Tin tức

Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu trong bối cảnh mới

22/05/2020    797

Ngày 20/5, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế với chủ đề “Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu trong bối cảnh mới “ theo hình thức trực tuyến.

Đây là hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế - thương mại giữa các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học từ các nước thuộc Liên minh.

Tọa đàm đã được tổ chức trên cơ sở phối hợp giữa Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trường Đại học Kinh tế quốc dân với Viện nghiên cứu Châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và các đối tác ở Liên bang Nga (Học viện Quan hệ quốc tế MGIMO, Viện nghiên cứu chính trị - xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga), Cộng hòa Belarus (Đại học Tổng hợp kinh tế quốc gia Belarus), Cộng hòa Kazakhstan (Viện Kinh tế trực thuộc Bộ Khoa học, giáo dục Kazakhstan), Cộng hòa Kyrgyzstan (Học viện quản lý trực thuộc Tổng thống Cộng hòa Kyrgyzstan) với sự bảo trợ về mặt kỹ thuật từ Vietnam Start up TV.

Tọa đàm thu hút sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện thương mại LB Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, Vụ châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng Trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: “Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU) là khu vực có quan hệ chính trị - kinh tế đặc biệt đối với Việt Nam. Các nước thành viên của Liên minh đều là những đối tác truyền thống của Việt Nam từ thời Xô Viết. Sau một thời gian ngưng trệ trong mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh, hiện nay thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu với thị trường Việt Nam mang những sắc thái vừa lạ, vừa quen đối với nhau".

Với dân số trên 180 triệu người, chiếm gần 20% diện tích đất liền thế giới với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho Việt Nam, PGS.TS. Bùi Đức Thọ cho rằng, Liên minh là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản, dệt may, giày dép… của Việt Nam, cũng như là nguồn cung cấp máy móc thiết bị, hóa chất, các sản phẩm công nghệ sinh học, năng lượng giá thành thấp, chất lượng cao cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chỉ đứng khoảng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ EAEU và đứng khoảng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang EAEU.

Chia sẻ ý kiến tại Tọa đàm, ông Erlan Baizhanov - Đại sứ Cộng hòa Kazakhstan tại Việt Nam, ông Aleksander Cardo-Sysoev - Phó Tham tán thương mại LB Nga tại Việt Nam, ông Denis Nicolaev - Tham tán kinh tế - thương mại Đại sứ quán Belarus tại Việt Nam đều nhận định, Việt Nam được coi là một đối tác quan trọng của các nước thành viên Liên minh ở khu vực này cả về khía cạnh chính trị lẫn kinh tế. Do đó, thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thuộc Liên minh kinh tế Á - Âu thâm nhập vào thị trường khu vực ASEAN rộng lớn. Đối với Việt Nam, việc khôi phục và phát triển các thị trường truyền thống ở Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước SNG và Đông Âu.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống được thử thách qua thời gian, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên, nền kinh tế mang tính chất bổ sung cho nhau, cộng đồng người nói tiếng Nga tại Việt Nam còn đông đảo, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã được thực thi hơn 3 năm… song quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thuộc Liên minh còn dưới mức tiềm năng.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (tháng 10/2016) đến năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các bên liên tục tăng trưởng với mức trung bình gần 30%/năm. Năm 2019 có sự giảm nhẹ. Cơ cấu hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp nên những tác động bất lợi truyền thống của việc mở cửa thị trường Việt Nam cho đối tác qua FTA được giảm nhiều. Bà Ngọc cũng cho biết, dấu hiệu đáng mừng là qua hơn 3 năm thực thi Hiệp định, mức độ tận dụng ưu đãi từ Hiệp định của các doanh nghiệp ngày càng tăng.

Đối với thương mại dịch vụ, trao đổi dịch vụ giữa Việt Nam và các nước Liên minh còn hết sức khiêm tốn. Ngoài dịch vụ vận tải, bảo hiểm gắn liền với thương mại hàng hóa, hiện dịch vụ du lịch và giáo dục là hai loại hình dịch vụ được trao đổi phổ biến hơn cả. Đối với 4 phương thức cung ứng dịch vụ theo GATS, tại Tọa đàm các nhà khoa học cũng chia sẻ và thảo luận về vấn đề di chuyển lao động giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu. Thị trường Liên minh là thị trường triển vọng cho việc thu hút lao động từ Việt Nam sang. Tuy nhiên, vấn đề di chuyển thể nhân hiện mới chỉ được đàm phán song phương giữa Việt Nam và LB Nga.

Các diễn giả tại Tọa đàm đã chỉ ra những khó khăn, rào cản trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu chủ yếu liên quan đến vấn đề logistic, rào cản phi thuế như thủ tục hải quan, thanh toán, tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)…Đại diện Kazakhstan cho rằng, mức độ bảo hộ trên thị trường Việt Nam đối với hàng nông sản thực phẩm là khá cao. Ngoài các hàng rào phi thuế, thuế quan cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt cũng là rào cản để thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Với tâm huyết và nỗ lực của giới chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, hi vọng trong thời gian tới thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ có những bước phát triển mới về chất để tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các bên.

Thông qua hoạt động này, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân mong muốn đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về kinh tế - thương mại với các đối tác truyền thống của Việt Nam ở khu vực SNG để có những đóng góp thực tiễn cho sự phát triển quan hệ kinh tế giữa các bên, đồng thời tạọ nền tảng cho những hoạt động hợp tác khác trong tương lai của Nhà trường với các đối tác ở Liên minh kinh tế Á - Âu như hợp tác trao đổi dịch vụ giáo dục, di chuyển nhân lực khoa học – công nghệ…

Nguồn: Báo Quốc tế