Tin tức

Hiệp định CPTPP: Cơ hội đi kèm áp lực

24/12/2019    307

Cơ hội từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) rất lớn với những ưu đãi thuế quan, giúp doanh nghiệp (DN) mở rộng cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, còn phụ thuộc rất nhiều vào sự thích nghi, chủ động của từng DN. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Trong 11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada 11 tháng năm 2019 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%...

Riêng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Bình - Trưởng phòng quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP. Hồ Chí Minh - Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Tính từ thời điểm CPTPP chính thức có hiệu lực đến nay, tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất, nhập khẩu theo CPTPP của thành phố chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu vào CPTPP của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch VCCI, mặc dù hàng rào thuế quan nhiều mặt hàng được dỡ bỏ, song việc có tận dụng được các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường hay không lại phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, cũng như các yêu cầu khác như: An toàn thực phẩm, lao động, môi trường...

Bên cạnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại của các quốc gia tham gia CPTPP không hề mất đi. Các nước vẫn áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu; thực hiện hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, chống trợ cấp tương tự như trong WTO. Vẫn yêu cầu rõ về đóng gói, ghi nhãn sản phẩm, chất lượng, công năng sản phẩm…

Chẳng hạn với ngành may, bà Khưu Thị Thanh Thủy - Tổng thư ký Hội dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh - cho hay, việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, khó tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong nội khối CPTPP khiến cho việc đáp ứng nguyên tắc xuất xứ trong Hiệp định trở nên khó khăn cho DN xuất khẩu.

Hay với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh - cho biết, có nhiều áp lực cho DN khi phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, bảo vệ môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội...

Trước những thách thức này, ông Võ Tân Thành đề xuất mỗi DN, hiệp hội cần có kế hoạch, chiến lược kinh doanh thích hợp bằng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ. Thêm vào đó, từng DN cũng phải điều chỉnh để thích nghi, chú trọng giữ vững thị phần tại thị trường nội địa.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn Báo Công thương