Tin tức

Doanh nghiệp dệt may tính chuyện đường dài

20/12/2010    59
Trước khi kết thúc năm 2010, các doanh nghiệp ngành dệt may đang phải tích cực đàm phán đơn hàng cho năm tới – trong điều kiện giá cả đầu vào vẫn là ẩn số. Ngành kinh tế mũi nhọn này đang đối diện với bài toán tìm hướng phát triển mới. 
Sự tăng tốc đến sớm
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tín hiệu tăng tốc sản xuất và xuất khẩu của ngành Dệt may Việt Nam đã được ghi nhận ngay trong những tháng đầu năm 2010 khi mà nền kinh tế của các thị trường nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đã bắt đầu hồi phục từ những tháng cuối năm 2009. 
Đơn hàng bắt đầu tràn ngập, nhập khẩu nguyên phụ liệu liên tục gia tăng, giá cả gia công và tiền lương của người lao động được cải thiện trong quý 1/2010 đã tạo không khí sản xuất hồ hởi trong hầu hết các doanh nghiệp. 
Với đà phát triển đó, Hiệp hội Dệt may dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2010 sẽ đạt trên 11 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước. Con số này càng ấn tượng khi vượt 5% so với chính kế hoạch 10,5 tỷ USD được đề ra ngay từ đầu năm, cho dù hầu hết các chuyên gia từng cho rằng, đây là “nhiệm vụ khó khả thi”.
Nhìn vào những con số ấn tượng trên, điều ông Ân tâm đắc chính là, những chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng đã được cải thiện rõ rệt. Ví dụ như, trong cả hai năm 2009 - 2010, tỷ lệ thặng dư ngoại tệ trong hàng xuất khẩu của toàn ngành đạt 42 - 44% kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nội địa hóa của hàng xuất khẩu đạt trên 40%. 
Bên cạnh đó, cuộc bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu ngành Dệt may & da giày năm 2009 và 2010 cũng góp phần cho thấy, hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia đã gia tăng rõ rệt. Hơn 40% số doanh nghiệp tham gia bình chọn đều có tỷ suất lợi nhuận trên 40%, cá biệt Công ty cổ phần may Hưng Long có tỷ suất lợi nhuận 170% , Công ty cổ phần may Hưng Yên 135%...
Nhiều doanh nghiệp vừa có doanh số lớn vừa có tăng trưởng kinh doanh trong năm gần gấp đôi so với năm trước như Công ty cổ phần dệt 10/10, Tổng Công ty cổ phần may Nhà Bè, Tổng Công ty cổ phần dệt may Gia Định đạt doanh số trên 2.000 tỷ đồng và tăng trưởng gần như gấp đôi. Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú có tỷ lệ tăng trưởng trong năm đến 248%. 
Đặc biệt, Công ty cổ phần may Việt Tiến có kim ngạch xuất khẩu 205 triệu USD, dẫn đầu toàn ngành. Công ty cổ phần dệt 10/10 gần đây cũng đã bứt phá mạnh mẽ với kim ngạch xuất khẩu lên đến 117 triệu USD. Số lượng đơn vị đầu tư xây dựng thương hiệu đã tăng lên mạnh mẽ. 
Các thương hiệu Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, An Phước đã được công nhận là thương hiệu quốc gia năm 2010. Các nhãn hàng Việt Nam như Nino Maxx, N&M, Foci, Sanciaro, Mahattan… xuất hiện với mật độ ngày càng cao bên cạnh những thương hiệu thời trang cao cấp phương Tây đang bùng nổ tại thị trường TP.HCM và Hà Nội.
Ngày càng có nhiều các đơn vị dệt may đầu tư mạnh mẽ cho những nhân tố quyết định cho việc tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn như mở rộng hệ thống phân phối nội địa, nâng cao đời sống cho người lao động cùng với xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tổ chức sản xuất thân thiện môi trường…
Và bài toán phải tìm lời giải
Tuy các doanh nghiệp nhìn chung đều có bước phát triển khá tốt, nhưng ngành dệt may hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa. Cái đáng lo trước hết chính là giá nguyên liệu hiện đang ở đỉnh cao nhất trong lịch sử ngành dệt may thế giới trong 140 năm qua và hiện vẫn chưa có điểm dừng. Kế đó là các thủ tục và chi phí xuất nhập khẩu chẳng những chưa được giảm mà lại còn tăng lên. 
Gần đây doanh nghiệp xuất khẩu còn phải chịu thêm chi phí tắc hàng tại cảng từ 50 - 100 USD/container, mà thực chất việc ách tắc hàng hóa là do khâu điều hành kém cỏi của các cảng... Chi phí vận chuyển trong năm cũng đã tăng đến trên 30% do ảnh hưởng dây chuyền của giá điện và nhiên liệu… 
Tình hình lao động, tiền lương vẫn tiếp tục là vấn đề nóng hổi của ngành dệt may và các ngành sử dụng nhiều lao động khác. Chi phí lao động, bao gồm tiền lương và các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp… trong năm tăng thực tế đến khoảng 30% đã làm giảm hiệu quả kinh của các doanh nghiệp trong ngành.
Từ góc nhìn của Hiệp hội, ông Ân cho rằng, lúc này các doanh nghiệp không thể yên tâm với những con số tăng trưởng đạt được mà cần phải thực hiện khẩn trương nhiều giải pháp, chuẩn bị tích cực cho việc ổn định và phát triển của kế hoạch 2011 - 2015. Giải pháp hàng đầu là cải tiến quản lý tổ chức sản xuất. 
Bên cạnh đó, cần tăng cường mặt hàng có giá trị gia tăng cao; tăng cường thiết kế thời trang; đẩy mạnh việc xây dựng và quảng bá thương hiệu; di dời và phát triển sản xuất may mặc phân tán về các vùng có lao động nông nghiệp; vận hành và mở rộng việc thí điểm Thỏa ước lao động tập thể ngành nhằm góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong toàn ngành…    
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn