Không lo kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ Latinh
03/12/2010 73Trao đổi với ông Phạm Bá Uông, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Brazil, chuyên viên Vụ thị trường châu Mỹ Latinh (Bộ Công thương), về tiềm năng và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh.
Đánh giá của ông về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ Latinh?
Với 33 quốc gia và dân số 573 triệu người, Mỹ Latinh là thị trường rất rộng lớn. GDP của toàn khu vực này năm 2009 đạt trên 4.000 tỷ USD, chiếm 7% GDP toàn thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của khu vực Mỹ Latinh đạt trên 7.000 USD/năm. Trong đó, một số nước có GDP lớn, như Brazil (1.571,9 tỷ USD, chiếm 38,8% GDP toàn khu vực Mỹ Latinh); Mexico (874,9 tỷ USD, chiếm 21,6%); Venezuela (326,4 tỷ USD, chiếm 8,0%); Argentina (308,7 tỷ USD, chiếm 7,6%)...
Hiện Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với tất cả 33 nước trong khu vực Mỹ Latinh. Năm 2009, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2010, con số này ước đạt 3,3 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2009. Dự kiến, đến năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Mỹ Latinh có thể đạt 6 tỷ USD; đến năm 2020, dự báo đạt 13 - 15 tỷ USD.
Ông có thể cho biết những mặt hàng chính của Việt Nam xuất sang Mỹ Latinh, cũng như những trở ngại khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường này?
Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Mỹ Latinh gồm: giày dép; gạo; dệt may; điện - điện tử, thiết bị tin học, ba lô túi xách, thủy sản...
Khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ Latinh chủ yếu là do khoảng cách địa lý, nhưng với phương tiện vận tải tiên tiến, với công nghệ thông tin hiện đại, sẽ rút ngắn được không gian và thời gian. Vấn đề cần quan tâm là các nước Mỹ Latinh sử dụng ngôn ngữ chính là Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, thông tin hai chiều về Việt Nam và Mỹ Latinh hiện vẫn còn hạn chế.
Ông nhận xét thế nào về những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ Latinh?
Theo thống kê, những vụ kiện chống bán phá giá từ thị trường Mỹ Latinh đối với Việt Nam hiện chưa có vấn đề gì đáng lo ngại.
Theo ông, cần thực hiện những biện pháp gì để đẩy mạnh kim ngạch hai chiều Việt Nam - Mỹ Latinh?
Ở tầm vĩ mô, không chỉ tập trung vào xuất khẩu, mà cần cân đối nhập khẩu, vì Mỹ Latinh là khu vực cung cấp hàng hóa chiến lược cho toàn thế giới. Việt Nam đang nhập khẩu nguyên liệu bông, gỗ từ Chile, nhập khẩu thức ăn gia súc từ Argentina… Bên cạnh đó, Việt Nam cần tạo điều kiện cho những đoàn doanh nghiệp Mỹ Latinh vào Việt Nam trưng bày triển lãm, giới thiệu hàng hóa, khảo sát thị trường. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho hai bên hợp tác thương mại đầu tư nhiều hơn, Nhà nước cần phát triển quan hệ đồng bộ với khu vực Mỹ Latinh về văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch, ngoại giao…
Nguồn: báo đầu tư
- Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam
- Doanh nghiệp xi măng: Đầu tư công nghệ xanh hay dừng xuất khẩu?
- Tổ yến thô được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
- Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam trở lại "đường đua" tại thị trường Brazil
- Tác động thuế quan đa chiều lên các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam