Tin tức

Việt Nam hội nhập và sự lặp lại của con số 11

16/12/2010    76

Chuyến trở lại Auckland (New Zealand) cách đây mươi ngày chắc hẳn gợi ra trong Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam những cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Chính tại Auckland này cách đây già 11 năm, ông Trần Quốc Khánh và đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ BTA đã rơi vào một trạng thái thất vọng tột cùng. Hiệp định tưởng đã ký tới nơi rồi, bỗng nhiên bị đình lại. Mà nguyên nhân trực tiếp thì lúc đó chỉ có ông Giời... à quên, những người trong cuộc ở cấp cao mới biết được. Sự lỡ miệng của người đàn bà hay nói quá!

Mười tháng sau, BTA đã được ký. Nhưng cái giá phải trả cho sự chậm trễ 10 tháng đó là giá trị một năm xuất khẩu của Việt Nam, qui ra tiền năm 2009 là trên 10 tỷ USD. Và 3 năm chậm gia nhập WTO, với hàng loạt điều kiện bất lợi...

Sau 11 năm, tóc Trần Quốc Khánh đã bạc đi nhiều. Nhưng, bù lại, Trần Quốc Khánh đã từ một anh vụ phó phụ trách xuất nhập khẩu trở thành ông thứ trưởng. Từ một thành viên bình thường trong đoàn đàm phán BTA, chỉ được ông trưởng đoàn Nguyễn Đình Lương giao cho cùng lo vụ Phụ lục B (danh mục giảm thuế), nay ông Trần Quốc Khánh đã là Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ, lo cả một câu chuyện đồ sộ hơn BTA nhiều.

Có tin đồn rằng những sự lỡ hẹn như vậy của BTA, hay WTO, khiến ông cũng hơn một lần lỡ hẹn với cái ghế ông đang ngồi. Lần này, chỉ có ông Giời, hay ông nào đó mới biết!

Có điều nhiều người, trong đó có cả người viết, tin rằng kinh nghiệm trường đời suốt 11 năm chắc hẳn sẽ giúp ích ông nhiều trong cái năm tới, vừa bản lề, vừa nước rút, của một tiến trình hội nhập mới của Việt Nam. Ăn Tết xong là ông cùng tùy tùng đã phải sang Santiago (Chile) để bắt đầu vòng đàm phán thứ 5 rồi. Người ta đồn rằng có 9 nước, đàm phán xong 9 vòng là ký.

Đàm phán TPP: Song phương hay đa phương?

Trong khi, thông cáo báo chí của Bộ Công Thương về nội dung đàm phán vòng 4 còn phải chờ đợi trong một hai hôm nữa, theo Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, những người quan tâm đến nó ở Việt Nam phải tìm đến website của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), hay của Bộ Ngoại giao và Thương mại của nước chủ nhà New Zealand (DFAT), để có lời giải đáp, tuy khá chung chung.

 

Theo USTR, trong tuần trước 24 nhóm vấn đề đã được các nhà đàm phán khẩn trương thảo luận, trước khi chuyển sang tìm hiểu các văn bản pháp qui trong từng lĩnh vực, mà sau này sẽ được cụ thể hóa trong các quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên. Họ cũng hoàn thiện các chi tiết kỹ thuật cần thiết để chuẩn bị cho bản chào ban đầu liên quan đến việc tiếp cận thị trường hàng hóa mà các quốc gia sẽ trao đổi với nhau vào tháng Giêng tới, trước khi các đoàn gặp nhau lại tại Santiago (Chile) ở vòng 5.

Cũng theo USTR, các quốc gia TPP, sau vòng 4, cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra khuôn khổ cho các cam kết nền, sẽ được thể hiện xuyên suốt trong Hiệp định TPP. Đó là tăng cường kết nối, cụ thể là sự liên kết của các công ty Hoa Kỳ với hệ thống sản xuất và phân phối mới nổi tại châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo cho hệ thống qui định của các thành viên TPP tương thích hơn để sự hoạt động của các công ty Hoa Kỳ không bị gián đoạn tại các thị trường thuộc TPP, hay vấn đề hỗ trợ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) - nguồn sáng tạo và tạo việc làm chủ yếu - tham gia tích cực hơn nữa trong thương mại quốc tế...

"Cụ thể là các bên đã cung cấp thêm cho nhau thêm thông tin về xuất nhập khẩu, độ mở của thị trường. Có thể, ngoài bản chào đầu tiên, cũng có những quốc gia có thể đi trước trong việc đưa ra yêu cầu về tiếp cận thị trường đối với các đối tác khác", một nguồn tin từ đoàn đàm phán TPP của Việt Nam giải thích thêm với phóng viên Tuần Việt Nam.

Nguồn tin nói trên cũng cho biết sau bốn vòng đàm phán các bên cơ bản đã xác định được những lĩnh vực đàm phán, và cách tiếp cận thông tin thị trường của nhau. Tuy nhiên, phương thức đàm phán vẫn là một vấn đề tranh cãi, chủ yếu giữa Mỹ và hầu hết các thành viên còn lại. "Chính vì vậy, rất có thể trọng tâm của vòng thứ 5 là xác định phương thức đàm phán", nguồn tin nói trên dự đoán.

Được biết, Hoa Kỳ chỉ muốn đàm phán song phương, tức là đàm phán với những quốc gia chưa ký hiệp định thương mại tự do với họ, chẳng hạn như Việt Nam. Hơn nữa, quan điểm của Hoa Kỳ là vẫn muốn bảo vệ thị trường trong nước, nhất là đối với những lĩnh vực nhạy cảm như nông nghiệp.

Trong khi đó, hầu hết các nước khác, trong đó có Việt Nam, đều muốn đàm phán đa phương. Ngay cả những quốc gia đã có FTA với Hoa Kỳ cũng muốn sử dụng sức mạnh tập thể để đòi Hoa Kỳ mở cửa thêm thị trường, điều mà họ chưa thấy thỏa mãn trong khuôn khổ FTA. Trong khi đó, Việt Nam lại quan tâm đến sự chia sẻ của một số nước khác trong những vấn đề được coi là nhạy cảm như môi trường và nhất là lao động.

Một nguồn tin khác từ Bộ Ngoại giao khẳng định rằng các nhà ngoại giao Việt Nam sẽ cố gắng tìm sự đồng minh từ những thành viên khác để đạt được sự thỏa hiệp với Mỹ, đặc biệt trong vấn đề tự do hội đoàn. "Quan điểm của Việt Nam là điều kiện phát triển thương mại phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, và đặc biệt không gây ra bất ổn định về chính trị - xã hội", nguồn tin này nhận xét.

Còn nhớ, vấn đề quan trọng nhất mà Chủ tịch ASEAN 2010 dành lại cho quốc gia kế nhiệm (Indonesia) "làm vốn", sau một năm ASEAN thành công rực rỡ trên nhiều phương diện, chính là việc thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức xã hội dân sự - một trọng tâm xây dựng cộng đồng văn hóa - xã hội của ASEAN.

"Đây là câu chuyện rất nhạy cảm liên quan đến thể chế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng vào năm tới", một quan chức chính phủ liên quan đến công tác hội nhập của Việt Nam, giấu tên, bình luận.

Quyết định mạnh bạo, nhưng có cơ sở

"Chính vì vậy, việc Việt Nam tuyên bố tham gia TPP vừa rồi thực sự là một quyết định mạnh bạo, mang tính đột phá", quan chức nói trên bình luận thêm.

Tại APEC Yokohama, diễn ra vào tháng 11.2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố Việt Nam sẽ chính thức tham gia đàm phán TPP, sau khi được phép tham gia ba vòng đầu với tư cách thành viên liên kết.

Nhưng, thực ra, theo giới thạo tin, giới lãnh đạo Việt Nam đã gần như có sự nhất trí đối với quyết định này sau chuyến thăm hồi tháng Sáu năm nay của Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Demetrios Marantis - người đã gặp gỡ cả đại diện Chính phủ, lẫn Thường trực ban Bí thư Trương Tấn Sang để thuyết phục.

Sau 11 năm, kể từ cuộc gặp của Ngoại trưởng Albright với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, được coi là một sự xóa sổ hoàn toàn đối với toàn bộ công lao thuyết khách trước đó của bà với các lãnh đạo chính phủ Việt Nam liên quan tới BTA, dường như người Mỹ đã hiểu Việt Nam nhiều hơn.

Có một điều cần lưu ý là Đại sứ Marantis đã từng ở Việt Nam vào đầu thế kỷ này trên cương vị Trưởng Cố vấn pháp lý cho Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt của bà Jinny Foote - một tổ chức phi chính phủ có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ cả tiến trình BTA lẫn WTO của Việt Nam. Hai năm tích lũy vốn sống về Việt Nam và người Việt cũng giúp cho Luật sư Marantis chắp bút được bài diễn văn gây tiếng vang lớn do Thượng Nghị sĩ Max Baucus đọc tại Hội Châu Á mùa hè năm 2006, trong chiến dịch vận động Quốc hội Mỹ trao qui chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.

Trong cuộc họp báo kết thúc chuyến thăm, Đại sứ Marantis có một câu nói quan trọng, mà chắc hẳn ông đã nói với những nhân vật quan trọng, hay rất quan trọng, mà ông đã gặp: "Khác với đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam phải chấp nhận những gì đã được qui định sẵn, tham gia TPP các bạn sẽ cùng với chúng tôi và các đối tác khác định hình khuôn khổ của cơ chế này".

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về Hội nhập Kinh tế Quốc tế (NCIEC), đây là quyết định rất lớn của Việt Nam và sẽ mở ra một giai đoạn hội nhập sâu và toàn diện của Việt Nam. Hoa Kỳ gọi là TPP là hiệp định thương mại và đầu tư thế hệ mới, và coi TPP là nền tảng để hình thành một hiệp định thương mại tự do cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTA-AP), mà người tiền nhiệm của Tổng thống Barrack Obam đã đề xuất ngay tại APEC Hà Nội cuối năm 2006.

Đó cũng là lý do mà Hoa Kỳ dành lời mời đặc biệt cho Việt Nam, một quốc gia với trình độ phát triển tương đối thấp với độ mở của thị trường còn hạn chế, trong khi chưa mặn mà với một vài quốc gia với trình độ phát triển cao hơn. Việt Nam chính là một trong những bằng chứng thuyết phục nhất về sự khởi sắc sau khi bình thường hóa quan hệ thương mại với Hoa Kỳ vào cuối năm 2001, với kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15 lần sau 8 năm.

Mặt khác, Việt Nam đã có kinh nghiệm xương máu khi thiếu quyết đoán trong việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, kéo theo sự chậm trễ gấp bội trong việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Và hệ quả là thành viên thứ 150 của WTO chỉ được nếm trái ngọt của hội nhập chỉ được một năm trước khi thế giới bước vào khủng hoảng.

Đó là chưa nói tới việc do tham gia sau, Việt Nam phải hứng chịu hậu quả của thái độ cảnh giác của các đối tác, bởi những quốc gia tham gia trước đó ít năm, như Trung Quốc, đã không nghiêm túc thực hiện những cam kết của họ.

Tất nhiên, những yêu cầu về môi trường và lao động của Hoa Kỳ vẫn là những rào chắn không dễ vượt qua.

Yêu cầu về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mang ý nghĩa kinh tế nhiều hơn, nhằm bảo vệ hàng hóa nước này khỏi sự cạnh tranh của hàng hóa giá rẻ từ những quốc gia tiết kiệm được phần lớn chi phí bảo vệ môi trường. Hoa Kỳ đã nhận được bài học trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong khi đó, yêu cầu về quyền tự do hội đoàn lại có vẻ liên quan đến giá trị nhân quyền mà Hoa Kỳ vẫn đang cổ súy nhiều hơn, và là một trong những điều kiện quan trọng để bất cứ thỏa thuận thương mại trên mức bình thường của Hoa Kỳ với một quốc gia khác có thể qua được cửa ải quốc hội. Yêu cầu của Việt Nam được Hoa Kỳ cấp GSP (Ưu đãi Thuế quan Phổ cập) luôn bị từ chối vì lý do liên quan đến tự do hội đoàn.

Tuy nhiên, về tiêu chí môi trường, cũng có cách nhìn coi đó là một giá trị tích cực. Một cựu thành viên đoàn đàm phán WTO, giấu tên, nói với phóng viên Tuần Việt Nam: "Theo tôi, rất cần đáp ứng, nhưng nên có lộ trình phù hợp để Việt Nam dễ thích ứng. Bởi, xét trong chiến lược phát triển trong thập kỷ tới, đối với Việt Nam bảo vệ môi trường chính là đảm bảo cho sự phát triển bền vững."

Vị này còn nhận xét thêm rằng, tuy điều này có thể làm gia tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, nhất là đối với máy móc thiết bị, nhưng lại giúp giảm nhập siêu từ Trung Quốc, và về tổng thể Việt Nam có lợi nhiều mặt.

"Thứ nhất, nhập khẩu máy móc từ Hoa Kỳ về lâu dài có lợi hơn từ Trung Quốc, bởi Hoa Kỳ là nước có công nghệ nguồn, từ đó sẽ giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào những thị trường khó tính khác như Nhật Bản, EU. Thứ hai, bản thân việc nhập thiết bị giá rẻ, nhưng công nghệ thấp, hao tốn điện năng và kém thân thiện với môi trường của Trung Quốc hóa ra lại đắt về lâu dài. Đó là chưa nói đến việc sản phẩm xuất khẩu của Việt nam khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc", vị này phân tích.

Lợi thế hàng đầu của Trung Quốc trong việc bán máy móc thiết bị sang Việt Nam vẫn là cơ chế tín dụng thông thoáng, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đói vốn. Tuy nhiên, theo Vụ Thị trường Châu Mỹ (Bộ Công Thương), lợi thế này có thể bị mất đi, nếu chính quyền của Tổng thống Barrack Obama thực hiện theo bản báo cáo đề xuất nhằm tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 5 năm tới, được trình giữa tháng 9.2010 vừa qua.

Trong tiểu mục "Tăng tín dụng dành cho xuất khẩu" báo cáo này đề xuất "tạo điều kiện cho nhà xuất khẩu, người mua hàng nước ngoài, ngân hàng và những pháp nhân khác nhận được về sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, và tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu và khách hàng khác sử dụng các chương trình tín dụng của chính phủ bằng cách hợp lý hóa các hồ sơ và quá trình xử lý nội bộ."

Liên quan đến tiêu chí về lao động, được biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã xác định nhiệm vụ là phải phối hợp với những nước có cùng lợi ích, cùng khó khăn với Việt Nam. Chẳng hạn, Singapore tuy là nền kinh tế có độ mở rất cao, nhưng đối với tự do hiệp hội thì Singapore cũng có lợi ích như Việt Nam, khi quốc đảo này chỉ duy trì một tổ chức công đoan duy nhất.

Hơn nữa, chính Singapore cách đây khoảng một thập kỷ cũng thoát được cửa ải quốc hội Mỹ với hoàn cảnh tương tự, khi đạt được một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ, bằng việc thuê một hãng lobby (vận động hành lang) chuyên nghiệp. Họ có thừa kinh nghiệm để chia sẻ với đồng minh Việt Nam trong chuyện này.

Một kết thúc có hậu cho TPP?

Hơn nữa, có một yếu tố khác, thoạt nhìn có vẻ mang tính tượng trưng, nhưng thực ra không kém phần quan trọng. Đó là việc Tổng thống Obama muốn hiệp định TPP được ký kết nhân dịp Hoa Kỳ đăng cai Cấp cao APEC ở Honolulu (Hawaii), vào tháng 11 năm 2011. (Lại những con số 11).

Bởi Tổng Thống Obama chỉ còn cửa trông vào sự thành công của TPP, sau khi chương trình kích cầu tốn kém của ông dường như đã thất bại, bởi mức tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ không được như kỳ vọng. Đặc biệt là quá ít việc làm được tạo ra tương ứng với số tiền bỏ ra. Sự thất bại của Đảng Dân chủ trong bầu cử giữa kỳ vừa rồi đã thể hiện sự bất mãn của cử trị Hoa Kỳ đối với các quyết sách kinh tế của ông. Hơn nữa, năm 2012 là năm cực kỳ quan trọng đối với uy tín của Tổng thống Obama và Đảng Dân chủ trong chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.

