Tin tức

CPTPP và EVFTA thúc hoàn thiện miếng ghép "phụ trợ" thị trường bảo hiểm

24/02/2020    207

Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, các quy định của pháp luật không hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (PTBH); cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được cung cấp dịch vụ PTBH qua biên giới.

Thưa ông, vì sao đến ngày 1/11/2019, Việt Nam mới cho phép các tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ PTBH?

Một thị trường bảo hiểm hoàn chỉnh gồm kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm; trung gian bảo hiểm (đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm); dịch vụ PTBH. Thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất non trẻ, đến ngày 1/11/2019, mới chỉ có kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm và trung gian bảo hiểm. Vì vậy, để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam phải hoàn thiện các yếu tố hình thành thị trường bảo hiểm đầy đủ. Đó là lý do, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó bổ sung hoạt động cung cấp dịch vụ PTBH.

Thực ra, dù không có CPTPP và EVFTA, thì thời gian tới, Việt Nam cũng sẽ đưa dịch vụ PTBH vào thị trường nhằm hoàn thiện thị trường bảo hiểm, tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ PTBH, đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

Tạo điều kiện tối đa bằng cách nào, thưa ông?

Dịch vụ PTBH là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm hay môi giới bảo hiểm, mà tất cả tổ chức, cá nhân nếu đáp ứng điều kiện đều được cung cấp dịch vụ PTBH.

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Muốn cung cấp dịch vụ PTBH, tổ chức, cá nhân không cần phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, cũng không cần phải có giấy phép thành lập và hoạt động, mà chỉ cần đáp ứng các điều kiện là được tự do tham gia thị trường; cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra sau (hậu kiểm), nếu tổ chức, cá nhân nào không đáp ứng điều kiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí chấm dứt hoạt động.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong các hoạt động dịch vụ PTBH, cá nhân hành nghề tự do chỉ được phép kinh doanh hoạt động tư vấn bảo hiểm, nhưng bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Còn muốn thực hiện tất cả các hoạt động của dịch vụ PTBH, thì bắt buộc cá nhân phải góp vốn, thành lập doanh nghiệp hay tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân.

Từ trước đến nay, nhân viên bảo hiểm hoạt động dưới hình thức đại lý vẫn thực hiện tư vấn cho khách hàng, nhưng không cần phải có điều kiện gì, trong khi kể từ ngày 1/11/2019, muốn hoạt động tư vấn bảo hiểm, cá nhân phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Thưa ông, như vậy, quy định mới là thắt chặt, chứ không phải tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi trong hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm?

Khi tiếp cận với khách hàng để bán bảo hiểm, các đại lý bảo hiểm không phải thực hiện tư vấn theo đúng nghĩa, mà thực tế là giới thiệu, quảng bá, giải thích với khách hàng về sản phẩm bảo hiểm có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm để khách hàng lựa chọn. Đại lý bảo hiểm chỉ phân tích cho khách hàng quyền lợi và trách nhiệm của khách hàng khi tham gia các sản phẩm bảo hiểm sẵn có của doanh nghiệp bảo hiểm mà họ đang đem bán. Còn tư vấn bảo hiểm là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng, hạn chế tổn thất, nên đòi hỏi người tư vấn phải có trình độ nhất định.

Thực ra, quy định về điều kiện đối với nhân viên tư vấn bảo hiểm hiện nay không cao, cá nhân chỉ cần có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm; nếu không thì phải có văn bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm do cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp ở trong nước hoặc ở nước ngoài cấp.

Tôi cho rằng, các điều kiện như vậy là thông thoáng, phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia hoạt động tư vấn bảo hiểm nói riêng, cung cấp dịch vụ PTBH nói chung.

Với việc cho phép cung cấp dịch vụ PTBH xuyên biên giới, thì làm sao quản lý được tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, thưa ông?

Việt Nam cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm theo lộ trình khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nên không có lý do gì hạn chế hoạt động cung cấp dịch vụ PTBH qua biên giới. Hơn nữa, Việt Nam tham gia CPTPP và EVFTA và cả 2 hiệp định này đều yêu cầu mở cửa hoàn toàn thị trường bảo hiểm.

Cũng như các nước, Việt Nam cũng phải đặt ra các điều kiện để hạn chế hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm của tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam, vì hoạt động bảo hiểm không chỉ là “lưới an toàn” cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của xã hội, mà còn đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam không hề đặt thêm bất cứ điều kiện gì để hạn chế tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ PTBH qua biên giới vào Việt Nam, mà chỉ yêu cầu đáp ứng đúng điều kiện như với tổ chức, cá nhân hiện diện tại Việt Nam đang cung cấp dịch vụ PTBH. Với quy định này, cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn quản lý được hoạt động cung cấp dịch vụ PTBH qua biên giới vào Việt Nam.

Nguồn: Báo Đầu Tư