Tin tức

FTA thế hệ mới: 'Cú huých' thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong trung, dài hạn

29/11/2019    395

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU-EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những hiệp định (HĐ) có mức độ cam kết sâu và rộng với nhiều lĩnh vực ngoài cắt giảm thuế quan và thương mại, do đó có tác động rất tích cực tới nền kinh tế.

Quan trọng hơn, các HĐ này có tác động mạnh tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thể chế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn. Đây là chia sẻ của ông Trần Toàn Thắng – Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tác động của các FTA thế hệ mới, cụ thể là EVFTA và CPTPP tới nền kinh tế Việt Nam?

- Ông Trần Toàn Thắng: Nghiên cứu đánh giá về tác động của EVFTA và CPTPP cho thấy, cả hai HĐ đều có tác động tích cực tới tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư… của Việt Nam. Tùy từng mức độ mở cửa (mức độ giảm thuế quan so với mức hiện tại) tác động tích cực của mỗi HĐ cũng khác nhau. Theo đó, EVFTA có tác động lớn hơn tới tăng trưởng xuất khẩu (XK) và GDP, trong khi đó CPTPP có mức độ tác động thấp hơn (do rất nhiều thành viên đã có FTA khác với Việt Nam). 

Về tác động của EVFTA đối với tăng trưởng, nhiều nghiên cứu cho thấy, EVFTA sẽ mang lại tác động rất tích cực tới GDP, tăng thêm lũy tiến 2,5%, 4,6% và 4,3% tương ứng vào năm 2020, 2025 và 2030 (giả định HĐ có hiệu lực từ 2020) so với trường hợp không có HĐ. Tính trung bình, GDP tăng thêm mỗi năm 5,3 tỷ USD tương đương với 0,34 điểm %. Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Về thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh, do đó EVFTA có tác động tích cực tới kim ngạch XK hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU. Cụ thể, kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm lũy tiến khoảng 20% vào năm 2020 và 42,7% vào 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với kịch bản không có EVFTA.

Điểm đáng chú ý là do năng lực XK của Việt Nam không thể tăng tương ứng, tăng XK sang thị trường EU sẽ có một phần lớn là do chuyển hướng thương mại từ các thị trường khác (tác động chuyển hướng thương mại). Do đó, tác động của HĐ với tổng kim ngạch XK của Việt Nam chỉ tăng lần lượt là 3,1%, 5,7% và 5,6% tới các năm 2020, 2025, 2030. Như vậy, có đến 74 – 76% kim ngạch XK tăng thêm sang EU là do việc chuyển hướng từ các thị trường khác.

Về tác động của CPTPP đối với tăng trưởng GDP, theo nghiên cứu của chúng tôi, CPTPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD vào năm 2030.

Về thương mại, nhờ cắt giảm thuế quan, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ XK với tổng mức tăng thêm về kim ngạch XK trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD) vào năm 2030, so với trường hợp không có CPTPP. Việc tăng XK sẽ chủ yếu là sang các nước trong CPTPP, với tốc độ XK  tăng thêm ở mức 14,3%, tương đương với 2,61 tỷ USD, trong khi XK sang các nước ngoài CPTPP tăng thêm 1,7% (tương đương hơn 1,4 tỷ USD) vào năm 2030…

Một điểm chung là cả hai HĐ này đều có tác động khá tích cực về mặt tạo sức ép gián tiếp và trực tiếp nhằm cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Cụ thể, do EVFTA và CPTPP đều là những HĐ thế hệ mới, nên những cam kết đối với môi trường đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, điều kiện lao động… sẽ tạo sức ép cải cách thể chế và chính sách trong trung và dài hạn… Đồng thời, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện HĐ cũng sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới…

* PV: Bên cạnh các tác động tích cực, việc tham gia EVFTA và CPTPP sẽ đem đến những thách thức như thế nào cho nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?

- Ông Trần Toàn Thắng: Bên cạnh các tác động tích cực, việc tham gia và thực thi các cam kết của EVFTA và CPTPP cũng sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Những thách thức lớn nhất xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam như hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) trong nước; hệ thống chính sách pháp luật còn thiếu, yếu và chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thực hiện các cam kết. 

Bên cạnh đó, do mức độ giảm thuế ở các ngành khác nhau là khác nhau, nên việc thực thi các FTA dẫn đến việc tăng trưởng không đồng đều, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do nguồn lực bị tập trung cho các ngành tăng trưởng cao. Ngoài ra là những thách thức từ hạn chế trong hiểu biết và nhận thức của các DN và cộng đồng…

* PV: Để tận dụng cơ hội, hạn chế thách thức từ các HĐ EVFTA và CPTPP mang lại, theo ông, cần những giải pháp như thế nào?

- Ông Trần Toàn Thắng: Trước hết, cần tích cực phổ biến, tuyên truyền về hai HĐ này rộng rãi tới cộng đồng DN. Việc phổ biến tuyên truyền hiện nay vẫn đang thiếu những thông tin cụ thể, theo ngành. Với 8.000 – 9.000 dòng thuế khác nhau trong cả hai HĐ, thông tin chi tiết về từng nhóm ngành này đang hạn chế. 

Bên cạnh đó, thời gian tới, cần chủ động sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA.

Đặc biệt, cần khẩn trương xây dựng các báo cáo đánh giá tác động tiêu cực của EVFTA, CPTPP, trong đó chỉ rõ nhóm, ngành chịu nhiều tác động tiêu cực. Đồng thời, có các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tránh tuyên truyền một chiều về các HĐ. Song song với đó, cần sớm xây dựng các chính sách hỗ trợ, chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, DN, đặc biệt là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, ngư dân… phù hợp với cam kết quốc tế. Đồng thời, cần chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ biến động thị trường quốc tế; hỗ trợ DN Việt Nam thâm nhập và phát triển thị trường thông qua các kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư, bao gồm hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh tại các thị trường XK…

* PV: Xin cảm ơn ông! 

Nguồn: Thời báo tài chính