Tin tức

PGS. TS Trần Đình Thiên: Phải cứu doanh nghiệp giúp nền kinh tế đứng dậy được chứ không phải để tất cả cùng thoi thóp!

06/08/2020    530

Trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá: Nếu cứu toàn doanh nghiệp cũ và yếu thì nền kinh tế trở về “bình thường cũ”. Mà nền kinh tế “bình thường cũ” thì chắc chắn là yếu hơn trong giai đoạn mới!

Ông nhận định ra sao về mức tăng trưởng 0,36% trong quý 2?

Tất nhiên, có thể đánh giá mức tăng trưởng dương này dù nhỏ, dù là rất thấp trong vòng 10 năm qua của Việt Nam, nhưng so với thế giới là tích cực. Nếu so sánh tuyệt đối thì Việt Nam làm tương đối tốt.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn khi đánh giá tình hình là xu hướng. Có thể thấy xu hướng là sụt giảm mạnh. Cả năm 2019 là hơn 7% trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm mạnh. Nhưng Quý 1 năm nay đã tụt xuống 3,8%, và đến Quý 2 thì chỉ còn 0,36%. Đặc biệt có 12 tỉnh thành tăng trưởng âm rất nặng như Quảng Nam, Khánh Hòa, âm tới 11-12%. Trước đó, năm ngoái, họ đang tăng trưởng dương 5-7%. Như thế mới thấy rõ thực sự mức âm này quá nặng.

Cho nên tôi nói xu hướng đi xuống mới là cái đáng lo. Mình cao hơn người ta nhưng mình đang đi xuống.

Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng dương 7,08%, 6 tháng đầu năm nay tụt xuống chỉ còn 1,18%. Như vậy, ta đã giảm mất gần 6%. Thế giới cơ bản cũng giảm ở mức như vậy.

Với đánh giá về xu hướng, nền kinh tế Việt Nam mặc dù có lợi thế là trụ được, bắt đầu đứng dậy được khi "thoát" Covid-19 sớm hơn, nhưng hãy còn yếu lắm. Tôi cũng xin lưu ý: từ "thoát" phải để trong ngoặc, nghĩa là rất có điều kiện, vẫn còn nguy cơ.

Phải hiểu tương quan như vậy để nhận diện đúng thực trạng. Nếu chỉ nhìn thấy ta dương, thế giới họ âm cả, mà không biết được mức độ "bổ nhào" của ta thế nào thì không ổn.

Ngoài vấn đề xu hướng đi xuống, ông còn có nhận xét gì khác?

Chúng ta có hai vấn đề cần nhận diện cho đúng. Thứ nhất là khu vực doanh nghiệp bản địa về thực lực còn rất yếu. Yếu lắm. Thứ hai, độ lệ thuộc của chúng ta vào thị trường thế giới, đặc biệt vào một số thị trường nước ngoài, lớn hơn rất nhiều nước khác. Mà nguyên nhân trực tiếp của suy giảm tăng trưởng là đứt chuỗi, đứt mạch cung ứng, sản xuất toàn cầu, trong khi Covid-19 là tác nhân. Nếu Covid-19 ở Việt Nam chống xong rồi mà vẫn thế giới đứt chuỗi thì có nghĩa là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đứng trước nguy cơ lớn, thậm chí tai họa.

Vì thế, chúng ta tuyệt đối chưa thể lạc quan được. Chính phủ đã nhận thức đúng tình thế này.

Với tình hình như vậy, tăng trưởng quý 3 và quý 4 ông dự báo có thể sẽ diễn biến thế nào?

Tôi cho rằng giờ nói gì cũng mạo hiểm, vì tính bất thường ở thời điểm hiện tại. Ví dụ như Trung Quốc, lũ lụt ghê gớm đang hoành hoành, sẽ tác động đến chúng ta như thế nào cũng chưa biết được.

