Tin tức

EVFTA và lực đẩy buộc nông sản, doanh nghiệp Việt phải tự “nâng cấp”

31/08/2020    106

Những chùm nho mẫu đơn, hay nho rubi Nhật Bản có giá tới 11 triệu đồng, đó là minh chứng cho việc hãy tập trung vào chất lượng để từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ những sản phẩm đó, thay vì có thể bán 1kg nho bằng 10kg nho khác. Nông sản Việt, doanh nghiệp Việt muốn ra thế giới, ra “sân chơi lớn” EU buộc phải tự “nâng cấp” mình.

Chọn lượng hay chất?

Với hơn 500 triệu người tiêu dùng, EU là thị trường lớn và ổn định, chiếm tới 45% giá trị thương mại toàn cầu của rau, quả tươi. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, việc miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các nước khác.

Hiện Việt Nam hiện có rất nhiều loại trái cây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường EU như: dứa, thanh long, chôm chôm… Tuy nhiên, việc làm nổi bật được những sản phẩm đó trên những quầy, kệ hàng tại thị trường EU lại đang cần làm lúc này. Bởi vì việc quảng bá hình ảnh trái cây Việt Nam tới sân chơi quốc tế là vô cùng quan trọng để cho những doanh nghiệp, đơn vị phân phối bán sỉ trên toàn thế giới nhìn nhận ra và hiểu được chất lượng, hình ảnh trái cây, nông sản của Việt Nam.

Ngoài việc xuất khẩu các loại trái cây thô, trái cây tươi, việc đa dạng hóa sản phẩm từ những loại trái cây đó như: trái cây sấy khô, nước ép, hay những sản phẩm liên quan đến trái cây để tối đa hóa năng suất tiêu thụ cũng đang là vấn đề được đặt ra.

Theo các chuyên gia, khẩu vị và thói quen tiêu dùng của nước bạn vô cùng quan trọng, như khẩu vị của người Việt Nam là thích những loại trái cây giòn, cứng nhưng ngọt. Trong khi đó, tại EU họ không thích ăn trái cây phải nhả hạt ra, vì vậy chôm chôm hay nhãn, vải không được họ ưa chuộng. Do đó, chúng ta sẽ tập trung những loại trái cây phù hợp với khẩu vị của từng vùng miền khác nhau, theo văn hóa tiêu dùng, văn hóa ẩm thực, thói quen của người tiêu dùng.

Việc làm thương mại của các hiệp hội trái cây quốc tế cũng là kinh nghiệm cho Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Cụ thể, cứ mỗi mùa trái cây sắp đến, họ sẽ đi khắp thế giới, họ sẽ liên lạc với đại sứ quán từng quốc gia, họ mời các doanh nghiệp đến và mời nông dân từ nước của họ qua để lấy phản hồi từ người tiêu dùng, tổ chức những buổi trao đổi với nhà nông để biết được khẩu vị của người tiêu dùng.

Ông Filip Graovac - Phó Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam - đánh giá, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản, trái cây, có những sản phẩm tốt và nhà sản xuất có trách nhiệm. Vấn đề là làm sao để thể hiện được những yếu tố này với người mua ngoài biên giới.

Hiệp định EVFTA mở ra con đường rất lớn cho trái cây Việt Nam, tuy nhiên, làm thế nào để nâng cao chất lượng trái cây Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Huyền - Giám đốc Công ty Mia Fruit, dẫn chứng bài học từ cách làm nông nghiệp của Nhật Bản - một đất nước không có quá nhiều điều kiện thiên nhiên thuận lợi, thiên tai rất nhiều, dân số đông là cách làm nông nghiệp không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. Đây là một trong những hướng đi rất khôn khéo để tận dụng thế mạnh của mình để đưa sản phẩm ra thế giới. Nông sản Việt muốn ra thế giới, ra “sân chơi lớn” EU cũng cần như vậy. Phải có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu. “Những chùm nho mẫu đơn hay nho rubi Nhật Bản có giá tới 11 triệu đồng một chùm, đó là minh chứng cho việc hãy tập trung vào chất lượng để từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ những sản phẩm đó, thay vì có thể bán 1kg nho bằng 10kg nho khác", bà Huyền nhìn nhận.

Lực đẩy buộc nông sản, doanh nghiệp Việt tự “nâng cấp”

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát huy vai trò tự chủ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp - tận dụng cơ hội từ EVFTA” diễn ra ngày 27/8, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng, ai cũng thấy cơ hội từ EVFTA nhưng cơ hội sẽ dành cho ai. “Tôi đã tham dự một hội thảo có đến 90% doanh nghiệp tham gia lĩnh vực xuất khẩu và phần lớn là xuất khẩu theo giá FOB (có nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng). Mà xuất khẩu FOB là họ không cần quan tâm đến thuế, họ cũng không quan tâm đến chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm…”, ông Ngô Chung Khanh nói.

Câu chuyện về gạo Việt Nam là một điển hình, rất nhiều các đơn từ EU sang, họ đặt hàng các công ty Việt Nam xay xát cho họ, nhưng sang EU hay các nước khác thì không phải là sản phẩm của Việt Nam nữa. Họ dán thương hiệu của họ, như vậy chúng ta chỉ là gia công thôi. Vậy liệu chúng ta có thực sự tận dụng được cơ hội từ EVFTA hay không?

Rõ ràng, muốn tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải “nâng cấp”, phải thay đổi tư duy “an phận thủ thường” với những hợp đồng gia công. Đồng thời, phải có năng lực cạnh tranh tốt. Đi trên "cao tốc" thì chúng ta phải hiểu những nguyên tắc của nó. Không thể đang đi thì lại đi lùi, hay dừng lại… những tư duy đấy thì làm sao đi được cao tốc?

Ông Ngô Chung Khanh cho rằng, trên hành trình chinh phục thị trường EU cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Để hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường thế giới nói chung và EU nói riêng cần phải có quyết tâm từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương.

Riêng EVFTA, vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt. Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về thực thi EVFTA với lãnh đạo các bộ, ngành của các tỉnh thành. Nhưng có một điểm hơi “lấn cấn” mà ông Khanh nêu ra là khi triển khai thực hiện, đó là trước đó, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/1/2019, Bộ Công Thương được Chính phủ giao theo dõi thực thi, phải 8 tháng sau khi Hiệp định có hiệu lực chúng tôi mới có đầy đủ kế hoạch thực thi của các bộ, ngành các địa phương. Đến bây giờ, sau gần 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kể cả khi Thủ tướng có hội nghị quan trọng như vậy, thì kế hoạch thực hiện từ các nơi mà chúng tôi nhận được vẫn khá khiêm tốn. Điều đó cho thấy quyết tâm từ trên xuống dưới không đồng đều.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong hệ thống doanh nghiệp Việt có 40% doanh nghiệp tham gia giao dịch với EU, hơn 80% họ cũng biết về EVFTA, 5% doanh nghiệp có kiến thức chuyên sâu nhưng có tới 63% doanh nghiệp chưa chuẩn bị với EVFTA...

TS. Nguyễn Mạnh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - cho rằng, để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu nội dung của hiệp định, "biết địch biết ta trăm trận trăm thắng".

Nguồn: Báo Công Thương