Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất 1,1 nghìn tỷ USD thu nhập
21/02/2020 284Theo một dự báo của cơ quan dự báo kinh tế hàng đầu thế giới Oxford Economics đưa ra ngày 19/2, dịch virus corona mới (Covid-19) có thể khiến nền kinh tế toàn cầu tổn thất hơn 1,1 nghìn tỷ USD thu nhập nếu bùng phát thành đại dịch.
Oxford Economics cảnh báo rằng sự lây lan của virus sang các khu vực bên ngoài châu Á sẽ làm giảm 1,3% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, tương đương với 1,1 nghìn tỷ USD thu nhập bị mất. Mô hình của nền kinh tế toàn cầu cho thấy virus đã có hiệu ứng đóng băng nền kinh tế do vụ đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc tràn sang các nước láng giềng và các công ty lớn vật vã tìm nguồn linh kiện và hàng hóa thành phẩm thay thế.
Ví dụ, hãng Apple đã thông báo tới các nhà đầu tư rằng họ sẽ không đạt được mục tiêu doanh thu hàng quý vì nguồn cung iPhone tạm thời bị hạn chế và sự sụt giảm đáng kể trong chi tiêu của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng virus. Công ty sản xuất xe hơi Jaguar Land Rover đã lên tiếng về vấn đề cung cấp vì có thể hết phụ tùng xe hơi tại các nhà máy ở Anh vào cuối tháng 2 nếu virus corona tiếp tục ngăn chặn việc nhập khẩu các bộ phận đến từ Trung Quốc.
Oxford Economics dự kiến, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 6% năm ngoái xuống còn 5,4% vào năm 2020 sau sự lây lan của virus cho đến nay. Nhưng nếu dịch bệnh lan rộng hơn ở châu Á, GDP thế giới sẽ giảm 400 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 0,5%. Nếu virus lan rộng ra khỏi châu Á và trở thành đại dịch toàn cầu, GDP thế giới sẽ giảm 1,1 nghìn tỷ USD, tương đương 1,3% so với dự báo hiện tại. Mức giảm 1,1 nghìn tỷ USD sẽ giống như mất toàn bộ sản lượng hàng năm của Indonesia, nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới. Các kịch bản của Oxford Economics cho thấy GDP thế giới bị ảnh hưởng do sự sụt giảm trong tiêu dùng và du lịch, với một số hiệu ứng thị trường tài chính và đầu tư yếu hơn.
Một dự báo khác của Capital Economics thì cho biết, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn đang diễn biến phức tạp và vẫn chưa rõ kéo dài bao lâu nữa trước khi các quy tắc kiểm dịch trên phần lớn vành đai trung tâm của Trung Quốc sẽ dẫn đến sa thải công việc hàng loạt và cắt giảm tiền lương ngày càng lan rộng. Cơ quan này cho biết 85% các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán có đủ tiền để đáp ứng các khoản nợ và hóa đơn tiền lương trong hơn sáu tháng mà không có thêm doanh thu. Nhưng hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm một nửa số công việc ở thành thị, có thể không chú ý đến các lệnh của chính phủ để không làm mất việc. Một cuộc khảo sát trên 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thực hiện bởi hai trường đại học Trung Quốc cho thấy trừ khi điều kiện dịch bệnh được cải thiện, 1/3 các công ty sẽ hết tiền trong vòng một tháng.
Một khảo sát khác với 700 công ty cho thấy 40% doanh nghiệp tư nhân sẽ hết tiền trong vòng ba tháng. Dự đoán tốt nhất là vẫn còn một tuần nữa trước khi kết thúc tháng 2, nếu hoạt động kinh tế tăng trở lại, phần lớn nhân viên bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương có thể sẽ giữ được việc làm. Sau đó, với việc sa thải quy mô lớn đã tránh được, chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh chóng do nhu cầu bị dồn nén, điều này sẽ giúp các doanh nghiệp và các hộ gia đình thu lại phần lớn thu nhập bị mất gần đây. Tuy nhiên, với mỗi ngày sự gián đoạn kéo dài, nguy cơ sụt giảm kéo dài trong sản lượng tăng lên. Nếu hoạt động không hồi phục rõ ràng vào cuối tháng 2 thì các doanh nghiệp có thể phải xem xét lại dự báo tăng trưởng hàng năm.
Oxford Economics vẫn dự kiến tác động của virus sẽ được giới hạn ở Trung Quốc và có tác động đáng kể, nhưng ngắn hạn, khiến tăng trưởng GDP thế giới chỉ thấp hơn 0,2% so với tháng 1 ở mức 2,3%. Nhưng việc trở thành đại dịch sẽ gây ra một cú sốc sâu sắc hơn trong 6 tháng tới, có thể tương đương với khoản tổn thất 1,1 nghìn tỷ USD.
Nguồn: Báo Công Thương
- Ông Trump nêu điều kiện để dỡ bỏ thuế quan áp lên Trung Quốc
- Ông Trump tìm cách trấn an người Mỹ về cuộc chiến thuế quan
- Tận dụng FTA giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
- Trung Quốc âm thầm miễn thuế quan trả đũa với một số hàng hóa Mỹ
- Cấp thiết ‘siết’ xuất xứ để bảo vệ hàng Việt, giảm rủi ro thuế quan