Tin tức

"Nền kinh tế phi chính thức" đối mặt thách thức

11/05/2020    118

Dịch COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu khiến nhiều quốc gia và thành phố áp dụng chính sách hạn chế đi lại, giãn cách xã hội. Những tác động lên nền kinh tế thế giới đang là dấu hỏi lớn cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia và cả người lao động. Nếu dịch COVID-19 kéo dài, nhiều lao động phải đối mặt nguy cơ không còn khả năng chi trả cho cuộc sống.

Nền kinh tế phi chính thức (gig economy), khác với nền kinh tế truyền thống của người lao động toàn thời gian, là khái niệm về nền kinh tế của những người làm việc tự do, tạm thời, không gắn kết lâu dài với một tổ chức nào mà chỉ làm thuê ngắn hạn, thời vụ. Những lao động trong nền kinh tế phi chính thức vì thế không được hưởng những quyền lợi việc làm thông thường như trong nền kinh tế truyền thống.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều lao động có cơ hội tiếp cận việc làm với thu nhập và thời gian làm việc linh hoạt. Điển hình là công việc lái xe ta-xi hay nhân viên vận chuyển cho các hãng công nghệ như Uber, Grab. Bên cạnh đó, những công việc trong nền kinh tế phi chính thức cũ là những giảng viên tạm thời tại các trường đại học, gia sư, nghệ sĩ đường phố, nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, dẫn chương trình, hay các nhà văn, họa sĩ… Nền kinh tế phi chính thức đang là xu hướng mới trên thế giới với tỷ lệ lao động chiếm khoảng 10% ở Mỹ, 8,5% ở Australia, hay 10% ở Singapore.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn suy thoái và các quốc gia đang áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, những lao động trong nền kinh tế phi chính thức là những người chịu tác động đầu tiên trong nền kinh tế. Lực lượng lao động phi chính thức tại Australia và Singapore ước tính bị mất khoảng 215 triệu USD thu nhập do các sự kiện bị hủy và nhu cầu dịch vụ giảm chung. Ở Mỹ, những lao động phi chính thức chưa mất việc làm cũng đối mặt với sự sụt giảm hơn 50% thu nhập. Nhiều lao động không còn khả năng chi trả cho cuộc sống hằng ngày, nhiều người phải đối mặt với lựa chọn giữa thu nhập và nguy cơ nhiễm bệnh. Trong nền kinh tế phi chính thức, người lao động phải gánh chịu nhiều rủi ro thị trường đối với những thăng trầm kinh tế, xu hướng thay đổi và sở thích của người tiêu dùng hơn so với nền kinh tế truyền thống.

Người lao động trong nền kinh tế phi chính thức bên cạnh việc không có thu nhập ổn định còn không được hưởng phúc lợi lao động truyền thống như trợ cấp hưu trí, nghỉ ốm, nghỉ phép, hay bảo hiểm y tế. Trong bối cảnh nền kinh tế chao đảo, những phúc lợi đó là bảo hiểm cho người lao động. Nhận thấy người lao động thiếu sự bảo vệ trước những tác động từ đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Uber bảo đảm 14 ngày lương cho những lao động bị nhiễm COVID-19 hay phải cách ly theo chỉ thị của chính phủ. Một số công ty, tập đoàn khác cũng thay đổi chính sách phúc lợi để trợ cấp nghỉ ốm, nghỉ phép cho các nhân viên thời vụ. Tuy nhiên, chi phí sinh sống của nhiều lao động phi chính thức không thể được bảo đảm.

Những lao động thuộc nền kinh tế phi chính thức chỉ còn một “phao cứu sinh” giữa đại dịch COVID-19 là các gói cứu trợ từ các chính phủ. Nhiều gói cứu trợ nền kinh tế đã được thông qua, trong đó có những khoản tiền hỗ trợ cuộc sống hướng đến những người đã mất thu nhập. Thế nhưng, các chính phủ còn cần gấp rút bổ sung khung pháp lý để những người lao động trong nền kinh tế việc làm phi chính thức có cơ hội tiếp cận sự hỗ trợ như những lao động bình thường khác trong nền kinh tế truyền thống./.

Nguồn: Báo Nhân Dân