Tin tức

Vai trò của ngành hải quan trong thực thi EVFTA

17/08/2020    702

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Trong triển khai EVFTA, từ góc độ nội luật hóa chính sách thuế và các cách thức kiểm soát hải quan, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đóng vai trò rất quan trọng

Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

* PV:  Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng để cụ thể hóa các cam kết EVFTA. Dự thảo nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu và xuất khẩu ưu đãi đặc biệt đang được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Bà có nhận xét gì về nỗ lực của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc thực hiện các cam kết EVFTA?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Chúng ta đều biết rằng EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) nhận được rất nhiều kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), đặc biệt là từ góc độ xuất nhập khẩu hàng hóa. Từ góc độ này, nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện EVFTA là một trong những văn bản quan trọng nhất, cần ban hành càng sớm càng tốt.

Theo quan sát của chúng tôi thì với EVFTA, Bộ Tài chính đã thể hiện sự sẵn sàng cao hơn nhiều so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước đây. 

Với CPTPP, nghị định về Biểu thuế ưu đãi đặc biệt dù đã được soạn thảo gấp rút nhưng vẫn mất tới 7 tháng và khi ban hành cũng là bị chậm so với yêu cầu tầm 5 tháng.  

Nhưng với EVFTA, chỉ sau chưa đầy 2 tháng kể từ khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định, dự thảo nghị định đã sẵn sàng. Theo tôi hiểu thì hiện chỉ còn chờ thủ tục kỹ thuật để được Chính phủ ban hành. 

* PV: Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và xuất khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2020 – 2022 sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của cộng đồng DN. Với tư cách cơ quan đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà cho biết nhận xét của mình về những điểm cần lưu ý đối với cơ quan hải quan và DN, để đảm bảo tận dụng được ưu đãi từ EVFTA?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo EVFTA là căn cứ pháp lý cơ bản và quan trọng để các DN xuất nhập khẩu được hưởng các ưu đãi thuế quan mà Việt Nam cam kết trong EVFTA.

Tuy nhiên, công tác tổ chức triển khai trên thực tế của ngành Hải quan cũng như việc tận dụng các ưu đãi này của DN mới là yếu tố quyết định hiệu quả thực sự của ưu đãi thuế quan theo nghị định này.

Tôi được biết, ngành Hải quan đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai công tác thông quan và cho hưởng ưu đãi thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo EVFTA. Kể cả khi nghị định nói trên ban hành trễ hơn, hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện ưu đãi vẫn có thể được thực hiện các thủ tục hồi tố để hưởng ưu đãi từ 1/8/2020. Điều này giúp các DN yên tâm hơn.

Tuy nhiên tôi cũng muốn nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả ưu đãi thuế theo EVFTA, rất cần một tâm thế và cách thức xử lý linh hoạt, tất nhiên phải bảo đảm đúng pháp luật, của cơ quan tổ chức thực thi, trong đó quan trọng nhất là cơ quan hải quan

Từ góc độ DN, tôi mong các DN của chúng ta chủ động hơn trong tìm hiểu các cơ hội thuế quan ưu đãi đặc biệt từ EVFTA và thực hiện các chuẩn bị cần thiết để đáp ứng các điều kiện hưởng các ưu đãi này. 

* PV: Tại một số diễn đàn, bà có đề cập đến việc đồng thời với tạo thuận lợi thương mại, cơ quan hải quan cần chú trọng chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Xin bà cho biết cụ thể hơn về ý kiến này?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Thực tế là ở đâu có ưu đãi thì ở đó có nguy cơ gian lận. Với EVFTA cũng vậy, ưu đãi thuế quan ở cả đầu Việt Nam và EU sẽ làm phát sinh nguy cơ gian lận của các hàng hóa không đủ điều kiện hưởng thuế quan nhưng vẫn muốn hưởng. 

Trên bình diện chung, hàng gian lận để hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ khiến ngân sách nhà nước thất thu, còn DN trong nước thì phải chịu cạnh tranh không công bằng với hàng nhập khẩu gian lận. 

Về phía hàng gian lận để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU thì trước hết là ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong các trường hợp cụ thể, thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn, khi hàng hóa xuất khẩu của ta bị vạ lây do các biện pháp trừng phạt của phía EU (ví dụ nếu hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam vi phạm các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh dịch tễ… khiến tất cả các hàng hóa Việt Nam thật cũng phải chịu kiểm tra tần suất cao hơn, thậm chí có thể bị cấm nhập khẩu). Ngoài ra, một số sản phẩm của Việt Nam (ví dụ như gạo) chỉ được hưởng ưu đãi thuế theo hạn ngạch, mà hạn ngạch lại được EU cấp theo cơ chế “ai đến trước hưởng trước”, hàng gian lận xuất xứ Việt Nam vào EU trước sẽ làm hàng Việt Nam mất cơ hội ưu đãi.

Do đó, chống gian lận là công tác quan trọng, không chỉ với hàng nhập khẩu mà cả với hàng xuất khẩu trong thực thi EVFTA. Trong công cuộc này, cơ quan hải quan với tính chất là cơ quan gác cửa về thương mại ở biên giới, kiểm soát hàng hóa ra vào, vận chuyển quá cảnh, tạm nhập tái xuất… đóng vai trò cốt lõi. Hơn nữa, trong khi bảo đảm mục tiêu chống gian lận, chúng ta vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp, để không biến các công cụ phòng gian thành rào cản làm khó người ngay. Đây là thách thức lớn nhưng không thể không làm.

* PV: Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Thời báo Tài chính Viêt Nam