Xuất khẩu năm 2011: Đối mặt nhiều khó khăn
03/12/2010 62Một số ngành hàng xuất khẩu sẽ phải đối mặt với những biến động, khó khăn trong năm 2011. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phối hợp xử lý đồng bộ nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt đà xuất khẩu thành công trong năm nay.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên vừa cho biết, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua ước đạt 64,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 34,79 tỷ USD, tăng 27%; xuất khẩu của nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ.
“Tốc độ xuất khẩu tháng 11 của các ngành hàng vẫn được duy trì như tháng trước. Với tình hình thực tế của xuất khẩu hiện tại thì tháng 12 có thể xuất khẩu đạt như tháng 11 (ước 6,45 tỷ USD) và cả năm sẽ xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD”, ông Biên phát biểu tại cuộc họp giao ban xuất khẩu với các bộ, ngành tại Hà Nội hôm đầu tuần.
Đó là con số rất đáng mừng, bởi nó vượt xa chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 2010 và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của năm 2010 so với năm 2009 là rất ấn tượng. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công lo ngại rằng, với những biến động của thị trường xuất khẩu năm 2011 và nếu những vấn đề phát sinh trong nước hiện nay không được các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý sự phối hợp giải quyết, thì xuất khẩu năm 2011 sẽ rất khó khăn.
Minh họa khó khăn này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của cá tra năm 2011 có thể chỉ bằng năm 2010. Nguyên nhân, theo ông Nam, do các chủ nuôi đang phải “treo ao” do khó khăn về vốn, gây nên tình trạng thiếu nguyên liệu để cung cấp cho các doanh nghiệp chế biên xuất khẩu.
Ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2011, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. “Việc EU chấp nhận cho các nước chậm phát triển xuất khẩu vào thị trường này được hưởng ưu đãi thuế quan với xuất xứ một công đoạn sẽ khiến hàng của Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại thị trường này.
Đặc biệt, vấn đề các hãng tàu đang “ép” doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng về các loại phí phi lý, gây tăng chi phí cho các lô hàng và giảm cạnh tranh. Vấn đề này đã được nhắc tới từ vài tháng nay, nhưng chưa được giải quyết xử lý rốt ráo, nên sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng dệt may xuất khẩu trong thời gian tới.
Ông Đạo đề nghị các cơ quan khi tiến hành đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần chú ý tới vấn đề quy tắc xuất xứ của mặt hàng dệt may để tận dụng được khả năng tăng xuất khẩu đột biến trong thời gian tới, nhất là vào thị trường Hoa Kỳ.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2010, khả năng ngành thép sẽ xuất khẩu được hơn 1 tỷ USD. Con số này có thể tăng trong năm tới. Tuy nhiên, theo ông Nghi, việc quản lý nhập khẩu thép phế liệu hiện nay đang gây ra cho doanh nghiệp những khó khăn lớn, đòi hỏi cả Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tháo gỡ tích cực.
Còn nhiều khó khăn khác của các doanh nghiệp, ngành hàng đã được nêu tại hội nghị giao ban nói trên. Ông Nguyễn Thành Biên nhận xét rằng, những vấn đề xuất hiện trên thị trường xuất khẩu cũng như những trong nước cần được các bộ ngành và cơ quan chức năng quan tâm xử lý nhanh chóng hơn nữa. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để phối hợp xử lý tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực cần lưu ý tới những động thái của thị trường xuất khẩu để có giải pháp phù hợp đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Nguồn: báo đầu tư
- Mỹ sẽ công bố thỏa thuận thương mại với các nước trong tháng tới
- Xuất khẩu chính ngạch ớt, chanh leo sang Trung Quốc: Cơ hội và thách thức
- EU cân nhắc áp thuế đối với 100 tỷ euro hàng hóa Mỹ
- Ai Cập – Điểm đến mới giữa căng thẳng thương mại
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam