Tin tức

Covid-19 định hình một thế giới khác?

29/04/2020    124

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã và đang tác động đến mọi quốc gia trên thế giới, không ai không cảm nhận được sự thay đổi của thế giới, từ những nhà lãnh đạo, các nhà quản lý đến những nhà hoạt động xã hội và ngay cả những người dân bình thường.   

Có thể nói cả thế giới đang “chung một chiến hào” với cùng một “kẻ thù vô hình” – Covid-19. Cuộc chiến chống Covid-19 đang thúc đẩy nhân loại hướng tới việc định hình lại những nguyên tắc căn bản có thể đảm bảo an ninh quốc tế. Covid-19 đã làm phơi bày một sự thật rõ ràng rằng an ninh quốc gia không còn có thể dựa trên ưu thế duy nhất là tiềm năng quân sự. Vũ khí hạt nhân và các vũ khí hiện đại khác không thể chống lại Covid-19, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu, di cư không kiểm soát và các thách thức khác mà toàn nhân loại đang phải đối mặt.

Các công cụ đảm bảo an ninh mà chúng ta được thừa hưởng từ thời đại trước, ngày nay chỉ tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ một cách vô ích, mà đáng lẽ số tiền này có thể được đầu tư cho sự phát triển của khoa học, giáo dục, y học... Ngay Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cũng lưu ý Covid-19 là kẻ thù chung của nhân loại, và chúng ta sẽ còn có nhiều hơn những kẻ thù chung như vậy trong tương lai. Đó là lý do vì sao ông kêu gọi tất cả các bên xung đột trên toàn cầu ngừng bắn.

Giáo hoàng cũng kêu gọi ngừng tất cả các cuộc chiến tranh để thống nhất các nỗ lực trong cuộc chiến chống đại dịch. Liên minh Arab đứng đầu là Saudi Arabia cũng tuyên bố ngừng các chiến dịch quân sự chống lại phong trào Houthi ở Yemen để ngăn chặn lây lan dịch Covid-19 ở đất nước này. Israel và Hamas cũng đã khởi động đàm phán về trao đổi những người bị bắt giữ.

Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow Dmitry Trenin cho rằng dịch bệnh đang làm tăng tốc tiến trình thay đổi vốn đang diễn ra trên toàn thế giới. Dù chưa biết khi nào đại dịch mới hoàn toàn bị khống chế, song Covid-19 đã mang đến một vài phác thảo về bức tranh tương lai.

Toàn cầu hóa không còn là một quá trình, mà chỉ là trạng thái. Tính cởi mở ngày càng được cân bằng hơn với tính bảo hộ. Biên giới quốc gia có ý nghĩa ngày càng lớn bởi lẽ khi đối mặt với Covid-19, hầu hết các nước đều phải áp dụng đến biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới, ngay kể cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Nhà nước đã lấy lại vị thế của chính mình trong vai trò là diễn viên chính trên sân khấu thế giới. Công cụ tiên tiến nhất của nhà nước đó là công nghệ số hóa, với mức độ kiểm soát chưa từng có đối với xã hội. Mâu thuẫn giữa dân chủ và độc tài chỉ còn là thứ yếu, và sẽ bị thay thế bởi những khác biệt về chất lượng và hiệu quả quản lý. Quyền công dân sẽ được cân bằng với việc thực thi trách nhiệm dưới sự giám sát toàn diện có hệ thống. Những nước thành công nhất sẽ là nơi có mức độ cao của đoàn kết xã hội và trách nhiệm ràng buộc lẫn nhau giữa giới tinh hoa quản lý và các hiệp hội. Hợp tác quốc tế vẫn không bị thay thế.

Giới phân tích cũng cho rằng hậu Covid-19, sự cạnh tranh của các cường quốc không hề suy yếu, mà ngược lại, sẽ mạnh mẽ hơn. Trước hết là xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc đấu đá này dự kiến sẽ kéo dài và khó khăn. Đại dịch đã đặt cả hai cường quốc, hệ thống y tế và chế độ chính trị của họ dưới sự giám sát nghiêm túc. Cả hai quốc gia đều là tâm dịch của thế giới. Trung Quốc bị tác động trước và đã có thể kiểm soát tình hình, trong khi Mỹ rơi vào tâm chấn và vẫn chưa thoát ra được. Kết quả là bất chấp tiềm năng vô cùng lớn, Mỹ không được coi là hình mẫu cho toàn bộ thế giới về tổ chức hệ thống y tế và trật tự xã hội. Hơn nữa, với khẩu hiệu “tự lo lấy thân mình” Washington từ chối vai trò lãnh đạo trong chiến dịch quốc tế hỗ trợ các nước đang bị nhấn chìm trong đại dịch Covid-19. Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện mình là “cứu cánh” của nhân loại.

Đại dịch đã giáng đòn tấn công mới và sự thống nhất của EU, vốn đã bất đồng về các vấn đề nhập cư và tài chính. EU không sụp đổ, thậm chí sẽ có thêm những thành viên mới - ngay trong thời kỳ khủng hoảng này Albania và Bắc Macedonia đã bắt đầu tiến trình gia nhập EU. Tuy nhiên, EU vẫn sẽ là liên minh các quốc gia chứ không thể là một cấu trúc siêu quốc gia. Vai trò của Brussels sẽ giảm, trong khi vai trò của các nước thành viên, đặc biệt là nước lớn sẽ tăng lên. Châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách về quan điểm chung và bị bó hẹp trong các vấn đề của chính họ. Đối với Nga, nơi mà tính hợp pháp của chính quyền dựa vào đánh giá của đa số dân chúng đối với hành động cụ thể của nguyên thủ quốc gia cũng như các quan chức dưới quyền, Covid-19 có thể là yếu tố quyết định trong việc giải quyết vấn đề về quyền lực, bao gồm thành phần nhân sự và nội hàm chính sách.

Tại châu Á, các chính phủ và xã hội ở Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua bài kiểm tra căng thẳng về Covid-19. Trong bối cảnh mâu thuẫn trầm trọng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, lợi ích quốc gia và đoàn kết xã hội có thể trở thành nền tảng đối với chính sách tự chủ hơn của những quốc gia này. Trong khi đó, đến thời điểm này vẫn khó để nói về hậu quả có thể xảy ra đối với Ấn Độ. Các biện pháp quyết tâm mà Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã thực thi nếu thành công sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh ở trong nước, có thể đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi hệ thống chính trị ở Ấn Độ theo hướng thành lập một cơ quan trung ương mạnh hơn dựa trên đa số người Hindi, cũng như chính sách đối ngoại tích cực hơn của Ấn Độ.

Dù phần lớn các chuyên gia và nhà phân tích hàng đầu trên thế giới đều chia sẻ quan điểm về việc nhân loại sẽ chiến thắng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 theo cách này hay cách khác, song đều chưa thể chắc chắn về một thời gian biểu cụ thể cho chiến thắng này và đại dịch Covid-19 đã trở thành một trong những sự kiện phân chia thời đại lịch sử cũ và mới.

Nguồn: Hải Quan Online