Nhưng như tôi đã từng nói trước Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia: Giai đoạn khó khăn, tồi tệ nhất của nền kinh tế vẫn chưa xảy ra, bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt và chưa biết đến bao giờ mới có thể phục hồi. Khi chuỗi cung ứng chưa được nối lại được thì doanh nghiệp Việt vẫn gặp khó khăn, có thể sẽ yếu hơn.

Nói vậy không phải để bi quan, mà là để có giải pháp chính sách tích cực cho việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên. Nếu không có thuốc đúng liều, đúng lúc thì hiệu quả thấp và hậu quả còn nặng hơn.

Nền kinh tế gặp khó khăn lớn vì Covid-19, rất nhiều người trông chờ vào các biện pháp giải cứu của Nhà nước. Nhưng trong điều kiện ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng nặng nề, làm sao có thể phân bổ các gói giải cứu cho phù hợp và hiệu quả?

Xu hướng chung hiện nay là trông chờ vào ngân sách. Nhưng năng lực chống chịu của nền kinh tế không thể chỉ trông cậy vào ngân sách Nhà nước. Bản thân ngân sách cũng đang gặp khó khăn. Từ lúc có câu chuyện không được uống rượu bia khi lái xe, ngân sách đã giảm hàng chục nghìn tỷ chứ không ít.

Lại còn logic dây chuyền về sức chống chịu: Doanh nghiệp càng yếu thì sức chống chịu ngân sách càng yếu. Ngân sách muốn mạnh phải đi vay, nhưng vay tràn lan thế nào được. Doanh nghiệp yếu, thu nhập của người lao động cũng giảm đi chứ. Như vậy, cả ba tuyến chống chịu là ngân sách, doanh nghiệp và người lao động đều yếu cả. Vậy chữa thế nào?

Tình hình hiện giờ có thể mô phỏng thế này: Trong nhà có 10 người con mà cả nhà đều bị ốm và chỉ còn 1 thùng gạo. Phát đều cho cả 10 người ăn thì có thể 10 người đều sống cả nhưng chỉ đủ cầm hơi. Vấn đề là dù sống cả, nhưng liệu trong nhà có ai đủ sức đứng dậy bảo vệ khi có kẻ bên ngoài xâm phạm?

Trong lúc cả nền kinh tế đang yếu, để đứng dậy được khi bão tố đi qua, theo tôi, tuyệt nhiên không nên theo đuổi chính sách như vậy. Khôn ngoan nhất để cứu cả gia đình 10 người con là ông bố phải tập trung cứu 2 đứa con khỏe nhất, để họ "ăn no", có sức đi làm, kiếm tiền "cứu" 3 người khác ít khoẻ hơn. Sau đó, cả 5 người khỏe này lại kiếm tiền cứu tiếp những người còn lại. Như vậy may ra gia đình còn trụ được trước khi thùng gạo hết.

Chia đều thùng gạo, ai cũng được ăn, đều sống nhưng thoi thóp, đến lúc mở cửa là không ai đứng dậy được. Đây không phải câu chuyện đủ sống mà là câu chuyện sự tồn tại lâu dài của cả gia đình, của cả nền kinh tế trong cơn bão. Khi thế giới mở cửa trở lại "hậu Covid", nền kinh tế Việt Nam phải đứng dậy, hội nhập, cạnh tranh chứ không phải là tất cả còn sống nhưng đều "nằm bẹp".

Ở nước ngoài, trong câu chuyện 10 người đó, theo logic thị trường, họ sẵn sàng dồn sức để cứu 5-7 người khi nguồn lực không đủ, giúp những người này đứng dậy được sau đại dịch. Họ sẽ khẳng định vị thế quốc gia sau dịch, mở rộng thị trường khi các đối thủ đang "nằm bẹp".

Việt Nam có cơ hội lớn khi chống dịch tốt, nhưng "hậu dịch" phải có cách tiếp cận cứu doanh nghiệp hiệu quả hơn, để cả nền kinh tế đứng dậy sớm và chớp thời cơ. Tôi sợ cách cứu thiếu tầm nhìn, cả 10 ông đều sống nhưng kết cục lại là Việt Nam không đứng dậy được (cười).

Có những yếu tố nhất định phải cứu. Đó là người dân. Nhưng bàn đến nền kinh tế, thì phải cứu doanh nghiệp nào giúp nền kinh tế đứng dậy được chứ không phải để tất cả cùng thoi thóp.

Ví dụ, cứu Vietnam Airlines không có nghĩa là cứu một mình họ. Cứu họ là để họ cứu người khác. Mục tiêu không chỉ là hàng không, mà là cứu hàng không để cứu du lịch, du lịch lại cứu nông dân, nông dân cứu xăng dầu, vì nông dân cần nhiều xăng dầu để chạy tàu đánh cá, để bơm nước…

Thế nào cũng chỉ cứu được một số người thôi, nhưng cứu ai để lan tỏa là cả một vấn đề: ưu tiên chính sách thế nào đây? Có những tiêu chuẩn để lựa chọn đối tượng cứu. Nhưng theo logic lan tỏa, lúc khó thì phải ưu tiên cứu người khỏe (có khả năng sống sót cao), có sức lan tỏa, phải cứu theo chuỗi, cứu những người có vai trò lan tỏa, tác động dẫn dắt trong nền kinh tế. Tất nhiên, sẽ có những người đáng được cứu nhưng bị bỏ sót. Đây là điều khó tránh, nhất là trong tình thế cấp bách và nguồn lực eo hẹp.

Về câu chuyện cứu Vietnam Airlines, có ý kiến cho rằng như vậy là thiên vị. Đánh giá của ông ra sao?

Nhà nước với tư cách là người tạo môi trường kinh doanh và có trách nhiệm với mọi doanh nghiệp, đã đưa ra hàng loạt giải pháp cho mọi doanh nghiệp như hoãn thuế, phí… Trong khung này, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân đều được hưởng như nhau.

Nhưng Nhà nước còn có vai trò chủ sở hữu của một số doanh nghiệp. Với tư cách là chủ - tôi phải cứu doanh nghiệp của tôi!

Nhà nước có hai chức năng – chức năng kiến tạo phát triển chung cho mọi thành phần, chủ thể - và chức năng sở hữu doanh nghiệp Nhà nước. Đây là hai tư cách khác nhau, không thể trộn lẫn. Nhà nước không thể bỏ mặc Vietjet, Bamboo vì họ rất quan trọng với nền kinh tế. Việc giảm phí cảng, thuế nhiên liệu, … các loại phí chung cho mọi doanh nghiệp hàng không Nhà nước phải lo cho mọi doanh nghiệp một cách bình đẳng.

Nhưng là chủ sở hữu, Nhà nước phải lo cho Vietnam Airlines. Chủ sở hữu Vietjet và Bamboo cũng phải lo như vậy cho hãng hàng không của họ.

Tuy nhiên, ở đây, cái mọi người lo ngại là Nhà nước mang ngân sách đi cứu "con mình" mà không giải trình rõ ràng trước bàn dân thiên hạ. Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia cho nên phải lấy tài sản quốc gia, vốn của Nhà nước ra để cứu và phải giải trình trên nguyên tắc thị trường. Trong tư thế này, càng được "ưu tiên cứu" thì Vietnam Airlines càng phải chịu những ràng buộc khắt khe.

Thực ra, ở đây thì không thể tị nạnh nhau được, vì tị nạnh cũng không giải quyết được vấn đề. Tình thế này giống như cứu người sắp chết đuối ấy: giữa mẹ và vợ đều đang đuối nước, anh con-chồng cứu ai đây? Câu trả lời đúng của anh ta là: "Cứu được ai thì tôi cứu người đấy chứ phân vân thì chết cả. Gần ai, cứu được ai thì cứu người ấy thôi" (cười).

Nhiều người sẽ kỳ vọng rất lớn vào các chính sách kích thích của Nhà nước và hy vọng điều này sẽ lan tỏa ra những lĩnh vực khác. Kỳ vọng đó có hợp lý hay không?

Tôi nghĩ là những giải pháp như miễn giảm hoãn thuế, phí, tiền thuê đất… sẽ giảm bớt áp lực đè lên doanh nghiệp lúc rất khó khăn này. Điều đó rất tốt. Hoặc việc ngân hàng giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng sẽ giúp doanh nghiệp "thoát hiểm". Nhưng đó là giải pháp cấp cứu, không phải là giải pháp phục hồi. Mà giải pháp cấp cứu thì bao giờ cũng chứa đựng rủi ro.

Ngân hàng phải cứu doanh nghiệp thì đúng rồi, nhưng nhiều doanh nghiệp vậy thì cứu thế nào? Phải chọn, khi chọn thì phải tính đến nguy cơ nợ xấu sinh ra. Lúc khó khăn, toàn những ông yếu kém vay tiền với điều kiện ưu đãi. Nguy cơ nợ xấu gia tăng rất lớn. Vay tiền để phục hồi, có phục hồi được không? Biết bao giờ phục hồi?

Thực tế là chưa biết bao giờ Covid-19 mới "lui binh" trên thế giới, nên ngân hàng có cho vay thì điều kiện cũng phải ngặt nghèo chứ không nợ xấu phát sinh và hậu quả sau này sẽ rất lớn. Nên khi nhìn nguồn "hỗ trợ tín dụng" 300 nghìn tỷ đồng của hệ thống ngân hàng là ràng buộc rất chặt chẽ chứ không "thả" ra dễ dàng đâu.

Có nghĩa là nguồn cứu trợ chính cho nền kinh tế lúc này phải là tăng cường đầu tư công. Đúng theo lý thuyết kinh tế học thôi. Nguồn lực này sẽ chảy vào nền kinh tế, thấm vào nền kinh tế thì các doanh nghiệp sẽ được "tiếp máu" và hưởng lợi. Đó là "máu" giúp doanh nghiệp hồi sinh.

Như thông báo của Chính phủ, khoản này lên tới gần 30 tỷ USD chứ không ít, tích mấy năm nay lại. Nếu tập trung giải ngân được thì nguồn lực được giải phóng vào nền kinh tế lên tới 600-700 nghìn tỷ đồng.

Bài toán khó là lâu nay nguồn vốn đầu tư công vẫn cứ bị "om" ở đó, không "chảy" được. Bây giờ phải làm sao giải tỏa được cái giống như cái ao tù này.

Trong số các rào cản với việc giải ngân đầu tư công nhanh có yếu tố "an toàn trước Đại hội" bởi việc dỡ bỏ các rào cản về chính sách cũng gây ra các rủi ro với người quyết định. Ông nghĩ gì về điều này?

Đây là tình thế đặc biệt nên Thủ tướng và Chính phủ ý thức rất rõ. Tình thế đặc biệt thì phải có giải pháp khác thường. Nếu cứ tuân theo logic bình thường thì sẽ ách tắc. Mà Thủ tướng đã nói rồi: "Ách tắc do ta là chính, chủ quan là chính. Ông nọ giằng ông kia, thủ tục nhiều quá". Mỗi ông "ngâm tôm" thêm một tuần, mà "ngâm tôm" có động cơ của nó. Khó dễ là có lý do cả. Điều đó làm cho dòng vốn tắc nghẽn, ùn ứ lại và càng ngày càng chậm.

Giờ không thể theo cái logic thông thường ấy nữa, mà phải có giải pháp "đột phá", khác thường. Phải chấp nhận cho đi tắt để vốn thông vào nền kinh tế. Trong quá trình thông đó, yêu cầu là không được để vốn "thất thoát" ra ngoài, "dính vào" những người chịu trách nhiệm thực thi.

Nhưng cũng phải thấy rằng, khả năng vốn "bắn tung tóe" là có, khả năng "dính" mật mỡ tung tóe là khó tránh. Khó có chuyện vốn đầu tư công chảy vào nền kinh tế một cách nhẹ nhàng, nhất là trong hoàn cảnh bất thường, cấp bách. Đó là điều phải tính đến để nghiên cứu ra cách giúp dòng vốn thông suốt nhưng không phải "bắt tội" những người thực hành bị "dính" mật mỡ bắn vào. Nếu không tính đến điều này, khó có ai dám làm. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận "vượt luật" để vượt "bơm máu" cho nền kinh tế.

Lúc khó thì mới đòi hỏi phải có phẩm chất, năng lực và cách làm khác thường. Tính toàn quyền của Chính phủ phải cao hơn.

Còn chuyện "an toàn trước Đại hội" thì xưa nay vẫn thế. Lâu nay chúng ta vẫn sử dụng "cơ chế thăng tiến" mà tiêu chuẩn chính (để lên chức) là không mắc khuyết điểm. Ông có lập bao nhiêu công lao cũng không quan trọng bằng không mắc khuyết điểm. Mà người có năng lực thì dễ "phá cách", làm khác, muốn đổi mới. Như vậy thì rất dễ "phạm". Khi đó, dù có nhiều thành tích thì vẫn khó để được bầu.

Giờ phải thay đổi, đánh giá bằng năng lực, bằng đóng góp cho đổi mới. Hệ thống khuyến khích đang đánh giá dựa trên mức độ phạm khuyết điểm, chứ không phải mức độ đóng góp cho đổi mới, cho phát triển quốc gia. Bây giờ chúng ta đang có cơ hội làm khác. Nguồn lực cứ bị trói như thế này thì không ổn.

Trước đây, nhiều người thường nói đến trạng thái "bình thường mới" của nền kinh tế với các chính sách cho doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy hồi phục tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Từ góc nhìn một người nghiên cứu chính sách, ông thấy "tình trạng bình thường mới" hiện nay ra sao?

Nếu nói thẳng thì nền kinh tế hiện nay chỉ muốn về trạng thái bình thường thôi đã mệt rồi. Muốn tạo ra "trạng thái bình thường mới" cho nền kinh tế thì không nên đi theo các logic cũ. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta tập trung cứu toàn các doanh nghiệp cũ và yếu thì nền kinh tế sẽ dần về trạng thái bình thường cũ. Nhưng như vậy thì rất tệ.

Còn muốn có bình thường mới thì cần dành một bộ phận đáng kể nguồn lực cho những doanh nghiệp hoàn toàn mới để tạo nền tảng cho một nền kinh tế mới, với những dòng máu mới và một cuộc chơi khác.

Đây là một cơ hội để thay đổi cấu trúc phát triển. Yêu cầu tăng tốc giải ngân đầu tư công đem đến cơ hội thay đổi thể chế để khơi thông nguồn lực trong nền kinh tế và thay cả người sử dụng nguồn lực ấy.

Theo ông, bây giờ là lúc nên mở thêm những điều gì về chính sách mà trước đây chúng ta còn ngần ngại chưa thực hiện?

Vấn đề vẫn là chuyện phân bổ nguồn lực thôi.

Nền kinh tế cũ của chúng ta chủ yếu vẫn là kinh tế vật thể, mà tôi gọi vui là "kinh tế ngô khoai sắn". Nếu vẫn giữ nguyên cấu trúc nguồn lực như vậy thì thị trường khó phát triển.

Chúng ta vẫn còn sợ tài sản nằm trong tay tư nhân. Thị trường lao động cũng không phát triển bình thường. Sự can thiệp của Nhà nước vào vấn đề vốn còn mạnh, đặc biệt là đất, nguồn lực có tính nền tảng. Đất đai với tư cách là một nguồn lực mà càng giữ chặt thì càng khó vận động và càng gặp nhiều rủi ro, bởi chưa được thị trường hóa.

Nguồn lực đất đai nếu thực sự được thị trường hóa sẽ tăng sức mạnh cho nền kinh tế khủng khiếp. Nhưng hiện nay, đó là yếu tố gây ra nhiều rủi ro. Bao nhiêu vụ kiện cáo, tù tội… đa phần là do đất đai hết cả. Gốc rễ ở đây: đất đai là nguồn lực thị trường nhưng lại chưa thực sự là thị trường nên phát sinh rủi ro.

Thứ hai là làm sao bớt được xin cho trong việc phân bổ nguồn lực. Trong đầu tư công là ta cứ cắt khúc, cấp theo từng dự án, theo từng năm, ngắn hạn. Nếu lúc nào cũng vác "giá" đi xin thì họ không chủ động chịu trách nhiệm về hoàn thành dự án. Đáng lẽ cam kết 3 năm phải xong nhưng không biết bao nhiêu năm mới xong bởi mỗi năm lên xin được một ít. Mà đã xin thì phải "cúng", "khấn"… nên nó giảm hiệu quả đi. Nên làm sao phải có cơ chế phân bổ nguồn lực đúng. Càng khan hiếm nguồn lực thì càng phải vận hành theo cơ chế thị trường.

Yếu tố thứ ba, yếu tố quyết định và quan trọng nhất chính là sáng tạo công nghệ, sở hữu trí tuệ. Chuyển sang thời đại công nghệ cao, công nghệ số rồi song nguồn lực công nghệ thông tin, nguồn lực trí tuệ, cơ chế vận hành cho nó là chưa có.

Ta có luật sở hữu trí tuệ nhưng chưa tương thích với yêu cầu của nền kinh tế dựa chủ yếu vào trí tuệ. Hệ thống luật pháp bây giờ cơ bản là áp dụng cho kinh tế vật thể chứ không phải cho kinh tế số, kinh tế tri thức.

Chưa có điều đó thì giống như kinh tế thị trường mà chưa có luật thị trường ấy, rất rủi ro. Chúng ta muốn phát triển kinh tế số thì điều cực kì quan trọng là phải có hệ thống cơ chế, thể chế tương thích. Đây là vấn đề thời đại chứ không phải là một luật, hai luật.

Để thúc đẩy phục hồi kinh tế 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ KHĐT nêu chủ trương cần "chống suy thoái như chống giặc" và đề xuất thành lập "Ban chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế". Ông thấy gì qua động thái này?

Xem mức độ gay gắt của Thủ tướng trong cuộc họp vừa rồi cho thấy thì tình hình vẫn chưa chuyển biến như mong đợi, nếu không muốn nói là còn rất trì trệ. Bởi vì vấn đề đó đã tồn đọng nhiều năm rồi, giờ chỉ hơi động đậy một tí thôi thì chưa giải quyết được vấn đề.

Chúng ta lập ra đội nọ, ban kia để thúc nhưng thực ra vai trò thì không có nhiều vì họ không đủ quyền. Tình thế phải đi với quyền để xử lý tình thế, thì quyền thường không đủ. Ban này về quyền lợi lại xung đột với bộ máy đang vận hành, nên phương pháp thành lập ban chỉ đạo là phương án sau cùng thôi.

Quan trọng là việc "trao kiếm lệnh" phải đúng. Hiện nay, theo tôi, Chính phủ đang là bộ máy hành động. Vì thế, phải trao "kiếm lệnh" cho người đứng đầu bộ máy đó – chính là Thủ tướng. Kiếm lệnh thì phải đi liền với trách nhiệm, với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ.

Mục tiêu tối cao là "giải nguy" nền kinh tế. Trong thời hạn nhất định là phải giải cứu được được đúng chỉ tiêu đã đề ra. Chỉ khi đó, tôi nghĩ nền kinh tế mới có cơ tận dụng được cơ hội. Và điều đó chứa đựng những gợi ý rất tốt để cải cách cơ chế hiện hành.

Nguồn: Cafef