Tin tức

Hiệp định thương mại và động lực cải cách

02/03/2020    444

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu - EU (EVFTA), được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12-2 vừa qua, và nếu được Quốc hội Việt Nam tiếp tục phê chuẩn, sẽ có thể được thực hiện ngay giữa năm nay. Nhìn lại kinh nghiệm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong một năm qua, có thể thấy, Việt Nam chỉ bắt kịp con đường “cao tốc” hướng tây nối với EU khi mà “chuyến xe cải cách” được tăng tốc.

Dư địa cải cách lớn

Đối với một nền kinh tế có quy mô tương đối nhỏ như Việt Nam, muốn phát triển đất nước không thể chỉ dựa vào nội lực mà còn rất cần tận dụng một cách hiệu quả các cơ hội thương mại và đầu tư cấp khu vực cũng như quốc tế. Xác định rõ điều này, ngày 5-11-2016, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/T.Ư về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”.

Là một trong những chuyên gia kỳ cựu của Việt Nam về hội nhập kinh tế quốc tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, lợi ích của hội nhập mà nền kinh tế nhận được phụ thuộc hoàn toàn vào đối sách của Việt Nam. “Mục đích tham gia các FTA thế hệ mới của Việt Nam không chỉ là tăng cường xuất khẩu, mở rộng sản xuất, thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... mà là coi các cam kết trong các FTA thế hệ mới, điển hình là CPTPP và EVFTA là chất xúc tác để cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, giảm các tác động của chệch hướng thương mại…”, ông Thành phân tích.

Còn nhớ, trong lần rà soát chính sách thương mại trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đầu tiên, được thực hiện theo kỳ bảy năm một lần, WTO đánh giá Việt Nam tuân thủ tốt các cam kết. Thế nhưng xét ở góc độ cơ hội mà nền kinh tế Việt Nam khai thác được từ WTO lại được nhìn nhận là không cao, chưa kể nhiều cơ hội đã bị biến thành thách thức khi khu vực FDI đang trở thành trụ cột trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam... Điều đó khiến cho chúng ta phải tìm ra lời giải cho việc làm sao tận dụng được cơ hội từ các FTA?

Rõ ràng, thực thi các FTA không chỉ là tuân thủ các cam kết đã ký, mà quan trọng không kém là khả năng lớn lên của các doanh nghiệp (DN) trong nước. Nếu DN còn gặp khó vì vướng điều kiện kinh doanh, các quy định kiểm tra chuyên ngành… thì làm sao có thể tận dụng cơ hội ở bên ngoài? Về điểm này, TS Thành thẳng thắn chỉ ra những nút thắt thể chế khiến cho các DN không muốn gia nhập thị trường vì chi phí tuân thủ và rủi ro cao.

Ví EVFTA như con đường cao tốc, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lo ngại khi nhắc tới những rào cản ở chính “tỉnh lộ” khiến cho DN không tự giải được bài toán về năng lực sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh với các đối thủ... Điều ấy không thừa nếu soi lại những chậm trễ trong việc luật hóa các cam kết thực thi WTO hay quá trình tháo gỡ các rào cản thị trường để cải thiện môi trường kinh doanh.

Cùng góc nhìn, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI) thẳng thắn nhận định: “Tại sao khi phân tích các cam kết trong EVFTA về cách thức quản lý rủi ro của hải quan, chúng ta không coi đó là tiêu chuẩn cho toàn bộ quy trình thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Cho dù đối tác đánh giá chúng ta tuân thủ tốt cam kết, nhưng thực tế dòng hàng hóa lưu chuyển vẫn khó khi quản lý chuyên ngành không áp dụng nguyên tắc này. Vậy nên, DN đang kỳ vọng đối sách của Chính phủ không chỉ để tuân thủ cam kết của EVFTA và cả CPTPP mà là làm sao tận dụng tối đa các FTA của Việt Nam”.

Ở thời điểm hiện nay, có thể nói cộng đồng DN và các chuyên gia kinh tế đang gặp nhau ở cùng một mong mỏi, các đầu mối cải cách cụ thể mà Chính phủ đã giao tại Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được triển khai mạnh mẽ. Xét đến cùng, thực thi các FTA cũng đồng nghĩa với chấp nhận sức ép giúp Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế tốt nhất.

Rút ngắn khoảng cách pháp lý

Phải nói rằng, nếu việc thực thi các FTA thế hệ cũ gần như chỉ trông vào thời điểm ban hành các biểu thuế xuất - nhập khẩu mới với các quy định về nguyên tắc xuất xứ, thì cam kết CPTPP cũng như EVFTA bao gồm các nội dung liên quan đến quy định pháp luật trong nước, nghĩa là đòi hỏi công việc phải thực hiện để tuân thủ cũng như sự chuẩn bị nội dung pháp lý, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành lớn hơn rất nhiều.

Các FTA thế hệ mới như CPTPP và cả EVFTA đã tập hợp những quốc gia hàng đầu nếu nhìn ở khía cạnh môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn, trong 11 quốc gia thành viên hiện tại của CPTPP, Việt Nam chỉ đứng trên Peru sáu bậc trong xếp hạng Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện. Còn trong đánh giá của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á -Thái Bình Dương (ESCAP) về khoảng cách pháp lý đối với các đối tác FTA vào năm 2019, Việt Nam cũng thuộc nhóm nước còn khá xa so với thông lệ tốt quốc tế.

Muốn rút ngắn được khoảng cách này, bộ máy quản lý nhà nước cần phải chuyển động đồng tốc với tốc độ hội nhập của nền kinh tế cũng như những đòi hỏi cải cách môi trường kinh doanh từ DN. Có lẽ phải nhắc lại một ý được trích ra từ Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện năm 2015. Đó là phần lớn các bộ, ngành địa phương báo cáo kết quả thực hiện so với cam kết nhưng không thấy sự năng động sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề có tính liên ngành phát sinh trong quá trình hội nhập, không thấy mục tiêu thực hiện hiệu quả các cam kết...

Sau gần 5 năm kể từ thời điểm công bố báo cáo, sự năng động và sáng tạo nói trên vẫn còn khá hiếm hoi. Do đó, TS Võ Trí Thành đã kiến nghị, làm sao trong các kế hoạch hành động thực hiện CPTPP nên gộp cả EVFTA, và không chỉ là nỗ lực thực hiện cam kết, mà phải là các giải pháp thực hiện hiệu quả cam kết, tận dụng cam kết để đạt các mục tiêu phát triển. Chỉ có như vậy, việc tận dụng cơ hội mới mang tính thực chất.

Nguồn: Báo Nhân Dân