Để đạt được mục tiêu này, phía Mỹ cũng đã thỏa thuận với các đối tác khác sẽ tiến hành cấp tập 5 vòng đàm phán vào năm tới, trong đó có một vòng tại Hà Nội dự kiến vào tháng 6/2011. Và nếu muốn kết thúc đàm phán TPP gọn trong năm tới, các nhà đàm phán Hoa Kỳ không thể giữ lập trường quá cứng rắn được.

Riêng với Đại sứ Marantis, người đứng sau câu chuyện TPP tại USTR, chắc hẳn cũng sẽ có những nỗ lực của riêng mình để giữ những tia hy vọng trong ánh mắt của những nữ sinh viên Trường Ngoại thương, trong những tà áo dài, đến nghe ông giảng về vai trò TPP trong giai đoạn phát triển sắp tới của Việt Nam.

Hơn nữa, sự thành đạt trong tương lai của họ hẳn không chỉ là biểu tượng của sự phồn vinh của Việt Nam trong mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, như cô gái mặc áo dài trong bài phát biểu của TNS Baucus. Không ít người trong số họ, ngay sau khi ra trường sẽ cùng ông thúc đẩy cái tiến trình mà ông là một trong những người khởi động.

Tóm tắt nội dung bài phát biểu của TNS Max Baucus (do LS Demetrios Marantis chắp bút)

TNS Baucus mở đầu bài thuyết trình của mình bằng hai chùm ảnh. Chùm ảnh đầu là những "snap-shots" về một nhân vật nữ sinh ra sau chiến tranh. Khó có sự so sánh nào về ba giai đoạn phát triển của đất nước Việt Nam (nghèo đói trong sự cô lập, tự mình đổi mới và mở cửa, và đang dần dần bước vào nền kinh thế thế giới) "đắt" hơn 3 snap-shots về chiếc xe đạp Nam Hà, chiếc xe Honda và chiếc xe hơi Ford Focus. Bản thân sự trưởng thành của nhân vật nữ này thể hiện tinh thần tự lập và ý chí vươn lên của một dân tộc - điều mà người Mỹ đánh giá rất cao -, và sự đầu tư cho giáo dục- vốn là niềm hãnh diện của nước Mỹ. Trong cả ba "snap-shots" đó có một hình ảnh không thay đổi: tà áo dài (dù chất liệu có thay đổi) là biểu tượng cho sự yên bình và thân thiện!

Chùm ảnh thứ hai là những bức ảnh đã gây chấn động lương tri người Mỹ về sự tàn khốc của cuộc chiến mà nước Mỹ đã tham gia: một nhà sư tự thiêu, một em bé đau đớn hét trên đường sau một vụ ném bom napalm, một người lính đang chết dần vì những vết thương, trong số hàng triệu người của cả hai phía đã ngã xuống... Ý thức trách nhiệm với quá khứ đã được khéo gợi lên!

Xâu chuỗi những hình ảnh của chiến tranh và hoà bình là những bước đi ban đầu trong tiến trình cải thiện quan hệ giữa hai nước với sự đóng góp của những nhân vật lịch sử như Nguyễn Cơ Thạch, William Sullivan, John Kerry, John McCain, Tổng thống G.H. Bush (cha) và Tổng thống Bill Clinton cùng với những việc cụ thể họ làm trong quá trình bình thường hoá quan hệ hai nước.

Trong phần hai của bài phát biểu TNS Baucus đã chọn "điểm nhấn" của quá trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước là quy chế PNTR cho Việt Nam. Từ việc điểm lại những thay đổi của Việt Nam từ khi 2 nước thực hiện BTA, phân tích các lợi ích kinh tế trực tiếp về thương mại và đầu tư, ông Baucus đã chuyển sang các lợi ích lớn hơn về địa chính trị, trong mối quan hệ với một cường quốc khác... Ông cũng khéo léo gắn vấn đề PNTR với cơ hội thuận lợi để giải quyết bất đồng giữa hai đảng trong chính sách thương mại, cũng như khẳng định sự hợp tác giữa Nhà trắng và Điện Capitol...

"Và như vậy, nó (quy chế PNTR) sẽ cho phép Tổng thống Bush hoàn tất quá trình bình thường hoá mà cha ông đã khởi đầu, đúng vào lúc Tổng thống tới Hà Nội vào tháng 11", ông Baucus nói.

Một kết thúc không chỉ đơn thuần là... có hậu!

Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam