Tin tức

Xuất nhập khẩu lúng túng xử lý hợp đồng trong thời dịch bệnh

24/04/2020    484

Dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước rơi vào cơn khủng hoảng và lúng túng trong việc xử lý các vấn đề hợp đồng, kể cả trên phương diện pháp lý cũng như thực tiễn. Vậy họ cần làm gì để thoát khỏi tình trạng này?

Covid-19 làm hoạt động kinh doanh các nước trên thế giới nói chung và quốc gia đang phát triển như Việt Nam nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nằm trong nhóm các lĩnh vực như dệt may, da giày, gỗ, vận tải kho bãi… được đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn.

Ngay cả nhóm ngành xuất khẩu thuỷ sản, được cho là nhóm ít chịu tác động hơn, cũng chỉ đạt doanh thu 549 triệu đô la Mỹ trong tháng 3 vừa qua, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái (1).

Các thị trường có tỉ lệ khách hàng yêu cầu hoãn hay huỷ đơn hàng tập trung chủ yếu tại châu Âu (xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu - EU giảm 40%, sang Hàn Quốc giảm 24%).

Với nhóm ngành xuất khẩu gỗ, trong tháng 4, các thị trường nhập khẩu gỗ quan trọng của Việt Nam như EU chiếm 39% hay Mỹ chiếm 51% sản lượng xuất khẩu. Trong khi đó, hơn 80% các đơn hàng bị yêu cầu tạm dừng và chưa có đơn hàng mới. Việc sản xuất cũng gặp không ít khó khăn do rất nhiều doanh nghiệp cung cấp đầu vào là doanh nghiệp Trung Quốc.

Sản xuất tiêu thụ đình trệ và dư nợ tín dụng có thể khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào cơn khủng hoảng và lúng túng trong việc xử lí các vấn đề hợp đồng, kể cả trên phương diện pháp lý cũng như thực tiễn.

Trước tình hình đó, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần làm gì trong bối cạnh hiện tại và tương lai sau khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt? Bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị thực tiễn giải quyết một phần khủng hoảng pháp lý của doanh nghiệp xuất khẩu tại một số điểm sau:

Kiểm toán lại các hợp đồng, đơn hàng và xác định chiến lược hậu Covid-19

Doanh nghiệp nên tiếp tục quan hệ thương mại với các đối tác, tuy nhiên cần phân loại các hợp đồng trên phương diện ưu tiên về: (i) khả năng thực thi của các hợp đồng hiện tại (hoãn, thay đổi hay hủy); (ii) thời gian thực hiện hợp đồng.

Doanh nghiệp cũng cần so sánh giữa một bên là các chi phí đã bỏ ra thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chi phí có thể phát sinh thêm do tác động Covid-19 và một bên là số tiền đã nhận cũng như khả năng thanh toán số tiền còn lại của bên kí kết hợp đồng.

Tôi xin đưa ra ví dụ cụ thể trong lĩnh vực dệt may. Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, rất nhiều các nhãn hàng lớn về quần áo, giày dép của châu Âu như H&M, Primark và Inditex - Zara đã tạm dừng đơn hàng với số lượng lớn tại châu Á trong đó có Việt Nam. Marks & Spencer tuyên bố sẽ cắt giảm trong các tháng tới số lượng đơn đặt hàng may mặc tương đương giá trị thực tế là 118 triệu đô la tại nhiều quốc gia châu Á.

Tại Việt Nam, đa số các đối tác lớn là khách hàng Mỹ hay châu Âu đều có động thái cắt, giảm, ngừng hợp đồng tới hết tháng 4, thậm chí tháng 6, tương đương với việc lượng hàng tồn kho các mặt hàng thời trang mất 50% giá trị do thời tiết đã chuyển sang mùa hè.

Rõ ràng việc dừng các đơn hàng bởi các doanh nghiệp lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự sống còn của doanh nghiệp Việt Nam vốn là bên cung cấp. Các doanh nghiệp trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh sẽ cần có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn cho giai đoạn hậu Covid-19 để tiếp tục phát triển quan hệ thương mại với đối tác cũ, cũng như mở rộng thị phần trong nước, tìm kiếm các đối tác mới trong tương lai thay vì phụ thuộc vào một vài khách hàng nước ngoài lớn.

Rà soát tình trạng pháp lý hiện tại của doanh nghiệp đối tác

Trong bối cảnh áp dụng lệnh cách ly cũng như việc thu hẹp các nguồn tín dụng cho vay doanh nghiệp xuất khẩu tại nhiều quốc gia vốn là nhà đầu tư lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo sát các diễn biến về tình trạng thanh khoản và thực hiện hợp đồng của các đối tác để tránh việc hàng đã xuất mà vẫn không nhận được tiền thanh toán hoặc việc chậm thanh toán đi liền với việc không có khả năng thanh toán hợp đồng.

Tạm ngừng hợp đồng hoặc chấp nhận hoãn thanh toán 1-3 tháng

Việc tạm ngừng hợp đồng và kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trong môt thời gian ngắn 1-2 tháng thậm chí 3 tháng giữa các đối tác là có thể thương lượng xem xét trên cơ sở quan hệ đối tác giữa các bên.

Đối với các đối tác có đơn hàng lớn, quan hệ thương mại lâu dài, việc đưa vụ việc thành một tranh chấp pháp lý hay hủy hợp đồng ở giai đoạn này có lẽ là quá sớm, ngoại trừ những vụ việc mà doanh nghiệp nước ngoài là bên mua và đã xác định rõ là mất khả năng chi trả và phá sản hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Hủy hợp đồng và viện dẫn các điều khoản bất khả kháng

Tháng 3 năm nay, tập đoàn DHL Global Forwarding tuyên bố viện dẫn bất khả kháng do dịch Covid-19 đối với tất cả các hợp đồng vận tải đường không và đường biển cũng như bảo lưu quyền sửa đổi các dịch vụ của mình.(2)

DHL cũng sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ vận tải thiết yếu. Không lâu sau, CEVA Logistics cũng tuyên bố bất khả kháng cho toàn bộ các hợp đồng của tập đoàn. Điều này có nghĩa đây là sự kiện bất khả kháng giải trừ nghĩa vụ hợp đồng các bên.

Đây có thể là một kinh nghiệm cho các doanh nghiệp hậu cần (logistics) Việt Nam trong hoạt động hiện tại và cả sau này khi nền kinh tế khôi phục trở lại.

Luật Việt Nam và luật quốc tế đều ghi nhận, trường hợp bất khả kháng có thể được áp dụng trong những điều kiện sau: (i) sự kiện xảy ra một cách khách quan, (ii) không lường trước được và (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và mọi khả năng cho phép.(3)

Theo điều 79.1 Công ước Viên, tuy không ghi rõ là điều khoản bất khả kháng nhưng cũng quy định rõ trong các tình huống tương tự như bên bị ảnh hưởng phải chứng minh rằng “việc không thực hiện nghĩa vụ đó là do sự cản trở ngoài tầm kiểm soát” và “không thể được trông đợi một cách hợp lý là đã lường trước các trở ngại này tại thời điểm ký kết hợp đồng hoặc đã tránh hoặc khắc phục nó hoặc hậu quả của nó”.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý là quy định “bất khả kháng” phải được xem xét thận trọng. Luật quốc tế không cho phép áp dụng Covid-19 như một sự kiện bất khả kháng để miễn trừ thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Trên phương diện luật pháp, còn rất nhiều điểm không chắc chắn về điều khoản bất khả kháng mà quyết định phụ thuộc vào trọng tài hay thẩm phán trong mỗi vụ việc cụ thể khi xảy ra tranh chấp. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần thương thảo ngay với khách hàng, nhà cung cấp và các đối tác thương mại về các giải pháp.

Nếu việc ngừng hẳn là cần thiết cho lợi ích của doanh nghiệp nhưng không đạt được sự đồng thuận của các bên, doanh nghiệp cần chứng minh đã cố gắng thực hiện trong khả năng có thể các giải pháp cũng như đưa ra các kịch bản về thiệt hại nặng nề tới doanh nghiệp nếu vẫn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Việc thiết lập các chứng cứ đầy đủ sẽ giúp các trọng tài hay thẩm phán đưa ra các phán quyết phù hợp theo đúng quy định pháp luật.

Một trật tự các chuỗi giá trị nhóm ngành xuất khẩu sẽ được phân chia lại sau khi dịch bệnh kết thúc. Bài học phụ thuộc vào Trung Quốc từ khẩu trang tới thuốc và nhiều lĩnh vực thiết yếu chắc chắn không phải là một kịch bản cả thế giới chờ đợi hậu Covid-19. Trong bối cảnh hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới liên quan tới Việt Nam được thông qua, tiêu biểu là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động tạo nền tảng cho sự phục hồi thời gian tới.

(*) Tiến sĩ, giảng viên đại học CNAM, Pháp; Thành viên Viện Nghiên cứu Luật kinh doanh và tài sản IRDAP

(1) Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)

(2) www.cevalogistic.com

(3) Khoản 1 Điều 156 bộ Luật Dân sự, năm 2015,

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn