Tin tức

Thách thức khi đón sóng FDI từ Nhật Bản

26/08/2020    927

Sự dịch chuyển sản xuất của doanh nghiệp Nhật là tín hiệu mừng, song Việt Nam còn nhiều chuyện phải làm để tránh đi vào "vết xe đổ" trong thu hút dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhiều năm trước.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) được thực hiện vào cuối năm ngoái, có đến 41% trong số 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất trong sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á của doanh nghiệp nước này.

Tính đến hết năm 2019, Nhật Bản có 4.190 dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký 57,9 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ hai trong số các quốc gia và khu vực đầu tư vào Việt Nam. Vốn đầu tư từ Nhật Bản được coi là dòng vốn lớn, là hình mẫu của mối quan hệ hợp tác giữa các công ty Việt Nam và các công ty FDI.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn nhiều mặt hạn chế. Các công ty Nhật Bản liên tục phàn nàn về ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, về tình trạng thiếu điện và thiếu cơ sở hạ tầng nghiêm trọng.

Trong Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Địa phương (PCI) 2019, các công ty nước ngoài tiếp tục nói về khó khăn trong tiếp cận đất đai. Ngoài ra, theo báo cáo của JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), các doanh nghiệp Nhật cũng gặp khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty, giá nhân công có xu hướng tăng, khó thu hút nhân lực cấp quản lý.

Vậy đâu là những giải pháp có thể cân nhắc để tránh đi vào “vết xe đổ” trong thu hút FDI từ nhiều năm trước và nâng tầm vị thế của các công ty nội địa trong mạng lưới sản xuất toàn cầu?

Ngoài các yếu tố phổ biến cần có để thu hút một dự án đầu tư cho bất kể lĩnh vực nào như chi phí lao động, ưu đãi thuế, đất... thì còn cần phải chú ý tới cả hệ thống quản trị, văn hóa công ty, ngành nghề kinh doanh và các đặc điểm riêng của doanh nghiệp đầu tư. Đối với nhà đầu tư Nhật Bản, các đặc điểm đó càng nổi bật và khác biệt so với hầu hết các nhà đầu tư khác. Những đề xuất sau đây có thể thích hợp với đối tác đầu tư Nhật Bản:

Thứ nhất, nên hướng hoạt động thu hút đầu tư vào các dự án như công nghệ cao, sản xuất thiết bị, vật liệu và linh kiện đầu vào cho hoạt động lắp ráp, vận tải quốc tế. Bởi đây là thế mạnh của doanh nghiệp Nhật Bản và cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Thu hút các doanh nghiệp này trước mắt sẽ giúp nâng tầm ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành lắp ráp. Doanh nghiệp nội địa có thể làm nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp Nhật Bản và về dài hạn có thể học hỏi và nhận chuyển giao kỹ thuật cũng như công nghệ từ các công ty này.

Thứ hai, khu công nghiệp cần có diện tích đủ rộng hoặc nằm gần nhau để người lao động có thể di chuyển qua lại dễ dàng. Khác với các công ty châu Âu hay Mỹ (thường buôn bán theo dạng thị trường tự do), do đặc điểm văn hóa cũng như đặc điểm của ngành điện tử và sản xuất, các công ty Nhật Bản thường làm việc theo các hệ sinh thái và mạng lưới riêng. Vì vậy, khu công nghiệp có diện tích đủ rộng sẽ giúp bố trí các công ty Nhật vào cùng một hệ sinh thái, đồng thời bố trí nhà cung cấp Việt Nam vào chung hệ sinh thái đó để tận dụng cơ hội hợp tác và học hỏi.

Thứ ba, cần phát triển dịch vụ hậu cần tốt. Do người Nhật thường ra ngoài tổ chức các bữa tiệc để thảo luận về công việc; doanh nhân sẽ mang cả gia đình theo cùng làm việc nên cần có dịch vụ vui chơi, giải trí cho gia đình. Bên cạnh đó, đặc tính này của người Nhật cũng tạo nhu cầu cho sự phát triển của hệ thống trường học, giải trí, bất động sản...

Thứ tư, các công ty vệ tinh Việt Nam (hay các nhà cung cấp, nhà thầu phụ trong nước) cần được chuẩn bị để có thể thực hành các giải pháp quản lý chất lượng cũng như đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước cũng nên áp dụng công nghệ để giảm giá thành nhằm có giá chào hàng cạnh tranh.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cũng cần sẵn sàng cho hợp đồng lớn nhưng phải đảm bảo chất lượng hàng hóa đầu ra ổn định. Việc đảm bảo thực hiện các hợp đồng lớn cũng là cơ sở để doanh nghiệp đạt được lợi thế kinh tế nhờ quy mô và giảm giá chào hàng. Doanh nghiệp có thể tập hợp nhiều nhà sản xuất (khách hàng) cùng ngành lại để có đơn hàng lớn tập trung vào một hệ sinh thái.

Thứ năm, cần chuẩn bị chỗ ở gần nơi làm việc cho lực lượng lao động để họ có thể làm việc dài hạn và tăng ca thường xuyên. Không riêng gì các công ty Nhật Bản, các nhà đầu tư lớn, đặc biệt các công ty hàng tiêu dùng toàn cầu, thường đưa ra yêu cầu cao về điều kiện lao động. Bởi đây là tiêu chí để thâm nhập một số thị trường sản phẩm cao cấp như châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản...

Thứ sáu, hệ thống các công ty sản xuất có thể rất dày đặc, đòi hỏi khâu quy hoạch và hạ tầng phải được thực hiện tốt. Nếu quy hoạch đồng bộ, chặt chẽ và dựa trên kế hoạch kinh tế/dự báo thì hệ thống hàng ngàn nhà máy vẫn có thể được quản lý tốt. Lấy ví dụ về hệ thống tàu điện của Tokyo, vốn dày đặc nhưng do được quy hoạch và tổ chức tốt nên luôn đúng giờ. Để có thể đạt được một hế thống hoàn hảo như vậy đòi hỏi một nguồn vốn lớn, nhưng quan trọng hơn là khả năng dự báo nhu cầu chính xác, sự điều phối, kết hợp và tổ chức các ngành nghề lại với nhau. Công việc này có thể được thực hiện tốt hơn với sự có mặt của công nghệ quản lý và tổ chức.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của thu hút FDI (ngoài mục tiêu giải quyết công ăn việc làm và thu thuế) là học hỏi, chuyển giao công nghệ cho công ty nội địa, tạo ra mạng lưới đan xen cho cả công ty nội địa và FDI cùng làm ăn trong một hệ sinh thái, và cao hơn nữa là giúp công ty nội địa có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đây được xem là mục tiêu khó nhất và cao nhất nhưng lại có giá trị lâu dài nhất.

Để đạt được mục tiêu này, ngoài các đề xuất như trên thì cũng cần tạo động lực và trợ lực khác cho cả công ty FDI để họ sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ cho công ty nội địa và công ty nội địa cũng sẵn sàng đầu tư để nâng cấp và tham gia vào mạng lưới của các công ty nước ngoài.

Một vài đề xuất là có thể thành lập và điều phối các Trung tâm kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học và doanh nghiệp; phát triển các cụm và tổ hợp công nghiệp liên quan; bảo vệ quyền sở hữu công nghệ cho các công ty phát triển nguồn…

Nguồn: Kinh tế và Đô thị