen được bảo hộ nhờ đánh thuế hàng nhập khẩu cao đi kèm với các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm của Việt Nam trong thời gian tới là không hề nhỏ.

Nghiên cứu của Trung tâm WTO cho thấy, tuy thu nhập bình quân còn thấp, nhưng 2/3 người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng mua các sản phẩm có chất lượng, uy tín, thương hiệu. Vì vậy đây sẽ là cơ hội hấp dẫn với rất nhiều hàng hoá của châu Âu.

Ngay từ tháng 8, gần một nửa số dòng thuế đối với hàng hoá châu Âu đã được xoá bỏ. Trong đó, áp lực nhất là với mặt hàng sữa khi thuế nhập khẩu sản phẩm này từ EU sẽ giảm dần trong vòng 3 năm, tạo cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm sữa trong nước. Đặc biệt, chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cao hơn EU, trong khi năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU.

Bên cạnh đó, các nông sản khác như hoa quả, thịt bò, lợn, gia cầm đông lạnh… từ EU cũng có cơ hội tăng thị phần tại Việt Nam. Hiện 71% các sản phẩm dược từ EU đã được miễn hoàn toàn thuế.

Với ô tô, theo Bộ Tài Chính, biểu thuế nhập khẩu ô tô từ châu Âu dự kiến sẽ giảm đến 15% trong 2 năm tới. Hiện xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu như BMW, Mercedes, Audi, Volvo, Marserati… vào Việt Nam đang chịu thuế suất 70%. Sau EVFTA, sẽ xoá bỏ hoàn toàn thuế này trong 9 - 10 năm.

Nông sản giá rẻ châu Âu trước cơ hội vào Việt Nam

Giống như Việt Nam, châu Âu cũng có cũng có các mặt hàng nông sản luôn trong tình cảnh cung vượt cầu, giá xuống thấp nên phải tìm cách khuyến khích xuất khẩu để hỗ trợ nông dân. Không những thế, các nước châu Âu còn duy trì trợ cấp đối với nông sản của nước mình, dưới nhiều hình thức kín đáo.

Điều đó giải thích vì sao chưa cần cắt giảm thuế theo EVFTA, nhiều nông sản châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam đã có giá cả thấp hơn, khiến nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh về giá ngay tại thị trường nước mình. Ví dụ liên quan tới sữa bò đã cho thấy Liên minh châu Âu trợ giá sữa bột xuất khẩu như thế nào.

Năm 2015, khi Ủy ban châu Âu bãi bỏ hạn ngạch sản xuất sữa, nông dân châu Âu có thể sản xuất bao nhiêu sữa tuỳ ý. Sản lượng sữa bò đã nhanh chóng tăng vọt.

Nguồn cung vượt xa nhu cầu, giá sữa tại châu Âu đã xuống rất thấp, tác động tới cuộc sống của hàng triệu nông dân nuôi bò. Để cứu vãn tình thế, Ủy ban châu Âu đã tung tiền ra mua sữa bột, lưu kho, với giá khoảng 1.800 Euro một tấn.

Sữa bột là thứ khó để lâu được, vì vậy Ủy ban châu Âu chào bán sữa bột với mức giá 1.100 Euro một tấn, tức bằng 2/3 giá mua.

"Châu Âu bán sữa bột với mức giá thấp như vậy cho các nước châu Phi và có thể là cho Việt Nam nữa thì nông dân nuôi bò sữa ở châu Âu cũng như nông dân các nước nhập khẩu sữa đều phải chịu áp lực kinh khủng. Ai sản xuất sữa với giá thấp hơn thế được? Cách làm của châu Âu thực chất là bán phá giá sữa trên thị trường thế giới", ông Erwin Schopges - Chủ tịch Hiệp hội Nông dân nuôi bò sữa châu Âu nói.

Ủy ban châu Âu dùng ngân sách công mua sữa của nông dân với giá cao, sau đó bán ra với giá thấp hơn nhiều, về bản chất đó chính là trợ giá nông sản. Việc này một mặt hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa và ngành sản xuất sữa châu Âu, mặt khác làm cho sữa bột châu Âu xuất khẩu có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm tương đương của các nước khác.

Nâng cao sức cạnh tranh

Theo ghi nhận của phóng viên VTV thường trú tại châu Âu, 1 lít sữa tiệt trùng trong các siêu thị tại Pháp hiện có giá bán chỉ khoảng 19.000 đồng. Mức giá này thấp hơn từ 1/3 cho đến gần một nửa so với giá bán sữa cùng loại của Việt Nam.

Do vậy, nếu các hàng rào thương mại và thuế quan được gỡ bỏ theo tinh thần hiệp định EVFTA, mặt hàng sữa nói riêng và nhiều nông sản khác nói chung của châu Âu với giá rẻ, chất lượng cao sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp trong nước ngay từ bây giờ đang bằng nhiều cách khác nhau để tự nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm với hy vọng giữ được thị phần khi mở cửa, hội nhập.

Trên cơ sở chiến lược chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án phát triển các vùng thức ăn cho từng loại vật nuôi để giảm dần sự phục thuộc vào nhập khẩu. Chưa bàn tới việc làm sao để phát triển hiệu quả, bền vững khi mở cửa, hội nhập sâu, việc Việt Nam là nước nông nghiệp mà vẫn phải nhập khẩu cỏ thức ăn với số lượng lớn là điều cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Thách thức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam khi hội nhập còn là vấn đề trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo các sản phẩm đầu ra. Có nhiều cách để cải thiện các yếu tố này, trong đó việc hợp tác, liên kết và thậm chí mạnh dạn đầu tư sang chính các nước phát triển để từng bước chuẩn hóa sản phẩm trong nước cũng là một hướng đi hiện được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Mở cửa và cạnh tranh lành mạnh chính là sự sàng lọc cần thiết để buộc các doanh nghiệp trong nước phải lớn lên và mạnh hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam vốn rất năng động, dễ thích ứng, nên có thể kỳ vọng các hiệp định thương mại nói chung và EVFTA nói riêng sẽ tác động tích cực đến việc tái cấu trúc của các doanh nghiệp cho phù hợp với thế giới, qua đó biến thách thức thành cơ hội.

Nguồn: VTV News