Tin tức

Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với EVFTA

10/07/2020    312

Việc chủ động tiếp cận thị trường cũng như sẵn sàng đối phó với thách thức được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng được các lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mang lại. Tuy nhiên, sự chủ động này chỉ đang diễn ra đối với những doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn thụ động và chưa quan tâm nhiều.

Hiệp định EVFTA chính thức thực thi vào tháng tới được kỳ vọng sẽ mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác thị trường gần 500 triệu dân và GDP khoảng 18.000 tỉ đô la Mỹ này.

Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ

Ngay khi biết thông tin Quốc hội thông qua EVFTA, một nhà nhập khẩu ở châu Âu liền liên lạc với lãnh đạo một công ty sản xuất giày dép của Việt Nam, chia sẻ về kế hoạch sẽ gia tăng nhập khẩu sản phẩm của của công ty này để được hưởng thuế ưu đãi thay vì lâu nay nhập nhiều từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên khi được hỏi mức thuế sẽ được giảm như thế nào thì ông giám đốc công ty không nắm được. Vị giám đốc cho biết lâu nay sản phẩm giày dép của công ty xuất đi châu Âu các khoản thuế đều do nhà nhập khẩu lo, nên công ty không biết mức thuế áp như thế nào. Ông nói thêm rằng bản thân ông cũng chưa rõ sẽ phải điều chỉnh những nguyên phụ liệu nhập khẩu ra sao để phía đối tác có thể nhận được ưu đãi thuế theo quy định EVFTA.

Với EVFTA, EU cam kết loại bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép. Đáng chú ý, mức thuế cho giày thể thao, loại sản phẩm chiếm lượng lớn trong ngành giày xuất khẩu vào châu Âu sẽ được giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như sản phẩm giày da. Do đó, giới phân tích cho rằng cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, gia công giày dép xuất khẩu vào EU trong thời gian tới là khá lớn.

Trường hợp của công ty nói trên với gần 100 người lao động đang làm việc tại ba nhà máy ở TPHCM và tỉnh Trà Vinh - ít chú ý hoặc chưa quan tâm tìm hiểu về EVFTA - không phải là cá biệt. Tại các hội nghị gần đây, các chuyên gia cho rằng khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm doanh nghiệp chiếm đa số của thành phần kinh tế trong nước, còn rất thờ ơ dù EVFTA khi thực thi được đánh giá sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường gần 500 triệu dân có thu nhập cao này.

Tại buổi tọa đàm “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) và vai trò của truyền thông” vừa được tổ chức tại TPHCM vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết bộ này đã sớm thay đổi cách thức tuyên truyền so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Đơn cử, dù EVFTA chưa có hiệu lực, chưa được Quốc hội phê chuẩn, nhưng bộ đã xây dựng chương trình hành động và có các hoạt động tuyên truyền phổ biến rộng rãi. Mặt khác, Bộ Công Thương còn chủ động mời lãnh đạo các bộ ngành để cùng chủ trì các hội nghị phổ biến cho các doanh nghiệp, người dân và cho cả chính cán bộ của bộ ngành, cơ quan quản lý đó. Thế nhưng, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, vẫn xuất hiện nhiều thông tin trên báo chí, mạng xã hội, và trên các diễn đàn về việc có hơn 70%, thậm chí đến 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa không biết gì về các thông tin cơ bản trong hiệp định này.

Tương tự, cũng vào tuần trước, tại hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19?”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ lo ngại khi không còn bao lâu nữa EVFTA có hiệu lực nhưng cho đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp trong nước còn rất thờ ơ với hiệp định. Theo ông Khánh, đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang hoạt động theo kiểu ngồi chờ khách hàng đến mua, cũng như chờ hàng về để nhận nên không quan tâm đến thuế bên ngoài.

Trước đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, bản thân doanh nghiệp - đối tượng thụ hưởng các hiệp định - không nắm được thông tin. Điều này rất khó để các doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng.

Việc không tìm hiểu về EVFTA này, theo các chuyên gia, phần nào thể hiện năng lực doanh nghiệp còn yếu, tự nhận thấy bản thân khó có thể hội nhập ở một sân chơi lớn và khó tính như thị trường EU nên chấp nhận đứng ngoài cuộc chơi. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại.

Những thách thức phía trước

EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp được nhiều thuận lợi với khoảng 85% dòng thuế nhập khẩu, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực. Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), việc thâm nhập thành công thị trường EU đồng nghĩa với việc Việt Nam có cơ hội mở rộng quan hệ hợp tác cùng lúc 27 quốc gia thành viên, góp phần giải quyết bài toán đầu ra về mở rộng, đa dạng hóa thị trường, tránh bị lệ thuộc vào một số thị trường nhất định, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy vậy, theo ông Linh, việc tiếp cận thành công thị trường EU cũng không hề dễ dàng cho các doanh nghiệp. “Thực tế cho thấy EU là một thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về chất lượng và sự an toàn với người dùng, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với các mặt hàng nhập khẩu”, ông nói.

Ông Linh nhận xét, việc xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường cần có nguồn lực đầu tư trong khi các doanh nghiệp của Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoạt động xúc tiến thương mại chưa bài bản và thiếu đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tìm kiếm khách hàng, tiếp thị sản phẩm và thâm nhập thị trường. Hàng hóa Việt Nam hiện mới bước đầu vào được trực tiếp các hệ thống phân phối ở các nước nhập khẩu EU. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống tại thị trường này luôn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,...

Tương tự, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cũng cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm thế nào để đảm bảo hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn cao tại châu Âu.

Còn theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), yêu cầu về quy tắc xuất xứ là một trong những thách thức chính mà Việt Nam phải vượt qua. Ngay cả khi sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, các nhà nhập khẩu EU chưa chắc đã công nhận nguồn gốc đó vì sản phẩm của Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Do đó, WB kêu gọi cải thiện liên kết giữa các đơn vị cung ứng trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài là những công ty đầu đàn trong các chuỗi giá trị lớn trên toàn cầu.

Dù EVFTA được xem là mức cam kết cao nhất trong các FTA đã ký, song hiệp định không phải là “đũa thần” nếu doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ càng. “Khi đứng trước cơ hội lớn mà không hiểu rõ, không thực hiện các phân tích sâu để hiểu lợi ích quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, chúng ta sẽ có những lạc quan tếu và bỏ đi những lợi ích đáng lẽ có thể tận dụng được”, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nói về khả năng tận dụng cơ hội của EVFTA. 

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn