Tin tức

Căng thẳng Ấn - Trung và “vạ lây” ASEAN

10/08/2020    105

Ấn Độ đang nghiên cứu một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn các đối tác thương mại, chủ yếu ở Đông Nam Á, trong bối cảnh xung đột Trung- Ấn leo thang.

Ấn Độ đang phàn nàn về tình trạng thâm hụt thương mại gia tăng với ASEAN, trong đó nhiều hàng hóa được xem có nguồn gốc Trung Quốc trung chuyển sang Ấn Độ.

Làn sóng “bài Trung”

Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ đang hoàn thiện các quy tắc nghiêm ngặt hơn với ít nhất 370 loại hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hóa chất, thép, thiết bị điện tử dân dụng,… Bên cạnh đó, việc tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm như nội thất, máy nén điều hòa và linh kiện ôtô cũng đang diễn ra.

Việc cấm 59 ứng dụng từ Trung Quốc là đòn đáp trả trực diện. Song, con đường đi của hàng hóa Trung Quốc còn qua các điểm “trung chuyển”, tại đây nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được tẩy sạch rồi tái xuất vào Ấn Độ.

Vậy nên, Ấn Độ lên kế hoạch ngưng nhập khẩu hàng Trung Quốc từ nước thứ ba. Dĩ nhiên, ASEAN là mục tiêu được nhắm đến đầu tiên vì Ấn Độ và khối này đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do, thông qua FTA này, mức thuế quan rất thấp.

Ấn Độ ghi nhận khối lượng lớn hàng nhập khẩu đang nhận được ưu đãi của FTA Ấn Độ - ASEAN và FTA Ấn Độ- Singapore. Nhiều sản phẩm này có liên quan tới việc thay đổi nhãn hàng rồi tái xuất khẩu vào Ấn Độ.

Việt Nam nên cẩn trọng

Hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam xuất sang Mỹ đã diễn ra, có tới 19 mặt hàng trong diện nghi vấn, có hiện tượng một vài doanh nghiệp tăng nhập khẩu vào Mỹ bất thường. Trong đó có cả những vụ việc chưa có tiền lệ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thái độ thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.

Với Ấn Độ cũng không ngoại lệ, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ASEAN vào Ấn Độ tăng mạnh, Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng 42,2%, lên 7,2 tỷ USD. Các mặt hàng mà Ấn Độ nghi ngại là linh kiện điện tử, hàng hóa trung gian và nguyên liệu của nhiều ngành công nghiệp.

Đáng nói, FTA mà Ấn Độ ký với ASEAN là “kiểu cũ”, tức là chưa quy định nghiêm ngặt về nguyên liệu, xuất xứ… Phòng Thương mại Ấn Độ cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc đặt cơ sở sản xuất tại các nước Đông Nam Á để tận dụng lợi thế của các FTA giữa Ấn Độ và ASEAN. Rất có thể, Ấn Độ sẽ xem xét để nâng cấp FTA này theo chiều hướng chặt chẽ hơn.

Ấn Độ là thị trường xuất khẩu ổn định của Việt Nam. Một khi Ấn Độ dựng hàng rào kỹ thuật, sẽ khó khăn cho xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường thu hẹp, tiêu chuẩn chất lượng là điểm yếu của hàng Việt Nam.

Để tránh vạ lây, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát hàng hóa nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là quy trình tạm nhập tái xuất; đồng thời đưa hàng Việt Nam vào khuôn khổ quy chuẩn “made in Vietnam” để nhận diện.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp