Tin tức

Thái Lan tiếp tục trì hoãn tham gia CPTPP

08/07/2020    192

Thái Lan vừa quyết định kéo dài thời gian nghiên cứu tác động của CPTPP thêm 60 ngày tới tháng 9/2020.

Ủy ban về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Hạ viện Thái Lan đưa ra quyết định này giữa lúc có lo ngại rằng việc tham gia CPTPP có thể làm tổn hại tới các khu vực nông nghiệp và y tế của Thái Lan.

Quyết định của ủy ban nói trên có nghĩa là Thái Lan có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội tham gia khối thương mại mới được thành lập này trong năm nay khi các nước thành viên CPTPP họp vào đầu tháng tới ở Mexico.

Tháng trước, Hạ viện Thái Lan đã thống nhất thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 49 thành viên từ nhiều đảng phái chính trị của Thái Lan để nghiên cứu về các chi phí và lợi ích của CPTPP. 

Theo kế hoạch ban đầu, Ủy ban này có 30 ngày để hoàn thành các nghiên cứu của mình với 3 tiểu ban được thành lập để nghiên cứu về những tác động của CPTPP trên các lĩnh vực như giống cây trồng, y tế công cộng và y học, thương mại và đầu tư. Hiện nay, ủy ban nói rằng họ cần thêm ít nhất 60 ngày nữa để nghiên cứu chi tiết về CPTPP.

Truyền thông sở tại cho biết trong vài tuần qua, Bộ Thương mại Thái Lan, với sự hậu thuẫn của Phó Thủ tướng Somkid Jatusripitak, đã thúc đẩy các nỗ lực nhằm đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành thành viên CPTPP. 

Bộ Thương mại liên tục cảnh báo rằng Thái Lan có thể để lỡ con tàu kinh tế nếu không nhanh chóng tham gia hiệp định. Một quan chức thương mại cao cấp đã nhận xét nếu Thái Lan không tham gia CPTPP, nước này sẽ đánh mất cơ hội và sẽ bị các nước láng giềng là thành viên CPTPP như Singapore và Việt Nam bỏ qua.

Tuy nhiên, liên quan đến tác động của TPTPP, cũng có dư luận cho rằng Thái Lan không nên vội vã gia nhập hiệp định này. Trên thực tế, lập trường “không vội” của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã làm giảm sức ép lên các bên liên quan.

Cuối tháng Tư vừa qua, Nội các Thái Lan thông báo chưa xem xét việc tham gia CPTPP, do vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit nói khi đó rằng do mâu thuẫn giữa các nhóm, Bộ Thương mại đã rút lại đề xuất xem xét tham gia CPTPP. 

Tuy nhiên sau đó, Nội các Thái Lan đã có cuộc thảo luận không chính thức về CPTPP bên lề phiên họp hôm 19/5.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã đề nghị ông Jurin trình bày những chi tiết về đề xuất CPTPP tại cuộc thảo luận không chính thức đó để mọi người hiểu rõ về đề xuất. Tiếp theo, Nội các Thái Lan cũng nhất trí thành lập ủy ban đặc biệt của Hạ viện để cân nhắc xem quốc gia Đông Nam Á này có nên tham gia CPTPP.

Các mạng lưới dân sự do FTA Watch và BioThai lãnh đạo đã thực hiện một loạt chiến dịch phản đối CPTPP, một hiệp định thương mại mà họ nói sẽ đặt khu vực nông nghiệp, các ngành dược phẩm và y tế vào thế bất lợi lớn. Lo ngại lớn nhất là những điều khoản bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV119). Những điều khoản này được cho là cấm nông dân thu hoạch và tái sử dụng những hạt giống có chứa những nguyên liệu thực vật có bằng sáng chế.

Tuy nhiên, Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan không đồng ý với cáo buộc đó, khẳng định rằng nông dân vẫn có quyền tích trữ hạt giống, nhưng chỉ được dùng cho các mục đích phi thương mại.

Những người phản đối cũng cảnh báo nếu Thái Lan tham gia CPTPP, các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng của nước này sẽ bị suy yếu, đặc biệt liên quan đến những sản phẩm tiềm ẩn rủi ro như thực phẩm biến đổi gen. Khi tham gia CPTPP, Thái Lan sẽ phải mở cửa cho những sản phẩm biến đối gen như đã được chỉ ra bởi những điều khoản về buôn bán các sản phẩm công nghệ sinh học hiện đại.

Hơn nữa, CPTPP đã gây ra sự chia rẽ giữa các cơ quan nhà nước. Trong khi Vụ Đàm phán Thương mại là bên ủng hộ chính, các quan chức tại Bộ Y tế đã phản đối động thái này. Đầu năm nay, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã nói rõ rằng ông và các quan chức Bộ Y tế phản đối hiệp định.
Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Auramon Supthaweethum hôm 2/7 cho biết, Thái Lan khó có thể gửi yêu cầu chính thức tham gia CPTPP trong năm nay do vẫn còn nhiều tranh cãi. Bộ Thương mại Thái Lan trước đây dự kiến có thể sẽ gửi yêu cầu chính thức tham gia trước khi cuộc họp của Hội đồng CPTPP diễn ra vào ngày 5/8, nếu chính phủ nước này chấp thuận đề xuất của Bộ Thương mại.

Bộ Thương mại Thái Lan từng cho biết kết quả nghiên cứu của cơ quan này cho thấy việc trở thành thành viên của CPTPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy mạnh đầu tư và xuất khẩu, hỗ trợ khắc phục những tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 thành viên khu vực vành đai Thái Bình Dương là Nhật Bản, Australia, Canada, New Zealand, Mexico, Singapore, Việt Nam, Chile, Peru, Brunei và Malaysia.

Nguồn: Báo Bnews