Tin tức

Dịch Corona tác động tiêu cực liên ngành và lan tỏa rộng khắp

07/02/2020    6603

Với kinh nghiệm làm thống kê nhiều năm, TS. Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định dịch Corona sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế trên quy mô rộng và liên ngành.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm do virus Corona gây ra, bước đầu đã có một vài dự báo từ phía các công ty chứng khoán, đơn vị thống kê độc lập, chuyên gia về tác động của dịch bệnh này tới kinh tế Việt Nam. Đa số các dự báo đều cho rằng dịch cúm này sẽ có những tác động tiêu cực, chung cho nền kinh tế.

Để làm rõ hơn dịch cúm Vũ Hán do virus Corona gây ra ảnh hưởng sẽ như thế nào tới kinh tế Việt Nam nói chung và từng ngành riêng lẻ, phóng viên đã trao đổi với TS.Vũ Thanh Liêm, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về vấn đề này.

Phóng viên: Ông có thể cho biết dự báo về ảnh hưởng của dịch Corona tới các ngành kinh tế Việt Nam?

TS. Vũ Thanh Liêm: Dịch cúm lần này chắc chắn có ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực và các ngành nghề khác nhau. Các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất có thể kể tới là du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Trước tiên có thể thấy rõ nhất là ảnh hưởng của dịch tới sản xuất nông nghiệp, chủ yếu ở các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 1 tốc độ xuất khẩu đã bắt đầu chững lại, có dấu hiệu giảm, dù chưa thấy rõ dấu vết ảnh hưởng từ dịch cúm Vũ Hán. Tuy nhiên, với tình trạng các cửa khẩu có biên giới với Trung Quốc đã bị đóng cửa như hiện nay, tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới đều dừng lại thì mặt hàng rau củ quả, đồ tươi sống sẽ chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất do không bảo quản được lâu. Nếu đóng cửa biên giới lâu dài còn ảnh hưởng lan toả tới sản xuất nông lâm thuỷ sản nội địa.

Đến thời điểm hiện tại, giải pháp được đưa ra là tìm những đối tác khác ngoài Trung Quốc. Nhưng thực tế, muốn tìm đối tác mới thì cũng không đơn giản, không phải chuyện một sớm một chiều vì xuất khẩu thường làm theo mối quen, quan hệ tạo dựng lâu dài.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam, năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 35%. Những sản phẩm nông sản đóng góp phần quan trọng, đáng kể trong tăng trưởng giá trị gia tăng ở khu vực nông lâm thuỷ sản. Do đó, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng thì tốc độ gia tăng giá trị tăng thêm của khu vực này hẳn sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.

Sau nông nghiệp, tiếp theo là ảnh hưởng tới công nghiệp. Dự báo là khu vực công nghiệp cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ dịch cúm này. Các doanh nghiệp FDI đến từ Trung Quốc thường sử dụng lượng lớn lao động và chuyên gia là người Trung Quốc. Việc hạn chế xuất nhập cảnh giữa 2 nước ở ngay thời điểm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán đã, đang và sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động của các nhà máy.

Khi nhà máy không thể vận hành, lao động Việt Nam tại đây cũng sẽ khó bắt tay ngay vào công việc. Như vậy, dịch cúm sẽ ảnh hưởng lớn tới guồng sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam, gián tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2020.

Cùng với việc ngưng trệ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc thì các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào sự phát triển của doanh nghiệp FDI.

Không những vậy, dù các doanh nghiệp đã chủ động nhập nguyên vật liệu trước tết Nguyên đán. Nhưng với tình trạng hạn chế xuất nhập khẩu với Trung Quốc như hiện nay, sẽ có tình trạng các doanh nghiệp trong nước và FDI ở một số ngành như may mặc, điện tử… thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên nhiên vật liệu nhập từ thị trường Trung Quốc. Theo thống kê, có thời điểm khoảng 90% nguyên vật liệu sản xuất của Samsung là được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tiếp sau công nghiệp có thể kể tới ảnh hưởng của dịch cúm tới du lịch và dịch vụ khác. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ bị giảm rõ rệt.

Lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam thường tăng cao trong mùa lễ hội (tháng 1,2,3 hàng năm) và chiếm tỷ trọng lớn khoảng 1/3 lượng lượng khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam. Trước tình hình dịch cúm đang diễn biến như hiện nay, dự báo lượng khách Trung Quốc sẽ giảm mạnh vào những tháng đầu năm 2020.

Và không chỉ lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam giảm mà với tâm lý e ngại khi tới du lịch tại các vùng có dịch cúm, lượng khách ở các quốc gia khác tới Việt Nam cũng giảm.

Mặt khác, trong những năm gần đây, du lịch nội địa tăng cao, đóng góp nhiều cho doanh thu ngành du lịch nói chung. Trong khi đó, trước tâm lý e ngại đám đông do dịch cúm và yêu cầu của cơ quan chức năng quyết định ngừng khai mạc với những lễ hội chưa mở cửa gần đây sẽ làm hoạt động này chững lại. Những dịch vụ đi kèm như dịch vụ, ăn uống cũng sẽ bị đình trệ.

Cũng theo số liệu của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc năm 2019 chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 24% còn nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao hơn (38,7%). Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc rất lớn vào xuất nhập khẩu. Vì thế mà việc xuất khẩu tạm thời bị đình trệ cũng sẽ ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất trong nước.

Các ngành dịch vụ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch cúm Corona. Trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng khoảng 41,6%. Trong đó, những ngành thường có mức tăng trưởng cao như bán buôn và bán lẻ (tăng 8,82%); vận tải, kho bãi (tăng 9,12%) đều là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh.

Vậy theo ông, GDP quý I và có thể là cả quý II/2020 sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi dịch cúm này?

Dịch cúm này diễn biến rất phức tạp, khó lường, cho tới hiện nay cũng chưa có một dự báo nào chắc chắn rằng bao giờ nó sẽ kết thúc. Theo một dự báo của Nhật Bản, dịch cúm này có thể kéo dài hết tháng 4. Đây cũng là thời điểm bắt đầu của mùa hè nên dự báo này có thể đúng. Dù đúng như vậy thì ảnh hưởng của dịch cúm tới kinh tế Việt Nam cũng sẽ kéo dài trong nửa đầu năm 2020. Chắc chắn trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ sớm có những dự báo đánh giá về mức độ ảnh hưởng của dịch cúm này tới kinh tế, sản xuất để doanh nghiệp có cơ sở đưa giải pháp thích hợp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.

Có thể thấy tác động của dịch cúm Vũ Hán là rộng khắp và có tính liên ngành. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về thiệt hại của dịch cúm này tới nền kinh tế nhưng nếu tình trạng này kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế, GDP quý I và quý II sẽ khó tăng trưởng như cùng kỳ năm 2019. Để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP khoảng 6,8% sẽ gặp thêm những thách thức mới và lớn hơn trước.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Nhà Đầu Tư