Kinh tế Việt Nam và thế giới dưới bóng ma Covid-19
18/03/2020 84967Bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới dưới bóng ma Covid-19 đè nặng và những dự báo u ám dài hạn.
Đợt bùng phát Covid-19 đang tấn công triệt để vào xuất khẩu của Trung Quốc và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nền kinh tế thứ hai thế giới gần như đứng yên sau khi chính phủ Trung Quốc kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để ngăn chặn dịch bệnh chết chóc này.
Dịch bệnh lây lan khiến người tiêu dùng lánh xa các cửa hàng, nhà hàng, hạn chế đi du lịch, các liên kết vận chuyển do đó bị gián đoạn.
Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics tin rằng sự lây lan của Covid-19 hay chính xác hơn là nỗ lực ngăn chặn nó đang gây ra mối đe dọa ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, biên tập viên kinh tế Phillip Inman của Guardian nhận định, do tầm quan trọng to lớn của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu, hậu quả của cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra có thể sẽ khó khăn và kéo dài.
1. Khởi đầu sự phá hủy
Các hãng sản xuất ô tô trên khắp Trung Quốc vẫn đóng cửa các nhà máy, các cửa hàng café ngừng đón khách, các cảng cũng yên tĩnh hơn rất nhiều so với ngày thường. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động dựa trên các hợp đồng ngắn hạn gặp rắc rối lớn.
Vũ Hán, thành phố với 11 triệu dân, tâm điểm của Covid-19 là một trung tâm công nghiệp lớn, một bánh răng quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô và là nam châm với các công ty nước ngoài. Đây cũng là cơ sở giáo dục và khoa học lớn thứ 3 ở Trung Quốc với 2 trường đại học top 10.
Năm 2019 được xem là một năm không mấy khởi sắc với nền kinh tế Trung Quốc khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần 30 năm và giảm mạnh nếu so với con số 10.2% đạt được trong năm 2010.
Giới chức lãnh đạo Trung Quốc từng hy vọng 2020 sẽ là giai đoạn phục hồi sau khi thương chiến kéo dài với Mỹ đi vào thời kì tạm hòa hoãn.
Nhưng Covid-19 đã phá hủy tất cả. Hầu hết các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc sẽ dừng ở mức 5% và có thể xuống thấp hơn.
Nhà kinh tế nổi tiếng Diana Choyleva của Enodo Economics thậm chí còn cho rằng thực tế con số tăng trưởng của Trung Quốc năm 2019 có thể chỉ là 3,7% và năm nay nó sẽ còn “rơi rụng” nhiều hơn thế.
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bà Choyleva chỉ ra rằng các khoản nợ xấu nhiều năm qua gây khó khăn cho các ngành công nghiệp lâu đời do chính phủ Trung Quốc quản lý, trở thành hòn đá tảng cản đường sự tăng trưởng của quốc gia tỷ dân.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc bơm thêm vốn vào nền kinh tế để duy trì hoạt động cho vay với mục đích chính là thúc đẩy kinh doanh đầu tư.
Nhưng bà Choyleva tin rằng số tiền dồi dào này chủ yếu là để giữ cho các công ty “xác sống” - nhóm công ty không kiếm được đủ lợi nhuận để có thể thanh toán được các khoản nợ không bị phá sản.
2. Nạn nhân là?
Các công ty toàn cầu
Trung Quốc là nhà xuất khẩu linh kiện và điện tử lớn nhất thế giới chiếm 30% xuất khẩu toàn cầu.
Chuyên gia Ana Boata tới từ trung tâm nghiên cứu Allianz nhận định đợt bùng phát Covid-19 này có khả năng đẩy lĩnh vực sản xuất trên toàn cầu rơi vào suy thoái. “Điện tử và máy tính có nguy cơ cao nhất”, bà cho hay.
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng chịu những thiệt hại đáng kể. Hơn 1/3 hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Philippines đến từ Trung Quốc.
Theo ông Shearing, việc Trung Quốc giữ vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu khiến sự gián đoạn trong nền kinh tế của họ ảnh hưởng tới các quốc gia khác.
“Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á trông có vẻ dễ bị tổn thương nhất, cũng như các công ty hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và điện tử”, ông này nói.
Mỹ đứng thứ 2 thế giới về mức phụ thuộc vào phụ kiện điện, điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018.
Vũ Hán những năm qua nổi lên như một trung tâm sản xuất phụ tùng, phụ kiện xe hơi đang bùng nổ ở Trung Quốc. Kể từ khi Covid-19 hoành hành, nhiều nhà máy tại đây phải đóng cửa. Các công ty nước ngoài hơn ai hết là những người nếm trải rõ nhất “cơn đau”.
Gã khổng lồ ô tô Mỹ-Ý Fiat Chrysler cảnh báo họ đang phải vật lộn tìm kiếm các phụ tùng chính từ các nhà cung cấp Trung Quốc và có thể sẽ buộc phải dừng sản xuất trong vài tuần.
Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc giảm mạnh khi người mua hàng ở nhà thay vì ra ngoài chi tiêu, mua sắm. Điều này có tác động toàn cầu khi quốc gia này chiếm 11% lượng hàng hóa nhập khẩu trên thế giới, tăng từ 2,7% 20 năm về trước.
Các thương hiệu bán lẻ lớn như Levi’s Strauss, Ikea, H & M, Nike và Starbucks phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng tại Trung Quốc.
“Bán lẻ và các dịch vụ liên quan của Trung Quốc đang cảm thấy sự nguy hiểm ngay lập tức của Covid-19. Từ các nhà hàng cho tới các cửa hàng, việc thiếu vắng tiếng chân người đang đánh mạnh vào doanh số bán hàng trong khi du lịch nội địa cũng giảm mạnh”, Robert Carnell, nhà kinh tế trưởng tại ING phân tích.
Cho tới hiện tại, hàng chục hãng hàng không đã hủy các chuyến bay tới Trung Quốc, một số ngưng phục vụ các đường bay tới hết tháng 4.
Du lịch quốc tế chắc chắn bị ảnh hưởng khi nhiều đơn đặt phòng, các chuyến bay bị hủy bỏ. Khách du lịch Trung Quốc chiếm một thị phần lớn trong các nhóm khách tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc, khoảng 150 triệu du khách Trung Quốc chi 279 tỷ USD đi du lịch hàng năm.
Trung Quốc cũng là nhà nhập khẩu nguyên liệu thô lớn nhất thế giới từ kim loại cho tới quặng.
Các thương nhân buôn bán đồng tại Trung Quốc mới đây buộc phải yêu cầu các công ty khai thác từ Chile đến Nigeria hủy bỏ hoặc trì hoãn các lô hàng sau khi họ đóng cửa nhà máy.
Nhiều công ty toàn cầu đang dựa vào các nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc. Ví dụ, 290 trong số 800 nhà cung cấp của Apple có trụ sở tại Trung Quốc và quốc gia này chịu trách nhiệm cho 9% sản lượng TV toàn cầu.
Theo chỉ số của DHL Resilience 360, 50% tổng lượng sản xuất tại Vũ Hán có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô và 25% cho các nguồn cung cấp công nghệ từ khu vực.
Các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu và Mỹ đang cảnh báo họ chỉ còn vài tuần nữa là rơi vào tình thế thiếu nguồn cung cấp. Trong khi đó, Hyundai đã ngừng hoạt động tại Hàn Quốc vì thiếu các bộ phận từ Trung Quốc.
Để thấy được sự phụ thuộc của một số công ty nước ngoài vào Trung Quốc, có thể lấy ví dụ nhà sản xuất gốm và thủy tinh công nghiệp Mỹ Corning. Công ty này xây dựng 19 nhà máy trên khắp Trung Quốc và có hơn 5.000 nhân viên Trung Quốc. Corning đang có kế hoạch tăng dấu chân của mình sau khi chi 1 tỷ USD cho một cơ sở để sản xuất kính đen thế hệ 10.5 hiện đại được sử dụng cho màn hình LCD.
Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Úc châu
Đông Nam Á là nạn nhân đầu tiên, khi mà các nền kinh tế ở đây gắn liền với người khổng lồ Trung Quốc. (Minh chứng rõ nhất là cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất thời kỳ hậu chiến ở châu Á năm 1997-1998: một phần bị đổ lỗi cho sự mất giá của đồng tiền Trung Quốc).
Nhật Bản có thể là một nền kinh tế giàu có hơn, nhưng vẫn sẽ là nạn nhân. Trung Quốc mua rất nhiều máy móc công nghiệp Nhật Bản, từ xe hơi, xe tải cho tới hàng tiêu dùng công nghệ tiên tiến. Hơn nữa, có hàng triệu khách du lịch Trung Quốc đến thăm hàng xóm phía đông của họ mỗi năm.
Nhật Bản đang phải chuẩn bị cho kịch bản mất đi ít nhất lượng khách 400.000 người trong quý đầu tiên của năm 2020.
Nền kinh tế Australia cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, và thủ tướng Scott Morrison đã cảnh báo về “một sức chịu thực sự đối với nền kinh tế”. Ngay cả các trường đại học Australia cũng đau đầu vì có rất ít sinh viên Trung Quốc quay trở lại để ghi danh cho năm học mới.
Nước Mỹ, ông Trump
Ngày 12/3, Tổng thống Trump cấm đi lại từ 26 nước châu Âu tới Mỹ 1 tháng. 3 ngày sau, Mỹ đưa nốt Anh và Ireland vào danh sách cấm nhập cảnh. Khi châu Âu trở thành tâm đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump buộc phải mạnh tay.
Lệnh cấm châu Âu của Tổng thống Trump khiến các hãng hàng không khai thác các chuyến bay qua lại giữa Mỹ và lục địa già chịu ảnh hưởng nặng nề.
Cổ phiếu của American Airlines giảm 15% so với phiên giao dịch trước đó, cổ phiếu của Delta giảm 13%.
Cổ phiếu của các hãng hàng không châu Âu cũng lâm vào tình cảnh tương tự, nghiêm trọng nhất là trường hợp của Air France-KLM – một trong những hãng hàng không lớn nhất châu Âu.
Thị trường chứng khoán cũng chứng kiến sự sụt giảm thê thảm sau tuyên bố bất ngờ của nhà lãnh đạo Mỹ. Cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq đều bốc hơi 5%.
“Lệnh cấm này tấn công các hãng hàng không Mỹ, nhân viên của họ, người du lịch. Vận tải hàng hóa công cộng cũng bị ảnh hưởng nặng nề”, Nicholas Nicholas Calio, Chủ tịch Hiệp hội các hãng hàng không cho Mỹ cho hay.
Theo thống kê của Hiệp hội du lịch Mỹ, trong tháng 3/2019, 850.000 du khách bay vào Mỹ từ châu Âu trừ Anh, chiếm 29% tổng số lượt du khách nước ngoài.
“Tạm ngừng du lịch từ châu Âu sẽ làm trầm trọng thêm tác động nặng nề của Covid-19 đối với ngành du lịch và 15,7 triệu người Mỹ có công việc phụ thuộc vào du lịch", Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Hiệp hội Du lịch Mỹ Roger Dow cho hay.
Các chuyên gia cho rằng với lệnh cấm lần này, bên cạnh hàng không và du lịch là 2 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thương mại và dịch vụ của Mỹ cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, các công ty Mỹ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các linh kiện cho hàng hóa sản xuất, khiến ngành sản xuất đang phục hồi quay trở lại thời kỳ suy thoái kéo dài từ năm ngoái.
Việc đóng cửa nhà máy hoặc ngưng hoạt động ở các bang trung tâm Ohio và Pennsylvania của Mỹ có thể gây khó khăn cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, chiến dịch phụ thuộc rất nhiều vào việc tạo ra việc làm công nghiệp cho các bang này.
Lục địa già cỗi Âu châu
Quyết định phong tỏa toàn đất nước ở Italy, Đan Mạch hay các lệnh đóng cửa biên giới, dừng các chuyến bay qua lại giữa các quốc gia tại lục địa già đang đặt ra các thách thức lớn với các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm 11/3 cảnh báo, dịch Covid-19 có thể là đòn giáng mạnh vào kinh tế châu Âu với mức độ nghiêm trọng tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sau khi Italy “phong toả” cả đất nước, hoạt động sản xuất tại các nhà máy là các nhà cung cấp phụ tùng chính cho ngành công nghiệp trên khắp châu Âu gián đoạn.
“Kinh tế Italy sẽ phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát và tiếp tục lan rộng sang các quốc gia châu Âu khác. Dịch bệnh sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới giao dịch thương mại giữa Italy và một số đối tác quan trọng khác tại khu vực châu Âu”, ông Jack Allen-Reynol, chuyên gia kinh tế cao cấp của châu Âu tại Capital Economics phân tích.
Nhiều nước đưa ra các cam kết kích thích tiền tệ và tăng chi tiêu chính phủ. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ thúc đẩy nhu cầu về hàng hóa trong khi dịch bệnh khiến các doanh nghiệp đóng cửa, mọi người ở nhà. Cắt giảm lãi suất và thuế không thể giải quyết được các vấn đề đó.
Ngoài các nhà sản xuất, các công ty liên quan tới du lịch là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong mùa dịch này. Số lượt khách qua lại các sân bay châu Âu dự kiến giảm 187 triệu lượt trong năm nay. Con số này đánh mạnh vào túi tiền của các khách sạn, nhà hàng, tài xế taxi và các hãng hàng không. Các hội chợ thương mại bị hủy bỏ hàng loạt và hàng loạt giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh phải tạm hoãn dài hạn.
Richard Kozul-Wright, Giám đốc Bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đưa ra dự đoán u ám khi cho rằng gần như chắc chắn châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong những tháng tới.
Toàn cầu
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 9/3, các chuyên gia cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ xuống dưới mức 2.5%, mức được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới.
Dịch bệnh khiến giá dầu lao dốc, nợ công tăng dần, các công ty không thể trụ vào thời điểm không kiếm ra khách hàng hoặc thiếu nguyên liệu.
Bloomberg Economics dự đoán trong kịch bản xấu nhất, suy thoái sẽ được ghi nhận ở Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản, GDP Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục.
Đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế thế giới.
“Nền kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ đi xuống. Một số quốc gia, như Italy và Pháp sẽ rơi vào suy thoái. Đức cũng sẽ trải qua suy thoái kỹ thuật. Điều cần làm ngay lúc này là phải chi nhiều hơn để tránh kịch bản tồi tệ nhất xảy ra. Chúng ta đã có bài học khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, báo hiệu thế giới sẽ chứng kiến hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế sắp tới”, chuyên gia phân tích kinh tế người Đức - Robert Halver cho hay.
3. Bóng ma Covid-19 bao trùm kinh tế Việt Nam
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
Covid-19 còn khiến hoạt động sản xuất có thể trì trệ, thương mại bị hạn chế, nông nghiệp, bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng “dính đòn”.
Hàng không: Mất trắng trên 1 tỷ USD
Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, diễn biến phức tạp của dịch có thể tác động làm ảnh hưởng doanh thu của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng năm 2020.
Trong đó, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu giảm 12.500 tỷ đồng, Jetstar Pacific dự kiến giảm thu nhập khoảng 732,8 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, doanh thu của ngành đã bị sụt giảm tới 25.000 tỷ đồng.
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, dịch Covid-19 'thổi bay' tích luỹ của hãng 4-5 năm qua. “Dịch bùng phát tại Hàn Quốc, Italy khiến tình hình căng thẳng hơn, khách bỏ chỗ nhiều. Tích lũy của 4-5 năm vừa qua quay về con số 0”, ông Thành nói.
Trước tình hình đó, Vietnam Airlines cho biết phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian. “Trước mắt, phi công nước ngoài nghỉ không lương 3 tuần. Phi công người Việt cũng được bố trí nghỉ 10 ngày đến 2 tuần. Cùng với đó, lương lãnh đạo bị giảm 40%”, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết.
Do nhu cầu đi du lịch giảm, hãng bay trẻ song phát triển “thần tốc” gần đây nhờ hậu thuẫn tài chính mãnh mẽ bởi FLC Group là Bamboo Airways cũng đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố Covid-19.
“Nhiều đường bay Bamboo Airways bị giảm số chuyến hoặc dừng tạm thời vì Covid-19”, đại diện hãng cho biết.
Trong khi đó, việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…khiến Vietjet chịu ảnh hưởng nặng nề. Dù không công bố số liệu cụ thể, song với thị trường Trung Quốc, Vietjet bị ảnh hưởng nặng hơn Vietnam Airlines.
Du lịch kiệt sức
Cùng với hàng không, du lịch nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Chia sẻ tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các tập đoàn kinh tế tư nhân vào sáng 12/3, đại diện Sun Group cho biết, dịch vụ vui chơi giải trí chiếm 70% doanh thu nhưng 2 tháng đầu năm nay giảm tới 2 triệu lượt khách và có thể sau nửa đầu năm, số khách giảm lên tới 7 triệu. Tính riêng mảng này, Sun Group dự kiến giảm doanh thu 2.000 tỷ đồng.
Trong thông báo gửi đối tác mới đây, Công ty cổ phần Vinpearl cho biết sẽ đóng cửa tạm thời gần một tháng đối với hai khách sạn ở Nha Trang là Vinpearl Discovery 1 Nha Trang và Vinpearl Condotel Empire Nha Trang đến ngày 31/3/2020.
Hai khách sạn khác tại khu vực miền Trung sẽ đóng cửa tạm thời là Vinpearl Resort & Spa Hội An và Vinpearl Resort & Spa Đà Nẵng. Vinpearl chưa xác định ngày nào sẽ mở cửa trở lại mà thời hạn đóng cửa được xác định là “cho đến khi có thông báo mới”.
Tương tự là ba khách sạn ở Phú Quốc, bao gồm Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc, Vinpearl Discovery 3 Phú Quốc và Vinpearl Luxury Phú Quốc. Đại diện Vinpearl cho biết sẽ duy tu, bảo trì nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng trong thời gian đóng cửa tạm thời.
Tình trạng này cũng không mấy sáng sủa ở các tập đoàn có lĩnh vực dịch vụ, khách sạn lưu trú, du lịch khác như BRG, FLC... Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung, ngành du lịch của Việt Nam dự kiến trong 3 tháng tới chịu thiệt hại trong khoảng từ 6 - 7 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng “kiệt sức” do khách du lịch giảm kỷ lục.
Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết dịch Covid-19 khiến lượng khách du lịch tới các điểm tham quan giảm khoảng 60%, hệ thống cơ sở lưu trú giảm khoảng 50%, có những ngày thấp điểm chỉ đạt công suất 30%.
“Hà Nội có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng. Nhưng với tình hình khó khăn chung, các cơ sở lưu trú này đều đang gặp thách thức trong kinh doanh. Nhiều khách sạn phải cắt giảm nhân sự, giảm lương của nhân viên, thậm chí có nơi phải đóng cửa để bảo toàn vốn, tránh thiệt hại thêm nặng”, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho hay.
Dệt may: Công nhân nghỉ luân phiên
Dệt may và da giày được đánh giá là hai lĩnh vực chịu tác động trực tiếp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và xuất khẩu bị đình trệ. Theo tính toán, nếu chậm nguyên liệu trong nửa tháng, riêng ngành dệt may sẽ thiệt hại từ 1,5 - 2 tỷ USD.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, cho biết doanh nghiệp đang trong “cơn khát” nguyên liệu do hầu hết nhà cung cấp đến từ Trung Quốc – nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19.
Theo đó mỗi tháng, doanh nghiệp này sản xuất 120.000 bộ vest, 1,2 triệu áo sơ mi, 600.000 jackets và quần. Tương đương ứng khoảng 1.000 mã hàng/tháng. Mỗi mã hàng lại có rất nhiều màu sắc, size khác nhau… nên cần rất nhiều mã vải và phụ liệu.
Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, các nhà xưởng Trung Quốc đi làm lẻ tẻ do dịch bệnh, cộng thêm việc kiểm soát xuất nhập khẩu nên tình hình nguyên liệu lại càng khó khăn. “May 10 đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu trong thời gian tới”, ông Việt nói.
Được biết, May 10 đang có khoảng 12.000 công nhân với các nhà máy ở nhiều tỉnh như Thái Bình, Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định… Từ khi bùng phát dịch bệnh, trung bình các nhà máy đã cho công nhân nghỉ thêm khoảng 11% số ngày đi làm trong tháng. “Từ số ngày đi làm hụt đi có thể suy ra việc giảm doanh thu, lợi nhuận”, ông Việt nói thêm.
Tương tự, do linh kiện của ngành phụ thuộc lớn vào 2 thị trường là Trung Quốc và Hàn Quốc. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử như điện thoại, TV cũng đang “thấm đòn” cùng dịch bệnh.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bán lẻ và dòng vốn đầu tư quốc tế cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Theo đó, dịch bệnh sẽ tác động đến tâm lý của người dân, nảy sinh xu hướng phòng thủ, tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, làm ảnh hưởng đến sức mua, khiến tiêu dùng cá nhân sẽ giảm trong ngắn hạn.
Trong khi lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, 2 tháng đầu năm, vốn thực hiện dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,45 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ ra tay
Trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.
Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, hiện Luật đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư. Do đó, doanh nghiệp này mong được Chính phủ quan tâm, là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, đại diện hãng bay Vietjet cho rằng cần miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm 50-70% phí dịch vụ hoạt động hàng không.
“Hiện mỗi lít xăng gánh 3.000 đồng thuế môi trường, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay. Đây là thuế gián thu, nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không”, đại diện Vietjet nói.
Cùng đó, vị này bày tỏ mong muốn được giảm lãi suất vay trong 2-3 năm để giúp doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Tất nhiên đi cùng đó là điều kiện doanh nghiệp phải cam kết sử dụng vốn hiệu quả.
Còn đại diện của Vingroup đề nghị Chính phủ rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp rộng tay, rộng chân hơn để phát triển.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), các ngành sản xuất tại Việt Nam đang chịu sức ép vì hầu hết nguyên nhiên vật liệu, phụ trợ, phụ tùng, hay thiết bị đầu vào cho quá trình sản xuất được nhập từ nước ngoài.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cho rằng doanh nghiệp bị tác động bởi Covid-19 đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành. “Chính phủ có thể giảm thuế, phí, giãn nợ… và có các gói kích thích tài chính để hỗ trợ giúp doanh nghiệp lấy lại phong độ”, ông Long nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm... với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, đặc biệt những ngành nghề thiệt hại nặng cần tập trung hơn, bao gồm cả chương trình kích cầu.
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho thấy chỉ trong 2 tháng đầu năm có tới 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; 2.807 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Covid-19 có thể coi là “cú sốc” với nền kinh tế. Dù Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản theo tình hình dịch Covid-19 để chủ động ứng phó, nhưng theo báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với kinh tế xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã giảm mức dự báo GDP từ 6,8% xuống chỉ còn 5,96% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý II- mức thấp nhất trong 7 năm gần đây.
4. Dự báo u ám
Deutsche Bank dự báo, do đại dịch Covid-1, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ thấp hơn 1,5% trong quý đầu tiên của năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, ở mức 4,6%. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm hơn 0,5 điểm phần trăm.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán sự phục hồi của tăng trưởng Trung Quốc sẽ đến trong quý II, khi cho rằng điểm bùng phát tồi tệ nhất đã qua. Tuy nhiên, Freya Beamish, nhà kinh tế châu Á trưởng tại Pantheon Economics, cảnh báo rằng sự khởi động lại trong sản xuất có thể sẽ bù đắp phần lớn sự phục hồi, nhưng “nhiều dịch vụ khó có thể trở lại và phục hồi trên công việc bị mất”.
Tổ tư vấn kinh tế Oxford Economics dự kiến tác động mạnh mẽ hơn nữa đến tăng trưởng của Trung Quốc và đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu xuống 2,3% vào năm 2020, giảm từ 2,5% - con số đánh dấu sự tăng trưởng hàng năm yếu nhất kể từ năm 2009.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế khác đưa ra viễn cảnh ảm đạm hơn, cảnh báo rằng nếu virus tiếp tục lây lan và hoạt động của Trung Quốc vẫn bị gián đoạn sâu sắc trong nhiều tháng, sự co lại của nền kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương có rất ít nguồn tiền hiệu quả cho các trường hợp khẩn cấp.
Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Barclays, cho biết: “Có nguy cơ rằng cơ chế phản hồi bất lợi và không gian hạn chế cho phản ứng chính sách có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến tới suy thoái”.
Nguồn: VTC
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024