Tin tức

Muốn tận dụng EVFTA, không thể bỏ qua Chương 13

17/08/2020    601

Khi đề cập đến yêu cầu để có thể tiếp cận những ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến vấn đề xuất xứ. Nhưng nếu chỉ đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ mà bỏ qua các tiêu chuẩn về phát triển bền vững thì cũng không dễ đưa được hàng vào châu Âu.

Ông Nguyễn Ánh Dương (Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM))

Chương Thương mại và Phát triển bền vững (Chương 13) trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) gồm 17 điều với các nội dung chính gồm: đa dạng sinh học; biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên rừng và thương mại lâm sản; quản lý bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển và sản phẩm nuôi trồng thủy sản; lao động và minh bạch hóa. Cam kết phát triển bền vững, trong đó quyền của người lao động và môi trường là hai nội dung chính giúp đảm bảo bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tham gia cho tất cả các bên cũng như trong cả chuỗi cung ứng.

Với các doanh nghiệp, dù đã xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) hay mới đang tìm hiểu thị trường này, EVFTA là một thời cơ quan trọng để định vị lại chiến lược kinh doanh cũng như xác lập hình ảnh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhằm khai thác một thị trường khó tính như EU.

Rõ ràng là nội dung trong Chương 13 còn khá “mới mẻ” với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nên doanh nghiệp cần có một tâm thế thực sự chủ động. Doanh nghiệp có thể rút ra bài học này từ những người đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang châu Âu. Vì đã quen với các yêu cầu của thị trường này mà họ đã chủ động chuẩn bị sớm, nhanh chân hơn khi EVFTA có hiệu lực, và có nhiều cơ hội để mở rộng thị phần ở thị trường này.

Chủ động tìm hiểu chi tiết về nội dung chương 13 của EVFTA và yêu cầu thực thi là rất cần thiết. Hiệp hội các ngành nghề có thể có thêm kênh để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả có thể giảm bớt nếu doanh nghiệp thiếu chủ động.

Tôi cũng không loại trừ việc các quốc gia thành viên EU có thể bổ sung/điều chỉnh các quy định liên quan đến phát triển bền vững trong tương lai. Về nguyên tắc, họ sẽ gửi nội dung dự thảo cho phía Việt Nam, nhưng Chính phủ, bộ, ngành chỉ có thể đảm nhận việc tổng hợp và truyền đạt thông tin, còn việc chủ động tham gia góp ý phải là của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không chủ động góp ý ngay từ giai đoạn dự thảo, tổn thất có thể lớn hơn khi văn bản của EU được ban hành và có hiệu lực. 

Yếu tố thứ hai mà doanh nghiệp cần có là sự kiên nhẫn. Chi phí (thời gian, tiền bạc) để đáp ứng được các tiêu chuẩn về quyền của người lao động hay môi trường không hề nhỏ. Chẳng hạn, ở ngành gỗ, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào EU phải có xác minh và chứng nhận độc lập từ một bên thứ ba nhằm đảm bảo sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo vệ môi trường và đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đáp ứng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) chính là một hướng đi cần thiết cho doanh nghiệp.

Tương tự, đối với các ngành da giày, may mặc, đầu tư vào công nghiệp thượng nguồn để bảo đảm đáp ứng quy tắc xuất xứ có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng cần bảo đảm công nghệ sản xuất phải thân thiện với môi trường. Nếu thiếu những bước đi bài bản trên cơ sở nhất quán, kiên nhẫn đầu tư, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Doanh nghiệp cần nhận thức rằng, đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững làm tăng thêm chi phí sản xuất, nhưng cũng có thể giúp chuyển lên một phân khúc giá cao hơn. Đối với người tiêu dùng tương đối “khó tính” ở EU, giá bán thấp không phải là yếu tố duy nhất để chọn mua sản phẩm. Họ sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn, nếu sản phẩm bảo đảm sự thân thiện với môi trường, trải qua quá trình sản xuất với những tiêu chuẩn lao động văn minh…

Đến đây, có doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi, vậy có nguồn lực nào hỗ trợ doanh nghiệp nếu muốn bước vào sân chơi EVFTA? Cần lưu ý, EVFTA có Chương Hợp tác và nâng cao năng lực, là cơ sở để phía EU hỗ trợ kỹ thuật cho các đề xuất phù hợp của các cơ quan Việt Nam. Chính ở đây, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tham vấn, kiến nghị với các Bộ, ngành và hiệp hội để lồng ghép các nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong các đề xuất gửi phía EU.

Bà Đỗ Quỳnh Chi (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động)

Để khai thác những lợi ích từ EVFTA, các doanh nghiệp phải đảm bảo quyền của người lao động không chỉ dựa trên pháp luật Việt Nam, mà còn theo tiêu chuẩn quốc tế mà hiệp định đã đưa ra. Những doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng sang thị trường EU thường đã chuẩn bị kỹ và thực hiện rất tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR). Bởi lẽ, đây là yếu tố then chốt, nếu không đảm bảo được, doanh nghiệp đã không thể thâm nhập được vào thị trường khắt khe này.

Nhưng với những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm, có thể đây sẽ là một thách thức lớn, đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có nhiều thay đổi trong tư duy quản lý. Một trong những điều kiện tiên quyết là đảm bảo quyền đối thoại cho người lao động. Công đoàn cấp cơ sở phải do chính người lao động bầu lên, người đứng đầu không được phép là quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Người lao động phải được tham vấn ở các vấn đề, chính sách liên quan đến họ.

Nói cách khác, doanh nghiệp không được phớt lờ hay bỏ qua tiếng nói của người lao động.

Nhìn rộng ra, tôi cho rằng, việc tạo không gian cho người lao động lên tiếng mang lại nhiều kết quả hơn chứ không chỉ dừng lại là giúp doanh nghiệp đáp ứng được chuẩn của EVFTA. Trong quá trình đi thực tế, tôi chứng kiến nhiều doanh nghiệp làm công tác đối thoại với công nhân vô cùng hiệu quả. Quản lý, thậm chí cả giám đốc, gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với công nhân hằng tuần. Nhiều lãnh đạo cho hay, đó là cách họ giữ người, kết nối người lao động gắn bó lâu dài với công ty, qua đó ổn định nhân sự và giúp công ty phát triển bền vững hơn.

Một yếu tố khác mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi nhằm đảm bảo quyền của người lao động là cơ sở hạ tầng nhà vệ sinh. Nhiều doanh nghiệp làm công tác CSR khá tốt, có công đoàn cơ sở hoạt động độc lập bảo vệ tiếng nói của công nhân, thế nhưng điều kiện, chất lượng của không gian nhà vệ sinh thì lại rất tệ. Có công nhân kể với tôi rằng, đồng nghiệp của họ đang mang thai bị trượt té do nhà vệ sinh thiết kế theo kiểu ngồi xổm. Nhiều công nhân nữ phàn nàn, nhà vệ sinh ở nhà máy thiếu nước rửa tay, thiếu vòi xịt, giấy vệ sinh. Chủ tịch công đoàn là nam không hiểu tâm lý và nhu cầu của phụ nữ. Công nhân nữ thì có tâm lý ngại nói chuyện này với người khác giới. Vậy là cái nhà vệ sinh bất tiện kia cứ tồn tại năm này qua năm khác.

Trước khi Việt Nam và EU ký EVFTA, nhiều doanh nghiệp trong nước đã có những nỗ lực lớn nhằm đảm bảo quyền của người lao động, nhưng cần nhớ nỗ lực đó phải được dựa trên nhu cầu thật sự của người lao động, nếu doanh nghiệp chỉ cố gắng theo cách của mình mà bỏ qua các khâu tham vấn ý kiến thì khó đạt hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Trưởng Ban thuộc Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI))

Môi trường là chủ đề được nhắc đến khá nhiều khi nói về EVFTA. Trong Chương Phát triển bền vững, nếu xét về số lượng thì đây là nhóm cam kết lớn nhất. Tuy nhiên, từ góc độ nội dung, đây lại không phải nhóm cam kết thách thức hay khó khăn nhất.

Thứ nhất, EVFTA không đặt ra tiêu chuẩn môi trường nào mới, cũng không yêu cầu Việt Nam phải tham gia thêm các Công ước nào về môi trường. Vì vậy, với các doanh nghiệp đang tuân thủ tốt các quy định hiện hành về môi trường thì có thể yên tâm là EVFTA không làm khó gì thêm cả.

Thứ hai, về một số vấn đề môi trường cụ thể như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, EVFTA đã có một số yêu cầu mới. Ví dụ: Việt Nam phải đối thoại và chia sẻ thông tin về thị trường carbon, tiết kiệm năng lượng, công nghệ khí thải hoặc phải có chính sách thúc đẩy các sản phẩm có lợi cho đa dạng sinh học, tiếp cận nguồn gen,… Tuy nhiên, đây là các vấn đề thuộc trách nhiệm của Nhà nước, không phải nghĩa vụ trực tiếp của doanh nghiệp, vì thế tôi cho rằng, doanh nghiệp cũng không cần quá lo lắng.

Thứ ba, cũng cần phải thừa nhận rằng có những vấn đề trong EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, ngành nghế phải nỗ lực rất nhiều mới có thể bảo đảm thực thi. Ví dụ, ở ngành đánh bắt cá thì phải tuân thủ theo luật IUU (các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý) do Uỷ ban châu Âu ban hành. Hoặc ngành gỗ thì phải bảo đảm thương mại và tiêu dùng gỗ hợp pháp theo quy định FLEGT (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản). Nhưng đây là những đòi hỏi lâu nay của EU, EVFTA chỉ nhấn mạnh mà không đặt thêm yêu cầu nào mới.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là doanh nghiệp không cần chú ý đến nhóm cam kết về môi trường. EVFTA có một số nguyên tắc ràng buộc về xu hướng, như không được giảm các tiêu chuẩn môi trường, không được miễn trừ các nghĩa vụ về môi trường vì mục tiêu thương mại… Nói cách khác, doanh nghiệp chúng ta cần sẵn sàng cho một tương lai mà ở đó các tiêu chuẩn môi trường càng lúc càng chặt chẽ hơn hoặc ít nhất sẽ không được hạ thấp hay được sử dụng để bảo hộ. Ngoài ra, với các điều khoản của EVFTA, việc giám sát thực thi sẽ chặt chẽ hơn, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp vì vậy có thể sẽ cao hơn.

Thách thức từ các yêu cầu về môi trường là có, nhưng đa phần các mục tiêu này cũng là những điều mà doanh nghiệp đang và cần phải hướng đến. Nhìn xa hơn, nếu làm tốt vấn đề này với EU, hàng hóa của chúng ta chắc chắn có thể tự tin đi vào bất kỳ thị trường khó tính nào.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn