Tin tức

Báo Nhật khen Việt Nam biết “ngoại giao”

03/12/2010    49

Báo Nhật Bản ”Senshoku Shimpo” số ra ngày 26/11/2010 vừa qua đã có bài viết ca ngợi Việt Nam với nhan đề “Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng – Tâm điểm của ASEAN”. Dưới đây là nguyên văn bài viết.

Việt Nam được biết đến ở Nhật Bản như là một quốc gia tiếp nhận và sử dụng hiệu quả Viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Hiện Việt Nam đang nổi lên như một trong những công xưởng sản xuất của thế giới. Việt Nam có quan hệ thương mại mật thiết với Nhật Bản và cơ sở hạ tầng - yếu tố không thể thiếu cho phát triển kinh tế - đang thay đổi với nhịp độ cao.

Nhờ đó, ODA dành cho Việt Nam cũng tăng lên trong khi một bộ phận của ngành công nghiệp chế tạo Nhật Bản - như công nghệ cao, chế tạo ô tô và may mặc - đã chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam đồng thời hoạt động đầu tư cũng ngày càng sôi động.

Có thể nói rằng, với tiềm năng phát triển kinh tế cao, nằm trong khu vực hàng hóa lưu thông thuận tiện, lực lượng lao động dồi dào và môi trường giáo dục trình độ cao, Việt Nam chứa đựng những tiềm năng phát triển lớn trong môi trường kinh tế - xã hội toàn cầu đang không ngừng thay đổi.

Đầu tiên phải kể đến là một ASEAN cởi mở nhờ vai trò của Việt Nam. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã phát huy vai trò lãnh đạo khôn khéo và mềm dẻo trong bối cảnh các quốc gia Đông Nam Á đang phấn đấu trở những nước công nghiệp mới (NIC).

Đặc biệt, Việt Nam đã chủ trì thành công hội nghị quốc tế và tăng cường độ tin cậy của các nhà lãnh đạo thế giới đối với nước này.

Cụ thể, Việt Nam đã  đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh tự do hàng hải trên Biển Đông thành vấn đề quốc tế, nhận được sự quan tâm cao của các nước trong và ngoài khu vực. Thực tế là cộng đồng đã cùng có trách nhiệm trong vấn đề biển Đông.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đánh giá cao việc tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như vấn đề cam kết thảo luận với các nước ASEAN chuyển từ DOC sang Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) - song đây có lẽ không phải là một cam kết chắc chắn.

Ngoài ra, việc đưa Mỹ và Nga tham gia vào Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với 8 nước - trong đó có Nga và Mỹ - tham gia đã tạo thêm điều kiện thuận lợi hướng tới xây dựng "Cộng đồng ASEAN" từ 3 trụ cột "Cộng đồng văn hóa - xã hội", "Cộng đồng Kinh tế" và "Cộng đồng Bảo đảm An ninh - Chính trị", đặc biệt là có thể kiềm chế một nước Trung Quốc đang phát triển kinh tế và tăng cường quân sự, góp phần duy trì hòa bình an ninh, tự do hàng hải trên biển Đông.

Nhật Bản hiện chưa tìm ra cách thức trong việc giải quyết các vấn đề quần đảo Senkaku và lãnh thổ phía Bắc trong bối cảnh tranh chấp giữa Tokyo với các nước xung xung luôn trong tình thế bế tắc. Phải nói rằng, Nhật Bản có nhiều điểm cần học tập Việt Nam, trên cơ sở đề cao giá trị nội tại của mình trong bối cảnh kinh tế xã hội đang toàn cầu hóa.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: "Việt Nam có kế hoạch xây dựng một cảng phức hợp cung cấp dịch vụ cho tàu quân sự ở Cam Ranh". Ông cho biết Việt Nam dự định nhờ Nga - nước có kinh nghiệm phong phú - tư vấn xây dựng, đồng thời nhấn mạnh hiện tại sẽ cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân nước ngoài (có khả năng đáp ứng dịch vụ cho cả tàu ngầm) theo cơ chế thị trường như các nước đang làm hiện nay. Đồng thời, Thủ tướng Việt Nam cũng đã công khai tuyên bố hợp tác với Nhật Bản xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai.

Ở ASEAN, Việt Nam được đánh giá rằng: "Với những sự kiện vừa qua, Việt Nam có thể cho thấy sự tự tin và lớn mạnh của mình trên đường tiến tới một xã hội quốc tế".

Ngành may mặc của Nhật Bản cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác với Việt Nam. Hơn 20 doanh nghiệp may mặc vải truyền thống từ 20 năm trước hiện đang tăng cường quan hệ giao lưu, buôn bán với Việt Nam và giúp kéo dài độ bền của trang phục qua nhiều năm.

Như một ngọn lửa nhen nhóm tình hữu nghị, các doanh nghiệp gia tăng đầu tư và không ngừng xác lập mối quan hệ không thể thiếu cho công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Nguồn: diễn đàn kinh tế Việt Nam